Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành tài chính phải chấn chỉnh nạn tham nhũng gây bức xúc cho doanh nghiệp và người dân khi thực hiện thủ tục hành chính thuế và hải quan
Theo người đứng đầu Chính phủ, một vấn đề quan trọng là đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, tinh thần phục vụ của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế.
Có dư luận về một bộ phận cán bộ thuế, hải quan nhũng nhiễu, chung chia, lợi ích nhóm, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, người dân phải kẹp phong bì để giải quyết thủ tục hành chính.
Vẫn còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh", tham nhũng vặt, chi phí không chính thức. Doanh nghiệp phải chi trả phí bôi trơn khi làm thủ tục hải quan.
"Các đồng chí thử tính toán một container nếu cần phải bôi trơn 1 triệu đồng thì mỗi năm doanh nghiệp mất hàng chục tỉ đồng. Chi phí không chính thức này sẽ giết doanh nghiệp.
Thủ tục hành chính thuế, hải quan đã cải cách nhưng vẫn bị kêu ca nhiều. Tôi phải nói để các đồng chí sửa. Bộ Tài chính phải có giải pháp sửa để cải thiện thủ tục hành chính trong năm 2019, nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển", Thủ tướng chỉ đạo.
Đánh giá cao những thành công của ngành tài chính khi thu ngân sách năm qua vượt hơn 7% so với kế hoạch, tuy nhiên Thủ tướng cho rằng chính sách tài chính phải tạo thuận lợi, tạo động lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.
Thủ tướng yêu cầu trong năm nay ngành tài chính phải khắc phục công tác hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thực tế việc đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của ngành này mới đạt 30%, giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp có lúc có nơi chưa thực chất, kịp thời.
Chính sách cũng hay sửa đổi gây khó cho người dân và doanh nghiệp, như việc xây dựng dự thảo Luật thuế tài sản chưa nghiên cứu kỹ, chưa có chiến lược truyền thông phù hợp nên gây sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận trong năm qua.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu chính sách tài chính phải tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn cơ chế chính sách kế toán đối với hộ cá thể phải đơn giản để khuyến khích loại hình kinh doanh này phát triển lên doanh nghiệp. Bởi mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2020 cả nước có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, đến nay mới có hơn 700.000.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính phải có những cơ chế khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo thúc đẩy ngành kinh tế số của Việt Nam, không thể để người dân phải chạy sang Singapore đăng ký kinh doanh.
Một vấn đề nữa được Thủ tướng nhấn mạnh là chính sách tài chính phải nhất quán, hướng đến sự phát triển, làm giàu cho nông dân, nông nghiệp và nông thôn, không thể để tình trạng trong thông tư của Bộ Tài chính quy định bán 1 con bò cho hợp tác xã thì không chịu thuế giá trị gia tăng còn bán cho hộ để tiêu dùng thì chịu thuế này 5%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận