Một túp lều mà phụ nữ Nepal thường phải ra ngủ trong những kỳ kinh nguyệt - Ảnh: BBC |
Theo quy định được công bố hôm 9-8, những người ép buộc phụ nữ ra khỏi nhà khi có kinh nguyệt hoặc phụ nữ vừa sinh con sẽ bị phạt lên đến ba tháng tù và 30 USD.
Thực ra từ năm 2005, chính quyền Nepal đã cấm hủ tục chhaupadi nhưng không đưa hình phạt nào. Nay chính quyền Kathmandu quyết định mạnh tay hơn sau khi truyền thông đưa vụ việc hai cô gái trẻ qua đời vì phải ngủ trong lều khi có kinh nguyệt do hủ tục chhaupadi.
Ngoài việc ngăn chặn chhaupadi, luật mới cũng nghiêm cấm bất kỳ sự phân biệt đối xử vô nhân tính khác.
Ông Krishna Bhakta Pokharel, người tham gia phác thảo các điều luật, khẳng định bộ luật sẽ được chính thức đưa vào sử dụng trong... một năm nữa.
“Chúng tôi sẽ (cần thời gian) thực hiện các chiến dịch xã hội để thông báo cho người dân về quy định mới” - ông Pokharel giải thích trên đài BBC.
Theo qui định trong đạo Hindu cổ, phụ nữ có kinh nguyệt và sau khi sinh bị coi là không sạch sẽ và mang lại vận xui. Chính vì vậy, trong thời kỳ này họ bị buộc phải ra ngoài lều, hoặc chuồng bò để ngủ.
Phụ nữ “không sạch sẽ” cũng không được phép chạm vào đàn ông, bò, và ăn một số thức ăn nhất định. Họ cũng không được phép sử dụng nhà vệ sinh và các cơ sở vệ sinh khác trong nhà, buộc họ phải đi rất xa để đến nguồn nước khác.
Bà Apsara Neupan, tân thị trưởng thành phố Chandannath ở phía đông Nepal, nhận định điều quan trọng nhất là thay đổi suy nghĩ và cách hành xử của người dân.
“Có được bộ luật chặt chẽ là quan trọng nhưng thay đổi cách hành xử trong xã hội sẽ cần nhiều thời gian hơn. Dù sao thì tôi cũng rất vui khi thấy đã có sự thay đổi trong suy nghĩ của mọi người đối với tập tục chhaupadi” - bà Neupan chia sẻ.
Theo báo cáo của Bộ ngoại giao Mỹ về quyền con người, vào năm 2010 ở Nepal có đến 19% số phụ nữ ở độ tuổi 15 - 49 bị buộc thực thi hủ tục chhaupadi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận