Dự án The Nam Khang Resort Residences Đà Nẵng không một hạng mục xây dựng, khu đất ven biển bỏ hoang này đang được TP Đà Nẵng kiểm tra - Ảnh: V.Hùng |
Xin giới thiệu một số ý kiến dưới đây.
* KTS PHẠM PHÚ BÌNH (phó chủ tịch Hội Tư vấn xây dựng Việt Nam):
Cấp phép ồ ạt, dày đặc
Với bờ biển Đà Nẵng, chính quyền đã sai lầm khi phá những cánh rừng phi lao tuyệt đẹp rồi cấp phép ồ ạt, dày đặc cho các dự án du lịch, bất động sản mà thiếu đi sự tính toán trong việc bảo vệ môi trường, dân sinh lẫn vấn đề an ninh quốc phòng.
Khu vực ven biển Đà Nẵng kéo dài cả mấy chục cây số mà bây giờ chỉ còn một miếng đất rất nhỏ ở đường Võ Nguyên Giáp (đoạn công viên Biển Đông) TP cũng cắt bán nốt cho nhà đầu tư! Tôi không hiểu tại sao TP làm việc đó? Biển phải có không gian xanh chứ?
Còn trục đường ven biển cả chục cây số từ khách sạn Furama kéo đến thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) hầu như không còn lối ra biển.
Theo tôi, chính quyền Đà Nẵng nên có đánh giá quy hoạch lại trên trục đường ven biển này. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thu hồi các dự án ven biển nên tôi nghĩ đây là cơ hội để chính quyền Đà Nẵng có thể mạnh dạn thu hồi các dự án, thu một phần dự án để mở đường cho dân ra biển.
*Ông NGUYỄN THẾ HÙNG (phó chủ tịch UBND TP Hội An):
Sẽ không cấp phép dự án ven biển
Quan điểm của anh Sự (ông Nguyễn Sự, nguyên bí thư Thành ủy Hội An, chủ tịch HĐND TP Hội An) khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ (ngày 7-6) rằng: “...Cho tôi làm lại, chắc chắn tôi sẽ không cấp phép cho các dự án ven biển như bây giờ mà sẽ cấp ở bên kia đường. Điều này tôi đã nói cách đây mười mấy năm. Doanh nghiệp không có lỗi mà là do mình... Tôi vẫn tự nghĩ đó là cái sai của mình...” là rất thẳng thắn.
Giờ đây TP Hội An sẽ không cấp phép các dự án ven biển mà để dành bãi biển cho cộng đồng. TP Hội An cũng quy định bên cạnh mỗi dự án ven biển, chủ đầu tư phải dành một khu đất bãi biển công cộng cho người dân, du khách xuống tắm biển.
TP cũng đã dành ra 10 khu đất ven biển để xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các bãi tắm công cộng để người dân, du khách tắm biển được văn minh, an toàn...
*Ông TRẦN THỌ (bí thư Thành ủy Đà Nẵng):
Thu hồi dự án, chấp nhận bị kiện
Quan điểm của lãnh đạo TP là qua đợt rà soát, thanh tra, kiểm tra mà đoàn liên ngành đang triển khai sẽ làm rõ những vấn đề của từng dự án, tìm ra nguyên nhân vì sao dự án trì trệ.
Sau đó sẽ xem xét chủ đầu tư nào có năng lực thì để cho họ triển khai dự án, còn với các chủ đầu tư không triển khai mà ngồi chờ thời cơ để chuyển nhượng dự án thì kiên quyết thu hồi, hủy hợp đồng cho thuê đất. UBND TP cứ mạnh tay thu hồi đi, cứ để cho chủ đầu tư họ kiện.
Vừa qua có ba dự án chủ đầu tư không chịu triển khai, UBND TP ra quyết định thu hồi, họ có kiện cáo gì đâu. Hiện các sở ngành của Đà Nẵng đang thanh tra, rà soát 18 dự án ven biển của rất nhiều đại gia bất động sản, du lịch và sẽ có báo cáo Thành ủy, UBND TP vào cuối tháng 6 này.
*Ông NGUYỄN HOA (P.Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam):
Đi không được, ở không xong
Nhà tôi dính vào dự án Trường Sơn Ảnh hơn 7ha. Dự án này động thổ từ năm 2003, gia đình tôi được thông báo thu hồi đất nhưng đến nay vẫn như cũ, nhà chưa được giải tỏa, dự án vẫn không thấy đâu, dân ở đây quá ngán ngẩm các dự án “treo” này.
Nhà tôi hai thế hệ với tám người ở trong căn nhà chật chội nhưng giờ đi không được mà ở cũng không xong do không được sửa chữa, xây dựng.
Trước đây, từ nhà tôi đi thẳng xuống biển, giờ dự án ngăn lại phải đi vòng rất xa để xuống biển mưu sinh. Chưa kể mùa đông, rừng dương đã bị phá trọc nên gió bấc thổi từ biển vào kéo theo cát biển không thể chịu nổi.
Tôi mong Nhà nước giải quyết dứt điểm dự án này. Nếu thu hồi đất thì tái định cư cho dân ở yên ổn, còn không thì xóa dự án để dân tính toán, tạo kế sinh nhai.
Đỏ mắt tìm chủ đầu tư Ngày 16-6, chúng tôi căn cứ báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, giấy phép đầu tư dự án và website của các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án ven biển để tìm chủ đầu tư lấy ý kiến, nhưng tìm đỏ mắt chẳng thấy đâu. Tại dự án Sontra Travel bỏ hoang ở bán đảo Sơn Trà, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Sơn Trà, địa chỉ trên website là 92 Lê Thanh Nghị, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng, nhưng đến nơi thì đây là shop bán hàng thời trang. Tương tự, dự án Sontra Resort của Công ty cổ phần đầu tư Đà Nẵng Sơn Trà (công ty con của Savico - Công ty CP dịch vụ tổng hợp Sài Gòn) cũng không tìm ra chi nhánh chủ đầu tư này ở Đà Nẵng. Chủ đầu tư dự án khu du lịch ven biển là Công ty cổ phần Hòn Ngọc Á Châu có địa chỉ trong giấy phép đầu tư là P.Khuê Mỹ, Q.Sơn Trà (chính xác P.Khuê Mỹ thuộc Q.Ngũ Hành Sơn), chúng tôi cũng không tìm ra địa chỉ công ty. Liên hệ với hai lãnh đạo công ty thì một vị cho biết đã nghỉ điều hành dự án này sáu năm qua, còn một vị bảo mình không liên quan gì đến dự án này. Dự án đầy tai tiếng Bai But Bay Resort của chủ đầu tư là Công ty CP Hải Duy và Công ty CP Đầu tư và dịch vụ TP.HCM (Invesco) nhưng các doanh nghiệp này đều ở TP.HCM, không có chi nhánh ở Đà Nẵng. Còn dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng của liên doanh Quốc Cường Gia Lai và VinaCapital, nhưng một vị lãnh đạo VinaCapital ở Đà Nẵng cho hay dự án này do Quốc Cường Gia Lai làm chủ và VinaCapital ở TP.HCM điều hành. Chúng tôi tìm đến chủ đầu tư Công ty TNHH Xây dựng thương mại và dịch vụ 55 của dự án tổ hợp khu biệt thự và dịch vụ cao cấp ven biển, công ty này thuê chỗ làm việc tại một tòa nhà ở đường Nguyễn Thị Minh Khai. Tuy nhiên, một nhân viên cho biết giám đốc đã đi công tác và không cho số điện thoại liên lạc, không trả lời bất cứ thông tin nào về dự án... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận