"Có vẻ như các nước đang muốn thải loại các vũ khí cũ mà họ không cần nữa", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời ngày 17-3. Trước đó ông được hỏi về việc Ba Lan và Slovakia cam kết gởi tiêm kích MiG-29 cho Ukraine.
"Trong quá trình tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, tất cả những vũ khí này sẽ bị phá hủy", đại diện Điện Kremlin nhấn mạnh.
Hôm 16-3, Ba Lan trở thành nước đầu tiên trong NATO thông báo sẽ gửi chiến đấu cơ cho Ukraine. Theo Hãng tin Reuters, Kiev sẽ nhận được bốn chiếc MiG-29 từ Ba Lan, loại chiến đấu cơ mà các phi công Ukraine rất quen thuộc.
Ngày 17-3, đến lượt Slovakia thông báo sẽ gởi MiG-29 cho Kiev nhưng không nói rõ số lượng. Nước này có phi đội 11 chiếc MiG-29 và hiện toàn bộ đều đã "nghỉ hưu" để chờ các tiêm kích F-16 mới từ Mỹ.
Theo Reuters, phần lớn số tiêm kích "nghỉ hưu" nói trên đều không hoạt động. Slovakia sẽ gởi những chiếc còn hoạt động trước cho Ukraine, sau đó tìm phụ tùng để sửa chữa những chiếc còn lại.
Nước này cũng sẽ cung cấp một phần hệ thống phòng không KUB của mình cho Ukraine, theo Thủ tướng Slovakia Eduard Heger.
Kể từ khi xung đột bùng nổ, Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ các nước phương Tây, trong đó có NATO. Tuy nhiên các nước này vẫn thận trọng với kế hoạch gởi chiến đấu cơ cho Kiev do lo ngại phản ứng từ Matxcơva.
Động thái của Ba Lan và Slovakia được kỳ vọng sẽ mở đường cho các nước khác làm theo. Mặc dù vậy theo giới quan sát quân sự, khả năng cao sẽ là các nước có tiêm kích cùng hệ với Ukraine để tiết kiệm thời gian do việc đào tạo chuyển loại cho phi công mất rất nhiều công sức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận