Lực lượng đặc nhiệm Saudi Arabia trong lễ tốt nghiệp năm 2015 - Ảnh: Reuters |
Hiện tất cả đường bộ, đường biển và đường hàng không từ Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đến Qatar đã bị cắt đứt.
Trong đó, đáng kể nhất là tuyến đường bộ duy nhất nối Qatar và phần còn lại của thế giới đã bị Saudi Arabia phong tỏa.
Không ít người đã đề cập đến nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh vùng Vịnh mới. Mặc dù khả năng đó không cao, nhưng nếu xảy ra chiến sự, quốc gia nào sẽ chiếm ưu thế dựa vào lực lượng quân sự áp đảo?
Qatar
Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A7 của Qatar được đánh giá là một trong những xe tăng hiện đại nhất thế giới - Ảnh: Facebook |
Là quốc gia giàu nhất thế giới tính theo GDP bình quân đầu người, Qatar lại có quân đội khá khiêm tốn và trang bị nghèo nàn với quân số chỉ tương đương cấp sư đoàn. Theo chuyên trang về quân sự Global Fire Power, quân đội Qatar có 12.000 binh sĩ thường trực và không hề có quân dự bị.
Cũng cần nhớ rằng dân số Qatar được ghi nhận khoảng 2,2 triệu người như với chỉ 300.000 "dân thuần chủng Qatar", còn lại là người nước ngoài nhập cư.
Lục quân Qatar là quân chủng đông nhất với khoảng 8.500 người. Trang bị của quân chủng này gồm có 92 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A7 do Đức sản xuất và AMX-30; 36 pháo tự hành và pháo xe kéo; 464 xe bọc thép chiến đấu và 21 hệ thống pháo phản lực phóng loạt.
Không quân Qatar có 1.500 người, được trang bị 98 máy bay các loại gồm 9 máy bay đánh chặn, 28 máy bay huấn luyện, 53 máy bay vận tải, 15 máy bay tấn công cánh cố định và 43 trực thăng. Qatar đã ký hợp đồng mua 36 tiêm kích F-15 của Mỹ và 24 tiêm kích Rafale của Pháp nhưng chưa có chiếc nào được chuyển giao.
Hải quân Qatar không có tàu chiến đúng nghĩa mà chỉ có 69 tàu tuần tra ven bờ. Trong khi đó, trách nhiệm bảo vệ vùng trời Qatar chủ yếu dựa vào 11 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 của Mỹ cùng 18 hệ thống phòng thủ tầm gần Rapier và một số tên lửa vác vai khác.
Saudi Arabia
Quân đội Saudi Arabia trong một cuộc diễu binh - Ảnh: Reuters |
Trái ngược với người láng giềng Qatar, quân đội Saudi Arabia có quy mô gấp 20 lần quân đội Qatar với 235.000 binh sĩ thường trực và 2 sư đoàn dự bị (khoảng 25.000 quân).
Lục quân Saudi Arabia có 1.142 xe tăng các loại, gồm 442 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2S của Mỹ; 5.472 xe bọc thép chiến đấu; 524 pháo tự hành, 432 pháo xe kéo và 322 hệ thống pháo phản lực phóng loạt. Theo Global Fire Power, khoảng 700 xe tăng M60 Patton và AMX-30 cùng hàng trăm xe bọc thép chiến đấu AMX-10 đã được đưa vào niêm cất.
Xương sống hiện tại của không quân Saudi Arabia là 177 tiêm kích F-15 và Typhoon. Hiện lực lượng này được trang bị 245 máy bay tấn công, 221 máy bay vận tải và 248 máy bay trực thăng, trong đó có 21 trực thăng tấn công.
Hải quân Saudi Arabia có lực lượng khá mỏng nếu xét về vị trí chiến lược hướng ra vịnh Ba Tư, không hề có tàu khu trục hay tàu ngầm. Lực lượng này hiện có 7 khinh hạm, 4 tàu hộ tống tên lửa, 3 tàu quét mìn và 11 tàu tuần tra ven bờ.
Đáng chú ý, Saudi Arabia còn tổ chức lực lượng tên lửa chiến lược được trang bị các tên lửa DF-3 và DF-21 do Trung Quốc sản xuất.
Không rõ số lượng tên lửa những loại này trong quân đội Saudi Arabia. Quốc gia này hiện đang tiếp tục hiện đại hóa quân đội bằng hợp đồng vũ khí trị giá 100 tỉ USD vừa được ký trong chuyến thăm tháng rồi của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
UAE
Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) có 65.000 binh sĩ thường trực, gấp 5,5 lần quân đội Qatar nhưng không có quân dự bị.
Là "con nhà giàu", lục quân UAE được trang bị tới 388 xe AMX-56 Leclerc - xe tăng chiến đấu chủ lực đắt nhất thế giới; 2.204 xe bọc thép chiến đấu; 282 pháo tự hành và pháo xe kéo các loại cùng 54 hệ thống pháo phản lực phóng loạt.
Quân đội UAE có tổng cộng 536 máy bay, trong đó có 104 tiêm kích đánh chặn; 96 máy bay tấn công; 30 trực thăng tấn công; 209 máy bay vận tải và 203 máy bay trực thăng. Lực lượng hải quân gồm 11 tàu hộ tống tên lửa và 12 tàu tuần tra ven bờ.
Máy bay tiếp liệu trên không KC-135 của không quân Mỹ tại căn cứ Al Udeid của Qatar tháng 3-2016. Pháo đài bay B-52, máy bay ném bom chiến lược B-1 của Mỹ cũng đã từng xuất hiện tại căn cứ này - Ảnh: US Air Force |
"Ông kẹ" Mỹ
Theo bảng xếp hạng tiềm lực quân sự các nước năm 2017 của Global Fire Power, quân đội Qatar đứng thứ 90 trên 128 quốc gia, bị bỏ xa bởi các quốc gia đang đối đầu trong khối Ả rập như Ai Cập (thứ 11), Saudi Arabia (thứ 24) hay UAE (thứ 60) và chỉ hơn Bahrain (thứ 93).
Với quân đội nhỏ và trang bị hạn chế lại nằm ở vị trí chiến lược, Qatar sẽ là mục tiêu dễ bị tổn thương nếu không có sự hiện diện của Mỹ. Washington hiện đang duy trì căn cứ không quân Al Udeid tại Qatar.
Đây được xem là một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong khu vực, là tổng hành dinh tiền phương của Bộ Tư lệnh khu vực miền trung (USCENTCOM) của Mỹ.
Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Qatar cùng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa quốc gia này với Mỹ và Anh được ví như lá bùa hộ mệnh của quốc gia nhỏ bé.
Giới quan sát nhận định, là nhà cung cấp vũ khí chính cho khu vực, Mỹ đương nhiên hưởng lợi nếu căng thẳng leo thang đến mức chạy đua vũ trang.
Nhưng nếu xảy ra một cuộc chiến giữa các nước vùng Vịnh, Washington sẽ là bên khó xử và bị ảnh hưởng đáng kể về các mục tiêu chiến lược như kiềm chế Iran, chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), làm đối trọng với Nga.
Vậy nên trước khi viễn cảnh này xảy ra, người Mỹ đang cố gắng đứng ra làm trung gian hòa giải.
Đó là còn chưa kể đến việc Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia bên ngoài khối Ả rập, nhưng có sức ảnh hưởng không hề nhỏ ở khu vực gần đây đã đứng về phía Qatar.
Theo hãng tin RIA Novosti của Nga, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8-6 đã thông qua một loạt văn bản luật cho phép chính quyền Ankara mở rộng hiện diện quân sự tại Qatar, đồng thời tham gia huấn luyện lực lượng hiến binh của nước này.
Cuộc chiến mới ở vùng Vịnh vì thế sẽ không dễ xảy ra và nếu xảy ra vẫn chưa thể lường định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận