Sáng 22-9, Bảo tàng Áo dài kết hợp với các họa sĩ đến từ Nhật Bản tổ chức buổi vẽ tranh trên áo dài giấy tại Bảo tàng Áo dài (phường Long Phước, thành phố Thủ Đức, TP.HCM).
Đây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và kỷ niệm Ngày Quốc tế hòa bình 21-9.
Áo dài, lồng đèn và tình hữu nghị
Tham gia buổi giao lưu và dạy vẽ tranh của các họa sĩ Nhật Bản có 50 học sinh Trường tiểu học Trường Thạnh đóng trên địa bàn thành phố Thủ Đức.
Các em được tiếp cận với phương pháp vẽ mới từ các họa sĩ Nhật Bản gồm Toshiaki Uchimoto, Takayuki Tomoi, Chie Ono, Yoshihisa Sano.
Điều thú vị là học sinh được vẽ trang trí trên chiếc áo dài giấy. Sau khi hoàn thành, những chiếc áo dài giấy này sẽ được dán lên khung tre thành chiếc lồng đèn độc đáo nhân mùa Trung thu năm nay.
“Cách dạy vẽ của chúng tôi hướng tới kích thích sự sáng tạo trong các em thông qua vẽ những điều mình thích lên tranh.
Chúng tôi luôn khuyến khích các em sử dụng càng nhiều màu sắc càng tốt, điều này kích thích sự sáng tạo và là một trong những yếu tố quan trọng trong hội họa.
Chúng tôi mong muốn các em tìm được niềm vui trong sử dụng màu sắc khi vẽ chứ không đơn thuần là vẽ con vật hay phong cảnh, đồng thời tạo được niềm đam mê hội họa nhiều hơn” - họa sĩ Takayuki Tomoi nói với Tuổi Trẻ Online.
Cô Lê Thị Ngọc Hạnh - hiệu trưởng Trường tiểu học Trường Thạnh - chia sẻ: “Hoạt động lần này giúp các em được tiếp cận nền hội họa Nhật Bản và thể hiện trên nền chiếc áo dài Việt Nam thể hiện tình hữu nghị hai nước. Học sinh được tiếp cận với cái mới, hiện đại giúp hình thành nên tính cách, góc nhìn của các em sau này”.
Vẽ ước mơ cho thiếu nhi khó khăn của Việt Nam
Trước đây, vào năm 2018 và 2019, họa sĩ Toshiaki Uchimoto cùng các họa sĩ Nhật Bản đã đến và hướng dẫn dạy vẽ cho các em học sinh cấp một, cấp hai ở Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Mỗi năm tổ chức hai đợt dạy vẽ.
Theo bà Huỳnh Ngọc Vân - giám đốc Bảo tàng Áo dài, phó chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản TP.HCM - các trường học ở Côn Đảo chưa có giáo viên dạy vẽ nên việc các họa sĩ trong nước và họa sĩ Nhật Bản đến dạy vẽ các em rất vui mừng.
Nếu như ban đầu lớp vẽ chỉ có 100 em thì gần đây mỗi khi mở lớp có đến 500 em đăng ký tham gia. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hoạt động này tạm ngưng. Dự kiến đến năm 2024, các họa sĩ Nhật Bản sẽ trở lại Côn Đảo để dạy vẽ.
“Những chuyến đi dạy vẽ cho trẻ em Côn Đảo đã trở thành những món quà tinh thần vô giá mà các họa sĩ Nhật Bản mang đến cho trẻ em khu vực hải đảo còn nhiều khó khăn” - bà Huỳnh Ngọc Vân nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 21-9, Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản TP.HCM phối hợp Câu lạc bộ họa sĩ Nắng Mai tổ chức triển lãm Sắc thu, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Triển lãm giới thiệu hơn 150 tác phẩm của 19 họa sĩ Việt Nam và Nhật Bản.
Các tác phẩm giới thiệu lần này gồm tác phẩm sắp đặt, tranh sơn mài, sơn dầu, lụa, đồ họa… nêu bật phong cảnh, con người và văn hóa của hai quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận