25/01/2016 09:27 GMT+7

Nếu tôi làm thủ tướng nhiệm kỳ mới

NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ thực hiện
NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ thực hiện

TT - TS Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, trò chuyện với Tuổi Trẻ về Đại hội Đảng - vấn đề thời sự nhất hiện nay.

Ông Nguyễn Đình Cung - Ảnh: Việt Dũng
Ông Nguyễn Đình Cung - Ảnh: Việt Dũng

Hội nhập, theo tôi, là nhân tố thúc đẩy thay đổi thể chế. Cái được lớn nhất của hội nhập lẽ ra phải là phát triển thể chế như các nước chứ không chỉ là thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu hàng hóa...

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG (viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương)

* Chuẩn bị cho một nhiệm kỳ mới, nếu là thủ tướng, ông sẽ làm gì?

- Tôi nghĩ thủ tướng nhiệm kỳ mới nên tập hợp quanh mình những chuyên gia giỏi và ngay lập tức hoạch định chương trình hành động cho nhiệm kỳ mới với những nội dung đổi mới cùng kế hoạch thực thi cụ thể. Điều này giúp thủ tướng tránh sa vào giải quyết các vấn đề sự vụ, trước mắt.

Có mấy vấn đề lớn cần tập trung.

Một là, thiết lập thể chế để hình thành, phát triển và hoàn thiện các thị trường, nhất là thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, thị trường quyền khai thác tài nguyên; chuyển khối tài sản toàn dân mà hiện Nhà nước đang quản lý thành những loại tài sản chuyển nhượng, mua bán, trao đổi được.

Hai là, tiếp tục mở rộng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh đồng thời với thiết lập các thiết chế đảm bảo cạnh tranh công bằng.

Ba là, cần cải cách thực chất khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Cuối cùng, cần từng bước thay đổi vai trò Nhà nước và đổi mới hệ thống quản trị công chuyển từ Nhà nước sở hữu và kiểm soát sang Nhà nước kiến tạo và điều tiết.

Cần một bước nhảy đủ mạnh

* Trong văn kiện Đại hội Đảng lần này, ông nhìn thấy những điểm gì mới?

- Theo tôi, có một số điểm mới mà quan trọng nhất là “Xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế (...) vận hành đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.

Đồng thời, Nhà nước sử dụng thể chế, các nguồn lực, công cụ điều tiết (...) để thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội”.

Như vậy, lần đầu tiên văn kiện Đảng khẳng định phải xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại và đầy đủ như các nước phát triển.

Đặc biệt, việc tách bạch hẳn “phát triển kinh tế thị trường” và “đảm bảo an sinh xã hội” sẽ giúp tránh được những quyết định can thiệp hành chính, làm méo mó thị trường...

Quan điểm lớn thứ hai cũng mang tính định hướng rõ nét: “Tập trung tạo dựng thể chế, cơ chế, chính sách và môi trường, điều kiện ngày càng minh bạch, an toàn, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tự do sáng tạo, đầu tư, kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng trong kinh tế thị trường”.

Đây là cái chúng ta còn yếu. Đại hội thông qua văn kiện này sẽ là cơ sở để thúc đẩy các chính sách đảm bảo quyền tự do sáng tạo, đầu tư kinh doanh của người dân.

* Thật ra chúng ta từng nghe không ít về những mục tiêu trên. Nhưng vấn đề là liệu có thực hiện được hay không trong tình hình “nói nhiều - làm ít” và rất hay “bàn tới - bàn lui”?

- Trong vài năm qua, nhất là từ năm 2014, Quốc hội đã ban hành các luật theo hướng mở rộng và bảo đảm tốt hơn quyền tự do kinh doanh.

Chính phủ đã có các nghị quyết (như nghị quyết 19) về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh... Đó là những nghị quyết đầy quyết tâm (với mục tiêu như rút thời gian nộp thuế xuống ngang bằng các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan... - PV).

Lần đầu tiên VN đã chấp nhận so việc cải cách của mình với quốc gia khác, nhất là các quốc gia tiên tiến trong khu vực, chứ không chỉ so với chính mình như trước đây.

Song tiến độ thực hiện nghị quyết nhìn chung khá chậm. Và đúng là cái yếu nhất ở VN là tổ chức thực hiện. Ngay cả chính sách tốt, kết quả thực hiện cũng khác khá xa so với những gì có trên giấy tờ.

Tại sao luật lệ, chính sách nói chung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển? Ngay cả các chính sách tốt thì thực thi cũng chưa tốt? Theo tôi, có cái gì đó không còn phù hợp trong hệ thống của chúng ta.

Do đó, muốn khắc phục phải đổi mới căn bản, toàn diện làm thay đổi về chất của thể chế kinh tế VN. Đó có thể gọi là một cuộc đổi mới lần 2 sau cuộc đổi mới năm 1986.

* Nhưng nhiều vị lãnh đạo cho rằng quá trình đổi mới diễn ra liên tục, chứ không phải đổi mới lần một hay lần hai?

- Đúng là quá trình đổi mới liên tục, nhưng đến một thời điểm nào đó cần có một bước nhảy đủ mạnh để có chuyển đổi cơ bản về chất, tạo động lực mới cho quá trình phát triển.

Tại những thời điểm như thế, đổi mới theo kiểu tuần tự, từng bước không đủ để giải quyết các nút thắt của phát triển.

Có thể nói dư địa và động lực của những đổi mới của 30 năm qua đến nay đang yếu dần, giống như phát triển lên đến trần nhà rồi, phải tính đục cái trần đó đi để mở rộng không gian và dư địa phát triển.

Nếu chỉ loay hoay ở dưới trần không thể phát triển đột phá như các nước đã phát triển thành công chỉ trong vòng vài mươi năm.

* Vậy đổi mới lần hai cụ thể gồm những việc gì, thưa ông?

- Chủ yếu là cải cách thể chế. Thể chế về sở hữu chúng ta chưa hoàn thành, cần tiếp tục. Chúng ta chưa chuyển được sang nền kinh tế trong đó sở hữu tư nhân là chủ yếu, rất nhiều tài sản hiện nay chưa được pháp luật ghi nhận là tài sản, còn sở hữu toàn dân thì không rõ ràng.

Do đó, các thị trường nhân tố sản xuất ở nước ta đang rất sơ khai, méo mó, chưa trở thành yếu tố quyết định trong phân bố nguồn lực xã hội, trái lại đang bị can thiệp hành chính khá phổ biến.

Cách thức phân bố nguồn lực như vậy khó có thể công bằng, khách quan, rất không có lợi cho phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Gỡ bỏ tư duy đè nén

* Thưa ông, chủ trương hỗ trợ khởi nghiệp đã được nói nhiều, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp VN muốn khởi nghiệp phải đăng ký ở... Singapore?

- Tôi biết một số bạn trẻ phải sang Singapore để lập doanh nghiệp, để khởi nghiệp. Bởi họ đăng ký qua mạng rất dễ dàng trong khi việc khởi nghiệp đó không thể làm được ở nước ta bởi những ràng buộc, cấm đoán về pháp lý. Đó là chưa kể ở VN, bảo hộ sở hữu trí tuệ rất kém.

Người ta vừa có ý tưởng sáng tạo hay sản phẩm mới, thiên hạ sao chép ngay, rồi hàng giả, hàng nhái xuất hiện... Như thế doanh nghiệp làm sao sống được?

Doanh nghiệp VN khởi nghiệp ở nước ngoài thì thuế họ cũng nộp ở nước ngoài là chính... Không gian bây giờ rộng mở, rất khó kiểm soát được.

Chúng ta quản lý theo kiểu thiên về kiểm soát, và đã kiểm soát thì luôn có xu hướng là chỉ cho doanh nghiệp làm những gì trong phạm vi có thể kiểm soát được, trong phạm vi hiểu biết của công chức.

Vì vậy, doanh nghiệp luôn cảm thấy bị đè nén, không thể phát huy hết tiềm năng và sáng tạo của mình. Cách quản lý như thế không những không khuyến khích mà còn làm thui chột sự năng động, sáng tạo.

* Nhưng trong các văn bản tổng kết cho thấy nhiệm kỳ này cũng đã làm được nhiều điều để hỗ trợ kinh doanh, cải cách thể chế?

- Đánh giá tổng thể thì chúng ta đã làm được một số việc, nhưng chưa thể hài lòng. Nếu nói một cách chung nhất thì trong 5 năm qua, VN đã xây dựng được những đạo luật quan trọng làm nền tảng cho phát triển kinh tế như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư 2014...

Nhưng phải nói thật, những luật ấy, theo tôi, mới tạo được một việc là tôn trọng và khuyến khích quyền tự do kinh doanh. Điều đó chưa đủ.

Phải làm nhiều việc khác nữa như buộc tự do kinh doanh phải đi liền với cạnh tranh thị trường một cách công bằng và trật tự; hay các doanh nghiệp phải tiếp cận nguồn lực thông qua trao đổi trên thị trường chứ không phải qua “xin cho”...

* Theo ý ông, dù đã có chuyển biến nhưng doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa thể có cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp sân sau?

- Có thể nói hiện nay chưa có cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp và trong môi trường thiếu cạnh tranh công bằng thì phần thua thiệt thường nghiêng về doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp thiếu mối quan hệ...

Vì vậy, người có sáng kiến hay ý tưởng kinh doanh tốt, dù rất nỗ lực cũng chưa chắc thành công bằng những doanh nghiệp có “mối quan hệ”.

Những doanh nghiệp làm ăn tử tế, liêm chính vẫn có thể bị thua thiệt bởi hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng mà không tìm được cách phù hợp để bảo vệ lợi ích của mình.

Tôi muốn nhấn mạnh VN phải có thể chế đủ mạnh để đảm bảo trên thực tế việc cạnh tranh công bằng, để cạnh tranh trở thành động lực sống còn của các doanh nghiệp. Điều đó mới bảo đảm cho kinh tế thị trường được vận hành đầy đủ và hiệu quả.

* Đại hội Đảng, theo ông, có phải là thời cơ để tiếp tục đổi mới mạnh hơn?

- Chúng ta có quyền hi vọng đất nước sẽ có đổi mới lần hai và tiếp tục phát triển mạnh hơn, nhanh hơn để sớm đuổi kịp các nước khác trong khu vực.

Tôi cho rằng mỗi giai đoạn phải đặt ra câu hỏi: vấn đề đất nước đang phải đối mặt là gì? Lãnh đạo đất nước là người phải có năng lực để giải quyết vấn đề đó, chứ không ở tuổi bao nhiêu, phát biểu những gì...

Người lãnh đạo rất cần có tư duy đổi mới vượt bậc, nếu không sẽ khó vượt qua được nếp nghĩ và cách làm cũ.

NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp