31/12/2013 11:00 GMT+7

Nếu Đoàn "làm màu", sẽ không có những chương trình ý nghĩa

TTO
TTO

TTO - Anh Lâm Đình Thắng, phó bí thư Thành Đoàn TP.HCM tham gia chương trình giao lưu trực tuyến liên tục 10 giờ - "Gặp gỡ cuối năm" tại tuoitre.vn từ 11g.

z5EEOxIM.jpgPhóng to
Thực hiện Việt Thái

Anh Lâm Đình Thắng tại buổi giao lưu - Clip do TVO thực hiện

NỘI DUNG GIAO LƯU

Theo dõi toàn bộ chương trình

* Thế hệ những người trẻ như anh và anh Lê Quốc Phong sau này có ảnh hưởng gì từ các thủ lĩnh thanh niên đi trước như Phạm Phương Thảo, Lê Văn Nuôi, Nguyễn Văn Đua...? Ai là thần tượng của anh? (Hồ Văn Phương, 46 tuổi, minh@...)

- Anh Lâm Đình Thắng: Cháu chào chú, cháu có ba thần tượng, hai trong số đó là chú Nguyễn Văn Đua - một trong những lãnh đạo thành phố hết sức tâm huyết cho hoạt động Đoàn, cho đời sống của bà con nhân dân thành phố và cô Phạm Phương Thảo - một nữ lãnh đạo tuy chức vụ cao nhưng rất gần gũi, giản dị trong công việc cũng như trong đời sống. Cháu học được rất nhiều từ phong cách, suy nghĩ và cái tâm của các cô chú.

Tuy chưa thành công nhưng cháu vẫn đang hàng ngày học tập những điều này trong công việc và cuộc sống của mình.

* Từng là một cán bộ tuyên giáo, anh thấy cách tuyên truyền của Đoàn hội hiện nay đã thật sự hiệu quả chưa, hay làm lấy có, để báo cáo? (Bình, 29 tuổi, minhan@...)

- Anh Lâm Đình Thắng: Chào bạn, theo tôi, cách tuyên truyền, truyền thông của tổ chức Đoàn nhìn chung là chưa thật sự hiệu quả. Tuy vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng thật sự tổ chức Đoàn - Hội - Đội làm được rất nhiều việc cho thanh thiếu nhi nhưng sự hiểu biết, chia sẻ và đồng thuận với tổ chức Đoàn - Hội - Đội hiện nay chưa cao. Hầu như hoạt động Đoàn - Hội - Đội nào cũng đều mang ý nghĩa nhân văn vì cộng đồng, cán bộ Đoàn hiện nay thường xuyên làm ngoài giờ, hy sinh thời gian cá nhân và gia đình cho công việc chung trong điều kiện thu nhập chưa cao nhưng sự nhìn nhận của xã hội vẫn chưa thật sự xứng đáng.

Tôi rất buồn khi nghe nhiều người hỏi rằng "Cán bộ Đoàn là làm gì?". Do đó, cách truyền thông của tổ chức Đoàn hiện còn chưa chuyên nghiệp, chưa đạt hiệu quả cao.

Vì thế, muốn Đoàn thật sự có ấn tượng trong lòng thanh thiếu nhi và nhân dân thành phố, một trong những giải pháp cần phải quan tâm là đầu tư thật sự cho công tác truyền thông về cả thời gian, con người, tiền bạc.

KISQKMQ4.jpgPhóng to
Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Tăng Hữu Phong tặng hoa Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Lâm Đình Thắng - Ảnh: Thuận Thắng
sgxGpfJH.jpgPhóng to
Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Lâm Đình Thắng tại buổi giao lưu trực tuyến liên tục 10 giờ - "Gặp gỡ cuối năm" của Tuổi Trẻ - Ảnh: Thuận Thắng

* Làm công tác đoàn, thanh niên... bạn đặt trọng tâm vào vấn đề gì? Bạn có chú trọng việc tạo dựng lý tưởng, quan điểm, nhân cách, lối sống cho thanh niên không và tạo dựng bằng cách nào? Tôi chờ câu trả lời của bạn một cách cụ thể. (Thanh vân, 52 tuổi, trieukietlong@...)

Anh Lâm Đình Thắng: Chào chú, cháu quan tâm nhất đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho thanh thiếu nhi. Theo cháu, giữa nhân cách và tài năng, khi có nhân cách thì con người sẽ rèn luyện mình để có tài năng.

Nội dung này là một trong những nội dung ưu tiên hàng đầu của tổ chức Đoàn TP. Thành Đoàn thực hiện bằng cách tổ chức những hoạt động có định hướng tốt, trong đó người tham gia được phát huy khả năng, được cống hiến, được trải nghiệm, được hướng dẫn để rèn luyện bản thân mình một cách đúng đắn.

* Từng là một cán bộ đoàn thời kỳ trước, tôi thấy hiện nay có một bộ phận cán bộ Đoàn chưa thật sự dấn thân như thời anh Lê Văn Nuôi, chị Phạm Phương Thảo. Theo anh, có hiện nay có hiện tượng "quan Đoàn" hay không? (Bản, 43 tuổi, ban@...)

- Anh Lâm Đình Thắng: Cháu chào chú, đúng là hiện nay có một số cán bộ Đoàn chưa dành hết tâm huyết của mình cho lý tưởng của tổ chức Đoàn và cho sự phát triển của các bạn thanh niên, nhưng đây chỉ là một số nhỏ.

Trong thực tiễn công việc hàng ngày, cháu vẫn chứng kiến rất nhiều cán bộ Đoàn lăn xả, hy sinh cho tổ chức Đoàn, ví dụ như có bạn tuy lương tháng thử việc chỉ 800.000đ nhưng vẫn sẵn sàng từ bỏ môi trường làm việc trong doanh nghiệp để gắn bó với tổ chức Đoàn; vẫn có nhiều Tổng phụ trách Đội đi xe đạp nhưng đều đặn chủ nhật hàng tuần tổ chức sinh hoạt cho các em thiếu nhi; hoặc có những bạn sinh viên sẵn sàng bỏ ngày nghỉ của mình để tổ chức sân đọc sách miễn phí cho các em nhỏ tại công viên Tao Đàn...

Chúng cháu nghĩ rằng muốn thanh niên sống tốt, sống đẹp thì chính những cán bộ Đoàn, nói chính xác hơn là những thủ lĩnh thanh niên phải gương mẫu thực hiện được những điều đó.

Giải pháp trong thời gian qua của tổ chức Đoàn TP là tổ chức cuộc vận động Xây dựng phong cách cán bộ Đoàn, và Thành Đoàn sẽ kiên trì nội dung này trong thời gian tới.

* Cần làm gì đề tổ chức Đoàn - Hội gần với thanh niên Việt Nam thưa anh? (Nguyễn Hữu Hoàng, 22 tuổi, huuhoang.hvhcnapa@...)

- Anh Lâm Đình Thắng: Chào bạn, tổ chức Đoàn - Hội muốn tồn tại và phát triển không có cách nào khác ngoài việc hoạt động trên nền tảng nhu cầu hợp lý chính đáng của thanh niên và nhu cầu phát triển của thành phố. Như vậy, có giải pháp nắm bắt nhu cầu, tâm lý thanh niên, xây dựng những chương trình hoạt động giúp thanh niên tham gia phát huy khả năng để đóng góp cho xã hội, vận động mọi nguồn lực có thể để chăm lo cho thanh niên. Đồng thời xây dựng, huấn luyện đội ngũ cán bộ gần gũi, tâm lý, am hiểu nghiệp vụ công tác thanh niên là giải pháp tôi cho rằng có thể giúp tổ chức Đoàn gần với thanh niên hơn nữa.

* Thưa anh Lâm Đình Thắng, câu ngạn ngữ, hay câu nói nào mà anh thích nhất? (Hồng Tiến, 21 tuổi, tamngongac@...)

- Anh Lâm Đình Thắng: Chào bạn, tôi thích nhất một câu trong lời của một bài hát do Ba tôi dạy cho tôi, đó là" Đời ta chỉ sống có một lần thôi. Cho nên cuộc sống quý giá vô ngần. Phải sống sao cho ra sống. Nếu chết đi không còn oán than gì. Chỉ thấy vui sướng khi đời mình cống hiến cho nhân dân".

* Anh là người có hướng vọng ngoại? Việc anh đang là Chánh văn phòng Thành Đoàn rồi sau đó đi học ở Úc là do tổ chức cử đi hay do anh muốn? Kiến thức học ở Úc có giúp anh nhiều trong cương vị mới?(Phong, 40 tuổi, minh@...)

- Anh Lâm Đình Thắng: Chào bạn, tôi học Thạc sỹ tại Úc theo chương trình đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ của Thành ủy TP.HCM. Chương trình này do cơ quan quản lý cử đi học và được xét chọn bởi Hội đồng của Thành phố.

Tôi không nghĩ tôi là người vọng ngoại. Trước khi tôi đi học, nhiều người nghĩ rằng tôi sẽ không tiếp tục công tác Đoàn sau khi tôi trở về, nhưng tôi đã nói "Tôi muốn làm Đoàn tiếp nên tôi mới đi học". Và tôi đã thực hiện đúng lời hứa của mình.

Kiến thức Quản trị nguồn nhân lự tôi học tuy không giống hoàn toàn nhưng cung cấp nền tảng cơ bản để tôi có thể ứng dụng trong công việc của mình cũng tương đối.

* Anh nghĩ gì về sự cần thiết phải giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ? Cựu chiến binh cần làm gì và làm như thế nào để cùng tổ chức Đoàn thực hiện công việc đó? (Việt Ân, 61 tuổi, vietanccb@...)

- Anh Lâm Đình Thắng: Cháu chào chú, trong công việc hằng ngày của cháu, một trong những nội dung cháu tâm huyết nhất là hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh thiếu nhi thành phố. Vì cháu nghĩ rằng không có những nền tảng truyền thống đó thì không thể có ngày hôm nay.

Chúng cháu có rất nhiều hoạt động phối hợp gắn bó với Hội cựu chiến binh thành phố và các cô chú cựu chiến binh để tổ chức các buổi nói chuyện, các buổi hội trại, các chuyến thăm căn cứ cách mạng, các chương trình giao lưu cho các bạn thanh thiếu nhi.

Cháu rất vui nếu trong thời gian tới chú có thể giúp chúng cháu thực hiện những chương trình thế này.

* Thưa anh Thắng! Trong năm 2013 có một hiện tượng đối với giới trẻ - đó là yêu em anh không đòi quà. Và sau đó là hàng loạt phiên bản ra đời với những hình ảnh gây phản cảm trong xã hội. Đó có phải là dấu hiệu của việc xuống cấp về đạo đức lối sống của giới trẻ hay không? Ý kiến của anh về vấn đề này? Chúc anh sức khỏe và nhiệt huyết! (Truong Gia Huy, 20 tuổi, giahuysgu@...)

- Anh Lâm Đình Thắng: Chào bạn, trong năm 2013 có nhiều sự kiện vui mừng nhưng cũng có nhiều sự kiện đáng buồn trong lối sống của giới trẻ, điển hình như vấn đề bạn nêu.

Đây là những vấn đề đáng báo động vì xã hội trước đây không có những hiện tượng này, nhưng đi cùng với sự phát triển thì xã hội chúng ta lại phát sinh nhiều hơn những vấn đề tiêu cực.

Tôi cho rằng, trong hiện tượng này, giới trẻ đang hoang mang về những giá trị chuẩn mực và những phương thức để khẳng định mình trong xã hội. Chính vì thể các bạn chọn những cách không phù hợp để thể hiện mình.

Vấn đề bạn nêu là hiện tượng hệ trọng nhưng không phải là bản chất của toàn xã hội. Hiện nay có rất nhiều những thanh thiếu nhi vượt khó, khẳng định mình bằng chính tài năng, phẩm chất tốt của bản thân.

* Vai trò của tổ chức Đoàn, ý nghĩa của việc vào Đoàn ở trường THPT đang trở thành một vấn đề khi ai cũng có thể vào Đoàn. Dù cố gắng nhìn nhận ưu điểm nhưng theo tôi, Đoàn chỉ là một tổ chức hình thức và "làm màu", thiếu thực tế với học sinh. Anh nghĩ sao về điều ấy? (Đôn Quý, 18 tuổi, thungan_94@...)

- Anh Lâm Đình Thắng: Chào bạn, anh không nghĩ rằng ai cũng có thể vào Đoàn.

Để được kết nạp Đoàn, các bạn phải thật sự là những thanh niên có phẩm chất và có quá trình học tập, rèn luyện tốt. Có thể tại trường bạn học, cách tiếp cận của các anh chị trong Đoàn trường chưa hiệu quả nên bạn có cảm nhận chưa tốt về Đoàn.

Đoàn các trường THPT trên địa bàn thành phố đang tổ chức những chương trình có ý nghĩa như "Khi tôi 18" - giúp các bạn chuẩn bị hành trang khi tốt nghiệp THPT, "Thắp sáng ước mơ" - giúp các bạn xây dựng và kiên trì với ước mơ tốt đẹp của mình, hoặc Chiến dịch tình nguyện "Hoa phượng đỏ" - giúp các bạn có một mùa hè bổ ích khi vừa được rèn luyện kỹ năng, trải nghiệm vừa giúp đỡ được cho cộng đồng.

Anh cho rằng nếu tổ chức Đoàn "làm màu" như bạn nói thì không thể có những chương trình như thế được. Nếu có dịp, xin mời bạn đến Thành Đoàn, anh sẽ giới thiệu bạn tham gia một số chương trình dành cho học sinh THPT rất hay và có ý nghĩa.

* Thưa anh Thắng! Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng: Cán bộ Đoàn giờ năng lực thì ít mà "năng nịnh" thì nhiều. Liệu rằng có một số cán bộ đoàn lo việc vào Đoàn để tiến thân hơn là lo phát triển công tác?(Nguyễn Lưu Vĩ, 30 tuổi, luuvickm2013@...)

- Anh Lâm Đình Thắng: Chào bạn, thực tế là có một số cán bộ Đoàn còn thiếu năng lực và tâm huyết trong hoạt động Đoàn. Nhưng đánh giá toàn bộ đội ngũ như thế tôi cho rằng chưa chính xác. Môi trường nào cũng có người này người kia.

Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng đội ngũ cán bộ Đoàn Thành phố nhìn chung là vẫn có cái tâm và đủ khả năng để tổ chức các hoạt động đáp ứng nhu cầu và sự phát triển của thanh niên. Vì đó là một trong những yếu tố giúp bản thân tôi có niềm tin để tiếp tục làm việc và đóng góp cho tổ chức Đoàn.

* Thưa anh, Đoàn thể nói chung và tổ chức Đoàn TNCS HCM nói riêng hiện nay theo đánh giá chung là chưa thật sự thể hiện hết vai trò là một tổ chức chính trị xã hội, cụ thể là việc chưa làm thật tốt công tác tuyên truyển, truyền thông như anh đã nhận định. Theo chủ quan bản thân nhận định một phần nguyên nhân là sự nhìn nhận chưa khách quan của một bộ phận công dân, bên cạnh đó phải chăng những hạn chế bắt nguồn từ sự thiếu cơ chế, thiếu đi "luật lệ" phối hợp giữa Đoàn và các tổ chức chính trị, xã hội khác (như công đoàn chẳng hạn). Xin Anh cho biết ý kiến. (Lê Đức Trí, 26 tuổi, leductri1987@...)

- Anh Lâm Đình Thắng: Để tổ chức các hoạt động cho thanh thiếu nhi, Thành Đoàn không thể tổ chức một mình mà phải phối hợp với nhiều đơn vị, ban ngành đoàn thể khác.

Tuy nhiên, Thành Đoàn chưa có những chương trình phối hợp chính thức lâu dài với những đơn vị đoàn thể chính trị xã hội của thành phố. Một trong những hoạt động khởi đầu trong năm 2014 là Thành Đoàn sẽ tổ chức ký kết chương trình phối hợp với từng đoàn thể chính trị - xã hội đến năm 2017 để có thể phát huy nguồn lực, khả năng tổng hợp chăm lo và phát huy thanh thiếu nhi thành phố.

* Anh có ý kiến gì về hiện tương "Phương Mỹ Chi" và nếu có sự khen ngợi động viên thì tổ chức Đoàn, Đội sẽ làm gì? (Trần Văn Hoà, 59 tuổi, tranhoasp303@...)

- Anh Lâm Đình Thắng: Cháu chào chú, bé Phương Mỹ Chi là một trong những thiếu nhi có tài năng trong lĩnh vực ca hát. Tài năng này cần được tiếp tục được định hướng, giúp đỡ từ phía gia đình, các cơ quan chức năng, đoàn thể để có thể tiếp tục phát triển trong tương lai đặc biệt là Mỹ Chi phải được định hướng để rèn luyện về nhân cách và lối sống trong điều kiện có khả năng đặc biệt như vậy để không mắc bệnh ngôi sao và sử dụng tài năng của mình phù hợp.

Thời gian qua, Mỹ Chi cũng đã tham gia một số hoạt động do tổ chức Đội tại địa phương tổ chức. Thành Đoàn hiện nay đang có Quỹ bảo trợ tài năng trẻ, trong thời gian tới, nếu gia đình cảm thấy phù hợp, Thành Đoàn sẵn sàng xem xét hỗ trợ để Mỹ Chi có thể tiếp phát huy khả năng âm nhạc của mình.

* Chào anh! Anh có thể cho tụi em biết anh trưởng thành từ hoạt động Đoàn như thế nào không? Nhân dịp năm mới anh có gửi gắm gì đến các bạn thanh niên thành phố. Trân trọng cảm ơn anh. Kính chúc anh luôn vui, khỏe, đầy nhiệt huyết để tiếp tục và bạn của thanh niên. (Nguyen Trang, 27 tuổi, trangnguyen@...)

- Anh Lâm Đình Thắng: Chào bạn, anh đã tham gia hoạt động Đội thiếu niên tiền phong từ năm 8 tuổi và tiếp tục tham gia các hoạt động Đoàn - Hội sau đó đến tận bây giờ. Anh đã trải qua nhiều bộ phận, đơn vị và từng nơi đều để lại cho anh những bài học và sự trải nghiệm rất có ý nghĩa.

Ngày mai là ngày bắt đầu của một năm mới, chúc Trang và các bạn trẻ của thành phố có thật nhiều ước mơ đẹp, thật kiên trì để biến những ước mơ đó thành hiện thực và tiếp tục có một năm thật ý nghĩa nữa trong cuộc đời của mình.

------------------------------------------

Anh Lâm Đình Thắng sinh năm 1981, quê ở Bạc Liêu, trưởng thành từ phong trào sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM).

Thời sinh viên anh là một trong những “sinh viên 3 tốt” cấp thành phố lứa đầu tiên được Hội Sinh viên và Thành đoàn TP.HCM tuyên dương.

Anh từng làm phó bí thư Đoàn trường, chủ tịch Hội sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Khi chuyển về Thành đoàn TP.HCM, anh trải qua nhiều vị trí công tác như: cán bộ Thành đoàn, giám đốc Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành đoàn, rồi làm chánh văn phòng Thành đoàn trước khi đi du học tại Úc.

Lâm Đình Thắng đã tốt nghiệp thạc sĩ quản trị nguồn nhân lực tại Úc theo chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của TP.HCM. Trở lại sau thời gian học tập tại nước ngoài, anh Thắng làm trưởng Ban tuyên giáo Thành đoàn.

Tại Đại hội Đoàn TP.HCM nhiệm kỳ 2012-2017 cuối năm 2012, anh Lâm Đình Thắng được bầu làm phó bí thư Thành đoàn. Hiện anh là phó bí thư kiêm trưởng ban tổ chức, phụ trách công tác tuyên giáo, tổ chức, xây dựng Đoàn của Thành đoàn TP.HCM.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp