Tuy nhiên theo các chuyên gia, các hãng bay sẽ không thể tùy tiện tăng giá vé bởi sự cạnh tranh tại thị trường bay rất khốc liệt. Trong khi đó, việc nới giá trần vé bay sẽ giúp các hãng đa dạng hóa mức vé, tăng chất lượng phục vụ khách.
Khách hàng lo các hãng bay tăng giá vé
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Quỳnh Vy (28 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết giá vé máy bay được hiển thị trên website đang khá rẻ nhưng chưa phải giá cuối cùng. Chẳng hạn, giá 99.000 đồng nhưng các khoản phí trong vé máy bay chiếm phần lớn, tổng số tiền cuối cùng khách phải trả từ 700.000 - 1 triệu đồng trở lên.
Theo chị Vy, thời buổi "củi quế gạo châu", người dân chi tiêu thắt chặt hơn. Giá vé máy bay tăng, dù là vài chục nghìn hay vài trăm nghìn đồng cũng sẽ khiến mọi người cân nhắc. "Gia đình đông người, đi máy bay vào dịp lễ, giá vé nhỉnh lên vài trăm là cả một vấn đề rồi" - chị Vy nói.
Anh Tấn Khoa, giám đốc một công ty may tại quận Gò Vấp, cũng lo ngại rằng với việc nới giá trần, giá vé máy bay có khả năng tăng, trong khi các hãng không có sự phân chia phân khúc rõ ràng về mặt giá vé.
Vào những dịp cao điểm, giá vé của 5 hãng bay nội địa gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines hầu như không chênh lệch nhiều. Chẳng hạn, với chặng TP.HCM - Đà Nẵng, giá vé bay Vietnam Airlines là 1,5 triệu đồng/vé một chiều trong khi giá vé bay Vietjet, Bamboo Airways... chỉ thấp hơn 100.000 - 300.000 đồng/vé.
"Tăng giá vé để hãng bay thêm dải vé, tăng chất lượng phục vụ tốt hơn nhưng cần phải rõ phân khúc chất lượng tương xứng với giá. Trong thực tế, hầu hết các hãng bay nội địa có giá vé ngang ngửa nhau, nhìn nhau để tăng giá trong mùa cao điểm nhằm thu lợi nhuận tốt, khách hàng lại thiệt thòi" - anh Khoa nói.
Đồng thời anh Khoa cho rằng nếu việc tăng mức giá trần vé máy bay được thông qua, anh sẽ có tâm lý chọn phương án di chuyển bằng phương tiện khác như xe máy, ô tô và tàu lửa đối với những chặng có khoảng cách từ 500km trở lên.
Ông Nguyễn Hùng Minh - giám đốc đại lý cấp 1 của 5 hãng bay quốc tế tại thị trường Việt Nam - cho rằng các hãng hàng không đang bán vé khá thấp. Một số đường bay nội địa chỉ bay duy trì hoạt động thực ra giá quá thấp dẫn đến lỗ.
Theo ông, nới giá trần vé máy bay nội địa giai đoạn hiện nay phù hợp, không có nghĩa giá vé sẽ luôn nằm ở mức trần nếu đề xuất được thông qua.
Đa dạng giá vé, nâng chất lượng phục vụ?
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-7, lãnh đạo một hãng bay cho rằng giá vé đang rất rẻ, trong khi chi phí tăng vọt. Càng bay càng lỗ. Bởi mức giá trần này đã được áp dụng từ năm 2015 đến nay, trong khi hàng loạt chi phí vận chuyển hành khách đều tăng cao, từ xăng bay cho đến tỉ giá, nhân công...
Việc Bộ Giao thông vận tải đưa ra lấy ý kiến nới giá trần là điều mà các hãng bay trông chờ suốt nhiều năm nay. Dù vậy, việc tăng trần giá vé bay nội địa không đồng nghĩa giá vé bay sẽ tăng ngay lập tức.
Theo vị này, việc tăng giá trần sẽ giúp các hãng bay xây dựng thêm dải vé, đầu tư vào dịch vụ tương ứng với mức giá. Khách chọn dịch vụ tốt có giá cao hơn, giá rẻ dịch vụ thấp hơn, phân chia rõ hơn về từng phân khúc hãng bay, từng mức giá để khách chọn lựa phù hợp.
"Đừng nghĩ nới giá trần là hãng bay sẽ tăng giá vé. Cạnh tranh đang khốc liệt. Nới giá trần là để hãng dễ dàng linh hoạt xoay xở mức giá để phục vụ khách tốt hơn nhưng đảm bảo hài hòa lợi ích của hãng" - vị này nói.
Cũng theo vị này, trong thực tế, vào những mùa cao điểm, đặc biệt là cao điểm Tết, các hãng hàng không đều phải giải quyết bài toán chi phí cho các chuyến bay "lệch đầu". Tức là có một chiều bay khách có nhu cầu rất lớn, còn chiều ngược lại có nhu cầu rất thấp.
"Do vậy, mức giá vé vào cao điểm sẽ cao hơn thường lệ nhằm đảm bảo hiệu quả chi phí, bù đắp chiều bay rỗng hoặc không đủ khách. Các hãng hàng không sẽ có cơ hội bù đắp chi phí hai chiều của chuyến bay", vị này cho biết.
Ông Bùi Doãn Nề, tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, cũng khẳng định việc nới giá trần sẽ không thể là lý do để các hãng đồng loạt tăng giá vé.
"Việc nới giá trần này chỉ giúp các hãng hàng không có thêm dư địa để thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu của hành khách tham gia giao thông bằng đường hàng không", ông Nề khẳng định.
Thêm dư địa để giãn biên độ giữa các giá vé?
Như Tuổi Trẻ thông tin, tại dự thảo thông tư vừa được Bộ Giao thông vận tải đưa ra lấy ý kiến, giá trần vé bay hạng phổ thông trên bốn đường bay nội địa dự kiến sẽ tăng từ 2,27 - 6,67%, tương đương với mức tăng 50.000 - 250.000 đồng/vé một chiều tùy chặng.
Theo Bộ Giao thông vận tải, giá trần vé bay nội địa đã được áp dụng từ năm 2015 đến nay, không còn phù hợp do giá nguyên liệu và nhiều chi phí khác tăng mạnh, khiến chi phí vận chuyển của các hãng bay tăng cao. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cũng khẳng định việc nới trần giá vé bay không đồng nghĩa với việc các hãng bay sẽ tăng giá vé.
Ngược lại, các hãng bay sẽ có dư địa để thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, đưa thêm nhiều chính sách phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của hành khách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận