Nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny - Ảnh: REUTERS
Tòa án thành phố Matxcơva cuối ngày 9-6 ra phán quyết các văn phòng mạng lưới khu vực của ông Navalny và tổ chức chống tham nhũng (FBK) của nhân vật này là "cực đoan", nên ra lệnh cấm hoạt động ngay lập tức.
Theo hãng tin AFP, Bộ Ngoại giao Mỹ gọi động thái này là "đặc biệt đáng quan ngại" và hạn chế các quyền cơ bản ở Nga.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết phản ứng của Mỹ cho thấy mức độ can thiệp của nước này vào các vấn đề của Nga. "Bạn có thấy phản ứng tức thời từ Bộ Ngoại giao đối với một quyết định nội bộ ở một quốc gia khác như vậy chưa. Điều này có nghĩa là họ có liên quan về mặt chính trị", bà Maria nói trong một cuộc phỏng vấn phát trên YouTube sáng 10-6.
Bà Maria nói thêm rằng động thái của Mỹ đã khiến họ tự làm lộ "đặc vụ" của mình. "Họ thể hiện sự sốt sắng như vậy là vì nó đụng chạm tới người mà họ giám sát, người mà họ ủng hộ về mặt chính trị", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga bóng gió.
Các công tố viên Nga hồi tháng 4 đã yêu cầu dán mác "cực đoan" cho các tổ chức của ông Navalny, cho rằng tổ chức này đang âm mưu nổi dậy với sự hỗ trợ từ phương Tây.
Tổng thống Nga Putin ngày 4-6 đã ký luật cấm nhân viên, thành viên và nhà tài trợ của các nhóm "cực đoan" tham gia tranh cử.
Lãnh đạo của các nhóm bị dán nhãn "cực đoan" sẽ không thể tranh cử trong các cuộc tổng tuyển cử trong vòng 5 năm. Trong khi đó, thành viên và người hỗ trợ tài chính cho nhóm sẽ bị cấm tranh cử trong vòng 3 năm.
Về phía ông Navalny, cũng trong ngày 10-6, nhân vật đối lập này tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến của mình.
Tổ chức chống tham nhũng FBK của ông Navalny cũng khẳng định trên Twitter sẽ tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng để phản ứng trước phán quyết của Tòa án Matxcơva.
FBK đã công bố nhiều cuộc điều tra về tài sản của giới thượng lưu Nga, bằng những video trên YouTube thu hút hàng triệu lượt xem.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận