Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson - Ảnh: REUTERS
Trong bài viết đăng trên báo New York Times ngày 27-12, ông Tillerson đã lên án việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và khiến tình hình ngoại giao hai nước tồi tệ đi.
Bài viết với tựa đề "Tôi tự hào về công tác ngoại giao của chúng tôi" có đoạn:
"Với Nga, chúng tôi không có ảo tưởng nào về chế độ mà mình đang đối phó. Mỹ ngày nay đang có quan hệ tồi tệ với một nước Nga đang trỗi dậy, vốn đã xâm chiếm láng giềng như Gruzia và Ukraine trong thập kỷ trước và làm xói mòn chủ quyền của các quốc gia phương tây bằng việc can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi cũng như các nước khác".
Theo nhà báo Fred Pleitgen của đài CNN tại Matxcơva, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã cáo buộc ông Tillerson sử dụng "loại ngôn ngữ áp bức".
Theo bà Zakharova, những gì ông Tillerson viết trên New York Times mang tính đối đầu và những dữ kiện đưa ra là "tin vịt".
Cũng trong bài viết trên, ông Tillerson đặt vấn đề rằng Nga và Mỹ cần tìm thấy điểm chung trong các vấn đề, đơn cử là Syria. Và khi hai bên nhìn thấy lợi ích chung, thì tại sao không cùng hợp tác để đánh bật Tổng thống Syria Bashar al-Assad khỏi vai trò của hòa đàm?
Nhà báo Pleitgen cho biết đã kết nối và phỏng vấn lấy nhận xét của phía Nga về đề xuất của ông Tillerson. Và theo lời Pleitgen, Nga từ chối như sau: "Chừng nào người Nga còn quan ngại thì không có hợp tác gì ở đây cả".
Thực tế ông Tillerson không chỉ nhắc tới Nga trong bài viết, mà còn nói khá nhiều về vấn đề Triều Tiên hay các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông… tuy nhiên Ngoại trưởng Mỹ vẫn rất thẳng thắn ở cái nhìn về Nga.
"Việc bổ nhiệm ông Kurt Volker, một cựu đại sứ NATO, vào vai trò đại diện cho Ukraine đã phản ánh cam kết của chúng tôi trong việc tái lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Khi thiếu vắng một giải pháp hòa bình cho Ukraine, mà vốn phải bắt đầu với sự tham gia của Nga trong thỏa thuận Minsk, thì không thể có chuyện tiếp tục đối xử như bình thường với Nga nữa", ông Tillerson viết.
Đến nay, thỏa thuận ký ở Minsk (Belarus) vẫn được xem là cột mốc để tiến tới giải pháp hòa bình cho Ukraine với lệnh ngừng bắn trong cuộc giao tranh tại miền đông nước này, vốn dĩ yêu cầu Nga không tiếp tục ủng hộ quân nổi dậy. Tuy nhiên Matxcơva bác bỏ cáo buộc họ tiếp tay cho quân nổi dậy.
Theo Mỹ và các nước châu Âu, Nga phải "tuân thủ thỏa thuận Minsk" thì mới tính tới chuyện tháo gỡ lệnh trừng phạt kinh tế đang áp lên Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận