Anh Trần Minh Đoan Úc - Ảnh: TRẦN MAI
Nhiều ý kiến cho rằng một người đã phấn đấu, rèn luyện để hoàn lương, được trở lại cuộc sống đời thường như anh Úc thì nên được tạo cơ hội tiếp tục con đường công danh, nghề nghiệp.
Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi tỉ lệ người tái phạm sau thời gian thụ án rất cao, nhất là giới trẻ. Thậm chí, tình trạng "sáng ra tù, chiều phạm tội" xảy ra khá phổ biến, đáng báo động.
Có thể nói, với quyết định này không chỉ làm cho cá nhân anh Úc, mà những người đã từng vướng vào pháp luật, có tiền án nay đã hoàn lương, cảm thấy hụt hững, hoang mang. Bởi vì, họ cho rằng việc cải tạo tốt, được xóa án tích (pháp luật coi là chưa phạm tội), được trở lại xã hội nhưng con đường hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng vẫn còn đó khoảng cách… xa vời!
Trở lại vụ việc của anh Úc, cá nhân tôi cho rằng cơ quan chức năng hủy kết quả thi tuyển viên chức của anh Úc là không sai. Bởi lẽ, dù Thông tư 27 của Bộ GDĐT đã hết hiệu lực và Thông tư 08 thay thế không còn đề cập đến vấn đề tiền án hay thi hành án hình sự, nhưng hành vi của anh Úc xảy ra khi Thông tư 27 còn hiệu lực thì anh Úc vẫn phải bị chế tài theo Thông tư 27.
Trong trường hợp này, pháp luật không quy định về hồi tố, hiệu lực trở về trước, do đó anh Úc bị xử lý là đúng quy định.
Tuy nhiên, theo tôi nên xem xét, xử lý trường hợp của anh Úc một cách toàn diện, trên tinh thần nhân đạo, nhân văn, vị tha. Bởi các lý do sau:
Thứ nhất, như đã nói ở trên, Thông tư 08 không còn đề cập đến vấn đề tiền án hay thi hành án hình sự khi xét tuyển vào hệ trung cấp sư phạm. Qua đó, thấy rằng pháp luật hiện hành đã cởi mở, thông thoáng hơn.
Đặc biệt, quy định hiện hành không xem những người có tiền án, thi hành án hình sự là đối tượng bị cấm đào tạo sư phạm để trở thành giáo viên trong tương lai. Đó là chưa kể có thể khi khai lý lịch để theo học, anh Úc không để ý đến tình tiết này hoặc không lường trước được hậu quả của nó.
Thứ hai, anh Úc phạm tội ở độ tuổi vị thành niên, khi tâm sinh lý chưa phát triển toàn diện nên cơ quan thực thi pháp luật đã có cái nhìn vị tha, tạo cơ hội cho anh phấn đấu, hoàn lương. Minh chứng là đã không cách ly anh ra khỏi đời sống xã hội mà giao về cho cộng đồng, gia đình cải tạo, giáo dục (án treo).
Mặt khác, việc anh Úc được hưởng án treo chứng tỏ tội mà anh phạm phải không quá nguy hiểm cho xã hội nên hình phạt dành cho anh chỉ là giáo dục, thuyết phục.
Thứ ba, việc anh Úc chấp hành nghiêm túc bản án, phấn đấu trong học tập, rèn luyện với những thành tích đã được nhà trường, xã hội ghi nhận. Điều đó chứng tỏ anh đã có ý chí phấn đấu, vươn lên và biện pháp xử lý mà TAND dành cho anh đã mang lại hiệu quả thiết thực, mục đích hình phạt đã đạt được.
Do đó, nếu anh Úc được tạo cơ hội, tiếp tục được làm nghề giáo viên sẽ là tấm gương, minh chứng sống động cho những người lầm lỡ, phạm tội soi chiếu, phấn đấu, rèn luyện để được xã hội chấp nhận, tái hòa nhập cộng đồng thành công, trở thành người có ích cho xã hội.
Ngoài ra, Luật hình sự VN quy định: hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Do đó, cơ quan chức năng nên xem xét trường hợp của anh Úc một cách toàn diện, hợp tình, hợp lý trên tinh thần nhân đạo, theo truyền thống nhân văn, vị tha của dân tộc là "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại".
Theo đó, nên tạo cơ hội, tiếp tục cho anh được làm giáo viên - nghề mà anh yêu quý, phấn đấu trong suốt thời gian dài mới có được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận