09/11/2018 09:32 GMT+7

Nếu im lặng, mọi việc sẽ trì trệ: Sau đối thoại, cần hành động

L.THANH - T.LONG - N.BÌNH
L.THANH - T.LONG - N.BÌNH

TTO - Lá thư của doanh nhân Tạ Quyết Thắng ở Hải Phòng dài 5 trang gửi đến Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói thẳng nói thật nhiều nỗi khổ về thủ tục hành chính.

Nếu im lặng, mọi việc sẽ trì trệ: Sau đối thoại, cần hành động - Ảnh 1.

Doanh nghiệp mệt mỏi chờ làm thủ tục hải quan tại cảng Tân Cảng - Cát Lái, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhưng còn rất nhiều đoạn trường thủ tục hành chính như thế ở rất nhiều địa phương mà các doanh nghiệp (DN) gặp phải.

Mỗi tháng một chồng hồ sơ cao cả mét

Giám đốc một công ty chế biến hàng da giày ở Đồng Nai cho biết mỗi tháng DN này phải thanh toán khoảng 40 triệu USD cho đối tác nước ngoài. Dù các hóa đơn, hợp đồng, tờ khai... đều được nộp trên hệ thống hải quan điện tử, nhưng mỗi khi thanh toán qua ngân hàng thì buộc phải in và xuất trình tất cả các chứng từ này. 

Rắc rối là mỗi bộ hồ sơ thanh toán hàng nhập khẩu, DN phải in ít nhất 12 tờ giấy, còn thanh toán hàng nội địa là 10 tờ, không được thiếu. Mỗi tháng trung bình DN này phải in ra 1.600 bộ hồ sơ, tính ra xếp chồng cao hơn 1m. Ngoài chi phí in ấn, DN phải cắt cử 2-3 nhân công chuyên làm công tác thanh toán.

Dù kiến nghị nhiều lần, suốt mấy năm nay, rằng chỉ cần kết nối ngân hàng với hải quan điện tử là mọi chuyện ổn thỏa, nhưng chuyện đâu vẫn vào đó, không có sự thay đổi.

"Tại sao thủ tục thanh toán qua ngân hàng lại vẫn rườm rà trong khi hai năm qua có nhiều thủ tục của một số bộ như GTVT, Công thương... được kết nối với hệ thống điện tử, giúp DN không phải mất thời gian và chi phí đi lại, in ấn hóa đơn, chứng từ..." - vị này đặt câu hỏi.

Các DN ngành sơn lại chịu một nỗi khổ khác. Theo đại diện một công ty sơn tại TP.HCM, trước đây DN này nhận được công văn của Tổng cục Hải quan, theo đó cục hải quan các địa phương được quyền truy thu thuế bảo vệ môi trường cho tất cả các tờ khai từ năm 2010 đến nay, đồng thời bị phạt phí nộp chậm 0,03%, xử phạt hành chính.

Đại diện DN này cho biết khi nhận thông báo truy thu, mặc dù cảm thấy không thuyết phục và không đúng pháp luật nhưng để hoạt động sản xuất thuận lợi, DN đã đóng thuế đầy đủ, đồng thời làm đơn xin ý kiến của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên trong văn bản trả lời mới đây, Bộ Tài chính hướng dẫn đây không phải là mặt hàng chịu thuế.

"Tôi không biết cơ quan hải quan sẽ như thế nào khi họ đã truy thu của DN từ trước, DN cũng đóng nộp. Cơ quan hải quan thì nói rằng đó chỉ là văn bản áp dụng cho một DN nhưng quan trọng là những DN nhập các mặt hàng hỗn hợp không nằm trong đối tượng chịu thuế mà phải khai nộp thuế bảo vệ môi trường mới cho nhập" - vị này nói.

Cần đối thoại để tháo gỡ

Ông Lê Hữu Nghĩa - giám đốc Công ty TNHH Lê Thành (TP.HCM) - mong muốn cần đối thoại thật sự với DN để tháo gỡ.

Theo ông Nghĩa, từ nhiều năm nay, ở các buổi DN đối thoại với lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, ông đã nhiều lần thẳng thắn lên tiếng về nỗi khổ vượt qua "rừng" thủ tục nhiêu khê.

Thậm chí, có DN còn nêu cụ thể từng vướng mắc dự án nhưng thực tế việc cắt giảm chỉ chút đỉnh, không đáng kể.

Có quá nhiều quy định bất cập, chồng chéo, vướng mắc gây khó DN. Như trong mảng đầu tư xây dựng dự án, một DN phải trải qua hàng chục khâu, mỗi khâu kéo dài vài ba tháng. Nếu suôn sẻ, phải mất ít nhất 2-3 năm mới hoàn thành tất cả các thủ tục.

Chưa kể, khi thủ tục hành chính phức tạp, rối rắm, trùng lắp dẫn đến việc những người thực hiện muốn hiểu sao thì hiểu. Khi đó sẽ tạo điều kiện cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ cố tình hiểu sai, bẻ cong quy định để làm khó DN.

Ông Nghĩa cho rằng để mở lối cho DN phát triển, cơ quan có thẩm quyền cần đối thoại, lắng nghe thực chất người dân, DN để rà soát toàn bộ hệ thống các quy định, điều kiện kinh doanh (giấy phép con). Từ đó hệ thống lại những thủ tục trùng lắp, chồng chéo, thừa để cắt giảm, điều chỉnh cho tinh gọn.

"Khi ban hành các văn bản pháp luật, những người trực tiếp biên soạn luật phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, DN và các hiệp hội vì trong thực tiễn DN làm có những vấn đề phát sinh mà người ngồi bàn giấy không thể nắm bắt được. Khi soạn luật có những quy định rất tốt nhưng đưa ra thực tế lại bị vướng. Bởi vậy, từ sự lắng nghe ngay ban đầu sẽ tạo điều kiện để người làm luật cân đối, chỉnh sửa các quy định cho phù hợp. Và khi luật quy định rõ ràng, người thực thi cố tình hiểu sai, làm khó DN cũng dễ bị phát hiện, phản đối" - ông Nghĩa nói.

Nhiều hiệp hội gửi kiến nghị

Ngày 8-11, Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), đại diện cho 6 hiệp hội khác, cho biết tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên bộ trưởng Bộ Y tế xem xét chỉ đạo bộ này thực hiện quyết nghị của Chính phủ tại nghị quyết 19 của Chính phủ về sửa đổi nghị định 9 quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, để giải quyết vướng mắc, bức xúc của cộng đồng DN thực phẩm về quy định sử dụng muối iôt trong chế biến thực phẩm.

Trước đó, 7 tổ chức hội ngành nghề gồm: Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu những khó khăn trong việc thực thi nghị định 09/2016 và mong muốn Chính phủ tổ chức cuộc đối thoại để tháo gỡ vướng mắc.

Thân mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình liên quan những thủ tục hành chính, vấn đề bất cập trong các quy định tương tự về cho báo Tuổi Trẻ.

Vui lòng gửi thư về địa chỉ: [email protected].

L.THANH - T.LONG - N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp