"Chúng tôi không loại trừ việc thực hiện các bước bổ sung trong lĩnh vực răn đe hạt nhân, bởi vì các trung tâm chỉ huy và vị trí lực lượng hạt nhân của chúng tôi sẽ nằm trong tầm bắn của các tên lửa Mỹ" - Hãng tin Reuters ngày 30-5 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết.
Ông Lavrov nói như vậy trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin RIA (Nga). Ông đề cập đến kế hoạch của Mỹ (được công bố hồi tháng 4) nhằm triển khai tên lửa ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đối phó hoạt động quân sự hóa ngày càng tăng của Trung Quốc.
Mỹ trước đây không được triển khai như vậy theo Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga. Tuy nhiên, Mỹ đã chính thức rút khỏi INF vào năm 2019 sau khi cho rằng Matxcơva vi phạm hiệp ước này - cáo buộc mà Điện Kremlin đã bác bỏ.
Được ký kết năm 1987 bởi các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô là Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev, Hiệp ước INF cấm hai nước phát triển và vận hành các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500km.
Trong diễn biến khác, chuyên gia Dmitry Suslov, thành viên Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng có trụ sở ở Matxcơva, mới đây cho rằng Nga nên xem xét thực hiện một vụ nổ hạt nhân để ngăn việc phương Tây cho phép Ukraine tấn công mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Đề xuất của chuyên gia này được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 28-5 cảnh báo phương Tây rằng các nước thành viên NATO ở châu Âu đang "đùa với lửa" khi đề xuất cho Ukraine dùng vũ khí phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, điều mà ông Putin cho rằng có thể dẫn tới xung đột toàn cầu.
Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS) cho biết Nga có tổng cộng 5.977 đầu đạn hạt nhân, nhiều nhất trên thế giới. Trong khi đó Mỹ có 5.428 đầu đạn hạt nhân, Pháp có 290 và Anh có 225.
Theo báo Washington Post, kể từ năm 2000, học thuyết quân sự được chia sẻ công khai của Nga đã cho phép nước này sử dụng vũ khí hạt nhân "để đối phó với hành động xâm lược quy mô lớn có sử dụng các vũ khí thông thường, cụ thể trong những tình huống quan trọng với an ninh quốc gia của Liên bang Nga".
Chiến lược của Nga - được biết đến là "leo thang để giảm leo thang" - bao gồm khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường để làm thay đổi chiều hướng của một cuộc xung đột thông thường mà các lực lượng Nga có nguy cơ thua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận