Người dân đốt vàng mã dịp Tết Nguyên đán 2018 - Ảnh: CHÂU ANH
Nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Văn Huy:
Nên vận động người dân hạn chế tối đa
Trước đây, có một thời gian dài tam giáo đồng nguyên (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo) cùng tồn tại song hành ở nước ta nên những yếu tố của Đạo giáo dần thâm nhập vào các cơ sở Phật giáo, mới sinh ra tục đốt vàng mã.Tôi rất ủng hộ chủ trương các cơ sở Phật giáo không nên đốt vàng mã. Thực hiện chủ trương này hoàn toàn khả thi.
Nếu chủ trương loại bỏ tục đốt vàng mã của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được các cơ sở thờ tự thực hiện nghiêm túc thì có thể coi đây là sự khởi đầu cho việc chấn hưng Phật giáo theo con đường Phật tại tâm thay vì mang nặng tâm lý cầu xin như hiện nay. Nhưng để thực hiện tốt chủ trương này ở các cơ sở thờ tự là quá trình dài.
Trong các chùa cũng cần có hướng dẫn cụ thể vì nhiều chùa có cơ sở thờ Mẫu - nơi đốt rất nhiều vàng mã - nằm trong khuôn viên. Nếu cấm ngay toàn dân không được đốt vàng mã thì khó khả thi. Chỉ nên vận động người dân hạn chế tối đa đốt vàng mã.
Nếu có đốt nên làm giản tiện nhất có thể, chứ không phải đốt càng nhiều thì càng được hưởng nhiều lộc. Quan trọng nhất là làm sao để mọi người hiểu được triết lý của câu chuyện đốt vàng mã là thế nào, từ đó có cách hành xử đúng mực.
Tệ đốt vàng mã nhiều hiện nay nằm trong hệ thống đền, phủ, tiêu tốn nhiều tiền của. Vì vậy, cần vận động các ông đồng, bà đồng để họ giảm thiểu tối đa đốt vàng mã
Nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Văn Huy
Người đốt vàng mã luôn hi vọng tổ tiên người thân có thể nhận được 'tài sản' này - Ảnh: Nam Trần
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ:
Khuyến khích mọi người đơn giản hóa
Đốt vàng mã có gốc tích từ tục chia của cho người đã khuất. Lúc đầu, người ta chia cho người đã khuất những của cải thật, sau đó thay bằng các biểu trưng. Đốt vàng mã thuộc về Đạo giáo chứ không thuộc về các nghi lễ Phật giáo.
Tục đốt vàng mã là tín ngưỡng dân gian thì chúng ta phải tôn trọng, nhưng cái gì thái quá cũng bất cập. Tín ngưỡng là biểu trưng, trước đây chỉ cần một mảnh giấy viết lên đốt là được. Nhưng nay nhiều người đốt cả ôtô, máy bay, xe máy... Cổ tục ngày xưa có câu "lễ bạc lòng thành" để khuyên răn mọi người tùy theo cái tâm của mình là chính, có nhiều làm nhiều, có ít làm ít.
Nên trong tục đốt vàng mã, tốt nhất mỗi người tự lựa chọn theo hoàn cảnh, điều kiện cá nhân, chứ đừng đua đòi theo nhau để đốt những thứ to lớn, sang trọng. Trước đây, nước ta đã thành công trong việc cấm đốt pháo. Nhưng đối với việc đốt vàng mã, Nhà nước nên khuyến khích mọi người đơn giản hóa và thành tâm chứ không nên ra quy định cấm người dân đốt vàng mã vì đó là tín ngưỡng.
Bà H. (tiểu thương tại phố Hàng Mã, Q.Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) cho biết:
"Trước đây khoảng chục năm, người dân mua vàng mã nhiều và theo phong trào như nhà to, ôtô, xe máy, điện thoại, dụng cụ gia đình... đủ cả, không thiếu thứ gì.
Bây giờ thì việc mua, đốt vàng mã đã giảm nhiều, kể cả vào ngày rằm, lễ tết. Ngay bản thân tôi, đi lễ giờ công đức là nhiều chứ không còn đốt vàng mã. Quan điểm của tôi là nên hạn chế dần, nhưng không nên bỏ hẳn tục đốt vàng mã.
Nhiều trường hợp con cháu mua vàng mã về đốt là để tỏ lòng thành kính với người đã khuất, có người cầu kỳ, có người giản dị. Tuy nhiên, không ai bắt buộc họ cả, đó là cái tâm của họ.
Còn về việc một số người mua, đốt rất nhiều vàng mã, có cả ở đền, chùa thì nên coi đó là hiện tượng chứ không nên quy chụp tất cả việc đốt vàng mã là mê tín dị đoan".
Một tiểu thương giấu tên tại phố Hàng Mã cũng đồng quan điểm, đốt vàng mã đã thuộc về cổ truyền bao nhiêu năm nay, không thể nói bỏ là bỏ luôn được.
Tiểu thương này cũng thừa nhận nếu cấm đốt vàng mã thì việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng, ảnh hưởng nặng nhất là những cơ sở sản xuất vàng mã ở Bắc Ninh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận