13/07/2020 06:23 GMT+7

Nên xã hội hóa xây tượng đài

HỒNG VÂN ghi
HỒNG VÂN ghi

TTO - Bạn đọc nước ngoài chia sẻ câu chuyện dựng tượng đài ở nước họ với mong muốn Việt Nam có thể nghiên cứu, học tập cách làm của họ khi dựng một đài tưởng niệm, bức tượng hay tượng đài.

Nên xã hội hóa xây tượng đài - Ảnh 1.

Bức tượng chú chó Hachiko trước ga Shibuya (Tokyo, Nhật Bản) kể câu chuyện chú chó và lòng trung thành với chủ - Ảnh: HÀ MY

Công trình dù to hay nhỏ, rất cần được sự đồng tình, đồng thuận của người dân, phù hợp về lịch sử, văn hóa, hài hòa với môi trường xung quanh về quy mô, có giá trị về nghệ thuật và mang tính biểu tượng để nó được mọi người tự hào và yêu mến.

Mark Hemsworth (người Canada)

Ở Canada cũng như các nước trên thế giới, tượng đài, đài tưởng niệm được đặt ở nhiều nơi, có thể tại tư gia, vườn bách thảo, quảng trường... 

Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng ở Canada, đơn vị nào đề xuất làm các công trình đài tưởng niệm tầm quốc gia trên đất liên bang (thường là tư nhân hoặc tổ chức tư nhân) phải có trách nhiệm tài chính trọn đời với mọi chi phí liên quan. 

Cụ thể, họ phải đủ tiền chi cho việc quản lý dự án, kiểm tra, giải phóng mặt bằng, thiết kế, thi công, lắp đặt và bảo dưỡng trọn đời công trình này.

Ví dụ quy trình ở thủ đô Ottawa diễn ra như sau: bên đề xuất làm tượng đài, công trình sẽ thuyết minh kế hoạch chi tiết liên quan lên cơ quan quản lý di sản Canada và các cơ quan liên quan. 

Trong giai đoạn thẩm định đầu tiên, những cơ quan quản lý này phải hài lòng với toàn bộ nội dung về mục đích, ý nghĩa, ngân sách, kế hoạch huy động tài trợ, sự phù hợp về quy mô của công trình với môi trường, không gian xung quanh, lịch sử, văn hóa, vị trí xây dựng... 

Sau khi được đồng ý về chủ trương, bên đề xuất xây tượng đài phải vận động được ít nhất 80% số tiền cần thiết trước khi có thể mở một cuộc thi thiết kế tượng đài rộng rãi. 

Cuối cùng, họ phải có đủ 100% kinh phí và gửi bằng chứng về số tiền này đến cơ quan quản lý di sản của Canada trước khi được phép thi công.

Chưa dừng lại ở đó, cơ quan quản lý di sản Canada sẽ thu phí quản lý dự án đến 15% tùy thuộc vào tính chất và mức độ cần phải quản lý đối với công trình. 

Ngoài ra, để bù đắp cho chi phí bảo trì và bảo quản công trình về sau, bên đề xuất xây dựng còn phải góp vào quỹ bảo trì của cơ quan địa chính. Số tiền này bằng tối thiểu 10% tổng chi phí của công trình.

Sau khi khánh thành, công trình sẽ được hiến cho một cơ quan liên bang có trách nhiệm đảm bảo thực hiện việc bảo trì thường xuyên bằng nguồn quỹ bảo trì, bảo quản nói trên. 

Việc bảo trì, bảo dưỡng các đài tưởng niệm, tượng đài bao gồm làm vệ sinh bên ngoài, xóa những vết bôi, vẽ bẩn, cắt cỏ và các kiểm tra khác tùy thuộc vào chất liệu chế tác công trình (chẳng hạn như làm sạch vết ố của đồng).

Chính quyền liên bang từ sau khi nhận bàn giao đài tưởng niệm có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và bảo trì về sau theo quy tắc dành cho tài sản của liên bang.

Tôi thấy quy trình này chặt chẽ, hợp lý, minh bạch và dân chủ. Nó buộc bên đề xuất phải có đầy đủ những lý do thuyết phục về sự cần thiết và ý nghĩa của việc phải xây tượng đài hay đài tưởng niệm ở một vị trí nào đó. 

Trừ khi họ có rất nhiều tiền, huy động tài trợ thành công từ cộng đồng là bằng chứng cho thấy sự ủng hộ của người dân đối với công trình. 

Việc trả tiền quản lý dự án và đóng góp vào quỹ bảo dưỡng trọn đời đảm bảo công trình không trở thành gánh nặng của ngân sách. Cuộc thi thiết kế giúp cho những sáng tạo nghệ thuật tốt nhất được tôn vinh.

Tôi chưa từng nghe về việc một đài tưởng niệm nào lại trở thành nơi cho người ta xoay mặt vào tè bậy ở Canada. Những trường hợp hi hữu mà bạn thấy một người hành động như thế ngoài đường là lúc 3 giờ sáng khi họ đã say khướt hoặc đó là một người vô gia cư.

Việt Nam nên xã hội hóa để xây tượng đài như cách làm của Canada. Nhưng theo tôi, công trình dù to hay nhỏ, rất cần được sự đồng tình, đồng thuận của người dân, phù hợp về lịch sử, văn hóa, hài hòa với môi trường xung quanh về quy mô, có giá trị về nghệ thuật và mang tính biểu tượng để nó được mọi người tự hào và yêu mến.

Dựng tượng: Cần đi vào lòng dân

Khi nghĩ đến những tượng đài, nhiều người nghĩ đó là những thứ lớn lao, đại diện cho những chiến tích lớn trong lịch sử. Tuy nhiên, theo tôi, một tượng đài, bức tượng cần đi vào lòng người dân mới có ý nghĩa.

Nhật Bản, một trong những nước nổi tiếng về văn hóa, cũng là một địa điểm du lịch nổi tiếng, khá thành công trong việc giữ gìn những bức tượng của họ, không để chúng xuống cấp.

Ở Nhật Bản, không chỉ có những bức tượng mang ý nghĩa lịch sử, mà còn có những tượng kể lại câu chuyện ngàn đời người dân vẫn nhớ. Ví dụ tượng chú chó Hachiko ở phố Shibuya kể lại câu chuyện nhân văn về sự trung thành của chú chó này.

Đây có lẽ là một trong những bức tượng nổi tiếng nhất ở Nhật Bản và được nhiều khách du lịch lui tới xem. Đối với người dân ở đây, đó cũng là một địa điểm hẹn hò phổ biến giữa phố Shibuya đông đúc.

Trao đổi với nhiều người Nhật, tôi thấy được sự tự hào của họ khi có được một câu chuyện nhân văn về chú chó Hachiko ngày nào cũng đợi chủ ở bến tàu mặc dù chủ đã mất từ lâu. Bức tượng nói về sự trung thành, một đức tính mà nhiều người Nhật đánh giá rất cao và cho là quan trọng.

KEVIN LU - Hà My ghi

Suy nghĩ về tượng đài 48 tỉ đồng ở huyện nghèo Suy nghĩ về tượng đài 48 tỉ đồng ở huyện nghèo

TTO - Một huyện miền núi còn khó khăn như Vĩnh Thạnh (Bình Định) đã quyết định sẽ xây dựng tượng đài 48 tỉ đồng. Thông tin đã khơi cảm xúc bất bình dư luận.

HỒNG VÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp