21/08/2012 08:20 GMT+7

Nên tiếp xúc cử tri vào buổi tối

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Chiều 20-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nội dung nghị quyết liên tịch về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước băn khoăn trước tình trạng “cử tri đi tiếp xúc đại biểu Quốc hội phần lớn là các cụ đã nghỉ hưu, còn cán bộ công chức, doanh nghiệp... rất ít tham gia nên nội dung các cuộc tiếp xúc không phong phú”.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do hoạt động tiếp xúc cử tri ở ta tổ chức theo lối hành chính, trong giờ làm việc nên nhiều đối tượng không tham gia được. “Tôi sang Singapore thì thấy nghị sĩ quốc hội họ tiếp xúc cử tri vào buổi tối, bởi vì giờ đó những người đi làm việc, học sinh, sinh viên mới có thời gian đến dự. Tôi đã đến dự một cuộc như vậy ở Singapore từ 19g-23g, cử tri đến đông và phát biểu rất hăng hái. Vì vậy chúng ta cần quy định tiếp xúc cử tri bằng hình thức phi hành chính” - ông Dũng nói.

Đọc tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho biết dự thảo nghị quyết quy định ngoài hình thức tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, từng đại biểu sẽ chủ động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn... Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị quy định cụ thể cho phép các đại biểu Quốc hội lựa chọn hình thức tiếp xúc cử tri, miễn là thời lượng tiếp xúc ngày càng tăng cường, tiếp xúc được với nhiều cử tri hơn. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc ở nơi công tác thì địa điểm phải là trụ sở của cơ quan, tiếp xúc ở nơi cư trú thì phải ở nhà văn hóa chứ không phải tiếp xúc ở nhà riêng, tránh gây phiền hà đến cuộc sống riêng tư của đại biểu.

Sáng cùng ngày, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật giáo dục quốc phòng - an ninh. Dự luật này khẳng định “giáo dục quốc phòng - an ninh là một bộ phận của nền giáo dục quốc dân, là môn học chính khóa trong nhà trường từ trung học phổ thông đến đại học...”.

Cần thiết có ủy ban lâm thời của Quốc hội

“Để Quốc hội VN trở thành một quốc hội mạnh và thực quyền hơn nữa thì việc xem xét thành lập và phát huy vai trò của ủy ban lâm thời của Quốc hội là vô cùng cần thiết”. Tiến sĩ Hoàng Văn Tú, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh như trên trong phát biểu tại hội thảo “Phát huy vai trò của ủy ban lâm thời trong việc thực hiện các chức năng cơ bản của Quốc hội”, do viện này tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc trong hai ngày 20 và 21-8.

Theo ông Tú, ủy ban lâm thời là công cụ cung cấp cho Quốc hội những thông tin cụ thể trong các báo cáo thẩm tra dự án luật, các thông tin làm cơ sở để các đại biểu Quốc hội thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; đặc biệt là cung cấp các bằng chứng xác thực, cụ thể nhất về những vấn đề, vụ việc được xã hội quan tâm. Từ đó Quốc hội có cơ sở rõ ràng, đáng tin cậy để đưa ra những quyết định, quyết sách.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp