Tranh minh họa |
Khi đã làm công tác quản lý, quan điểm sống của cô cũng rất rõ ràng, rành mạch, mọi chuyện luôn dân chủ và công khai, minh bạch trước tập thể giáo viên nhà trường.
Dù lãnh đạo một tập thể gần 50 cán bộ giáo viên, công việc nhiều khi “căng như dây đàn” và áp lực rất lớn nhưng bao giờ cũng thế, trên môi cô luôn nở nụ cười tươi thân thiện với tất cả mọi người. Ngay cả khi góp ý ai một điều gì đó, cô luôn tế nhị và tôn trọng cấp dưới.
Cô dùng cái tâm để thuyết phục, chứ không dùng quyền uy của một hiệu trưởng mà ra lệnh phải làm thế này hay thế khác. Không ít giáo viên còn mất bình tĩnh, nổi nóng nhưng cô vẫn nhẹ nhàng phân tích, góp ý chân tình.
Bao giờ cũng thế, quyền lợi học sinh luôn được cô nhắc nhở các thầy cô quan tâm đặt lên hàng đầu. Chẳng hạn như chuyện đồng phục của các em, nhà trường không buộc phải mua tại trường như nhiều nơi khác. Do nhà trường đặt số lượng lớn nên giá thành chỉ hơn phân nửa so với giá thị trường, phụ huynh đã tự nguyện vào trường mua với tâm thế vui và vô cùng thoải mái.
Những khoản hoa hồng do nhà trường đặt mua hàng gì đó với số lượng lớn, cô công khai trước tập thể và đem nhập vào quỹ phúc lợi để cho anh em trong trường có thêm chút gì đó an ủi vào các dịp lễ tết, hoặc dành một ít để tặng bảo hiểm tai nạn cho một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Không ít phụ huynh kể lại chuyện xin cho con học trái tuyến: “Để cho chắc ăn, tôi bỏ phong bì ít tiền như cách nhiều người vẫn thường làm nhưng đã bị cô trả lại”.
Có giáo viên cũng nói họ từng xin cho người quen vào học trái tuyến, khi vào học rồi, gia đình bày tỏ lòng cảm ơn bằng “phong bì” nhưng cô vẫn cương quyết không nhận.
Nếu năm nào số lượng trái tuyến xin vào trường đông mà nhu cầu tuyển lại ít, cô cũng chẳng lấy quyền của mình để chọn em này hay bỏ em kia. Mọi chuyện đều công khai để mọi người xét duyệt. Đối tượng ưu tiên là những học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Tôi còn nhớ mãi một lần cô chia sẻ: “Những việc làm ấy cũng bình thường thôi em. Trong xã hội có biết bao người vẫn đang làm như thế”.
Tôi lại nghĩ hơi khác: Đúng là những chuyện ấy rất bình thường, nhưng vẫn có những hiệu trưởng đang làm xấu đi hình ảnh của mình, của ngành giáo dục như việc ăn chặn tiền ăn trưa của trò, ăn chặn tiền bút viết, sách vở của trẻ vùng cao, ăn chặn tiền hỗ trợ khó khăn cho trẻ em nghèo... mà báo chí từng phanh phui và đưa tin thời gian vừa qua.
Tôi chỉ mong sao hiệu trưởng nào cũng làm được những điều bình thường như cô hiệu trưởng tôi đã gặp thì môi trường giáo dục của chúng ta tốt đẹp hơn rất nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận