20/05/2013 07:09 GMT+7

Nếu con bạn chậm nói, tự làm đau...

LAN ANH
LAN ANH

TT - Khoảng 2.000 cuộc gọi, trong số trên 300.000 cuộc gọi đến đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 năm ngoái, có mong muốn tư vấn vì con họ có biểu hiện chậm nói, tự làm đau, hoặc hay nói dối, ăn cắp vặt... dù từng là đứa trẻ ngoan ngoãn.

0jDUsOdm.jpgPhóng to
Tuổi dậy thì có thể gặp nhiều khủng hoảng tâm lý cần được chia sẻ (ảnh minh họa) - Ảnh: Quang Định

Bà Nguyễn Kim Quý, cố vấn của đường dây này, cho hay so với năm 2011, số cuộc gọi đề nghị can thiệp do trẻ có biểu hiện rối nhiễu tâm lý năm 2012 đã tăng 20%.

Lo ngại

Bà Hoàng Lê Thủy, trưởng tổng đài 18001567, kể một số trường hợp điển hình có rối nhiễu tâm lý gọi đến đường dây thời gian gần đây. Tháng 3-2013, em trai V.H.A., 15 tuổi, học sinh ở Uông Bí, Quảng Ninh đã gọi đến đường dây trong tình trạng buồn, sợ hãi, chán nản do bị bạn bè trong lớp xúc phạm, sai vặt và khinh em nhà nghèo. H.A. cảm thấy ức chế, có những lúc phải bỏ học vì không dám đi học. Qua tìm hiểu gia đình, bà Thủy biết bố H.A. đã mất, mẹ đang nằm viện, ngoài giờ học em nhận đi đóng gạch thuê để lấy tiền sinh sống. So với các bạn, kết quả học tập của H.A. không cao nên các bạn trêu đùa nhiều.

Một trường hợp khác cũng nói xấu bạn, nhưng bằng công nghệ cao đã khiến nạn nhân sợ hãi. Một học sinh lớp 9 ở Kon Tum do mâu thuẫn với bạn nên đã tung tin bạn có quan hệ tình dục với anh họ mình lên mạng xã hội Facebook khiến nạn nhân xấu hổ, sợ hãi, không dám đi học. Khi nhân viên tư vấn liên lạc với nhà trường nơi cả hai em theo học, nhà trường mới biết và tìm biện pháp khắc phục. Gần đây đường dây đã tiếp nhận cuộc gọi của một bé 7 tuổi đang sống cùng ông bà ở Thanh Hóa, có các biểu hiện bất thường như ngứa vùng kín, hay hét, sợ người ngoài, không chơi với bạn, hay ị đùn và nhất định không chịu đi học... Theo tìm hiểu, cha mẹ bé đã ly dị và hầu như không quan tâm đến con gái. Hậu quả bé bị người hàng xóm xâm hại tình dục.

Đánh giá trong hơn 300.000 cuộc gọi đến đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 năm 2012, bà Quý cho hay so với các cuộc gọi đến từ năm 2009-2011, số cuộc gọi đến trong năm 2012 có gia tăng ở nhóm cha mẹ hoặc trẻ lo ngại bị rối nhiễu tâm lý nhưng không có điều kiện cho trẻ đi đánh giá. Bên cạnh đó là sự gia tăng các trường hợp bị bạo lực, xâm hại, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em (nhiều trường hợp trẻ gái mới 3-4 tuổi đã bị xâm hại, có trường hợp bị cha đẻ xâm hại dẫn đến mang thai...). Một vấn đề các tư vấn viên hay gặp là các gia đình thường cho là con mình “ổn” khi vết thương thực thể lành, mà không hiểu những vết thương về tâm lý trẻ đang phải gánh chịu. Do không được trị liệu, trẻ bị tổn thương tâm lý sau khi bị xâm hại hoặc xúc phạm thường có các biểu hiện như hay la hét, ngại tiếp xúc, không đi học, thậm chí hay tè dầm và ị đùn khi đến trường.

Mong những ngày gần nhau

Theo bà Thủy, biểu hiện của trường hợp bị rối nhiễu tâm lý ở trẻ là hiện tượng trẻ tự làm đau mình hay làm đau người khác (có trường hợp thường xuyên cào vào mặt mẹ), ăn cắp vặt hoặc tăng động giảm chú ý (biểu hiện là tình trạng hiếu động thái quá). Ở trẻ lớn, các biểu hiện thường thấy là trầm cảm, nói dối hoặc ăn cắp vặt. Cha mẹ ít quan tâm đến con, tạo cho con áp lực quá mức hoặc thiếu trao đổi - chia sẻ với con cái là những căn nguyên chính dẫn đến hiện tượng này ở trẻ. Vì vậy, gần gũi chia sẻ và hiểu tâm lý của trẻ, như trẻ ở lứa tuổi dậy thì luôn muốn chứng tỏ bản thân, hoặc nhóm trẻ 3 tuổi gặp “khủng hoảng tuổi lên 3”, rất thích làm ngược lại yêu cầu của người lớn, sẽ dễ phát hiện vấn đề trẻ gặp phải để hiệu quả trị liệu cao hơn.

“Ở nhóm trẻ lớn, chúng tôi gặp nhiều trường hợp bị rối nhiễu tâm lý vì cha mẹ ép học ngành nghề mà trẻ không thích. Điển hình là rất ít cha mẹ thích con thi khối C mà mong muốn trẻ phải thi khối A, trong khi khối A trẻ không có năng lực, trẻ bối rối không biết đi học theo cha mẹ hay hoặc theo khả năng”- bà Thủy cho hay. Trẻ chọn ngành nghề nên theo tam giác hướng nghiệp, gồm ba yếu tố khả năng của trẻ, sự yêu thích của trẻ và sự phù hợp của gia đình. Nếu cha mẹ bắt ép mà trẻ không thích hoặc không có khả năng sẽ dễ dẫn đến stress, là giai đoạn đầu của tổn thương về sức khỏe tâm thần. Nếu cha mẹ, thầy cô gần gũi, trò chuyện và thông cảm với trẻ để tìm ra hướng đi thì tổn thương được xoa dịu mà không sẽ cần phải điều trị. Nếu không sẽ dễ dẫn đến những biểu hiện cao hơn của bệnh là nhiễu tâm và loạn tâm, tức là giai đoạn cao hơn về tổn thương sức khỏe tâm thần.

Trên 1,2 triệu cuộc gọi đề nghị hỗ trợ

Đường dây tư vấn và hỗ trợ miễn phí cho trẻ em 18001567 được thành lập tại VN từ năm 2004 và là thành viên thứ 52 của tổ chức “Điện thoại tư vấn hỗ trợ trẻ em quốc tế - CHI”. Mọi trẻ em từ 63 tỉnh, thành trong cả nước đều có thể gọi điện thoại miễn phí đến tổng đài để được chia sẻ thông tin, tìm kiếm sự hỗ trợ và kết nối với các cơ quan chức năng, dịch vụ trợ giúp khẩn cấp khi cần thiết.

Trong chín năm hoạt động, đã có trên 1,2 triệu cuộc gọi đến để tìm kiếm sự hỗ trợ. Theo bà Hoàng Lê Thủy, trưởng đường dây, cha mẹ cũng nên quan tâm những trường hợp chậm nói, ví dụ như 3-4 tuổi còn chưa biết nói hay la hét..., bởi giai đoạn 2-3 tuổi là giai đoạn hoàng kim để trị liệu, nếu không kịp thời, hiệu quả trị liệu sẽ không đạt.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp