Một mặt tôi phải thuê nhà khác để ở, một mặt phải trả lãi ngân hàng. Tôi muốn kiện chủ đầu tư để đòi tiền lãi phạt nhưng băn khoăn nếu thắng kiện, chủ đầu tư cố tình không thi hành án thì sao?
Một bạn đọc gửi câu hỏi tới Tuổi Trẻ Online.
Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật tư vấn:
Khi bản án có hiệu lực thì bạn là người được thi hành án (được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành). Chủ đầu tư sẽ là người phải thi hành án (phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành).
Luật Thi hành án dân sự quy định: Người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong luật.
Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án. Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thì bị cưỡng chế thi hành án.
- Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp quy định tại chương IV của luật này.
- Đối với trường hợp cưỡng chế thi hành án: Khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.
- Các biện pháp bảo đảm thi hành án: Phong tỏa tài khoản; Tạm giữ tài sản, giấy tờ; Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.
- Các biện pháp cưỡng chế thi hành án: Khấu trừ tiền trong tài khoản; Thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ. Khai thác tài sản của người phải thi hành án. Buộc chuyển giao vật, quyền tài sản, giấy tờ. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
- Về xử lý vi phạm hành chính: Người phải thi hành án có các hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực thi hành án dân sự có thể bị xử phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
- Về trách nhiệm hình sự: Người phải thi hành án có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 380 Bộ luật Hình sự về tội không chấp hành án, theo đó:
1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ.
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
c) Tẩu tán tài sản.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Tuy nhiên lưu ý nếu người phải thi hành án là pháp nhân thương mại thì pháp nhân thương mại không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
Như vậy, trường hợp người thi hành án không tự nguyện thi hành thì bạn có quyền yêu cầu chấp hành viên áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án hoặc cưỡng chế.
Trường hợp người phải thi hành án có các hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực thi hành án dân sự thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc tùy theo tính chất và mức độ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận