“Phải làm lại chứ không phải nên hay không”, KTS Nguyễn Trường Lưu - phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM phản ứng về màu sơn mới của Bưu điện TP.HCM.
Màu cũ nhã nhặn hơn
Chị Ni, một người bán dạo quanh khu vực Bưu điện thành phố HCM (Bưu điện TP) đã nhiều năm cho biết không thích màu sơn này bằng màu sơn cũ của những năm trước đây vì “màu cũ nhã nhặn và đẹp hơn”.
>> Chị Ni
Đang đi dạo và chụp hình ở gần khu vực Bưu điện TP, bạn Kim Ngân, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10, TP.HCM) cho biết mình cũng thích màu sơn cũ.
“Thay mới màu sơn làm mình có cảm giác bưu điện này xa lạ với người thành phố vậy”, Ngân nói. Ngân cũng cho rằng màu sơn quá nổi này không hài hòa với tổng thể chung của tất cả kiến trúc xung quanh như Nhà thờ Đức Bà và những tòa nhà lân cận.
>> Bạn Kim Ngân
Sinh viên Hồng Yến cho biết màu sơn quá sáng, quá nổi sẽ làm mất đi tính lịch sử của một công trình đã hơn trăm tuổi.
>> Bạn Hồng Yến
Dẫn khách đi tham quan, chụp hình và giới thiệu về lịch sử, văn hóa của Bưu điện TP, anh Võ Hồng Thi - hướng dẫn viên du lịch cho biết khách du lịch bày tỏ sự không hài lòng với màu sơn mới này.
“Tôi có đưa họ xem hình ảnh của Bưu điện TP cũ và khi nhìn thấy màu sơn hiện tại, họ nói không thích”, anh Thi cho biết. Bản thân anh Thi cũng hoàn toàn không thích màu sơn này vì nó làm mất đi tính lịch sử của công trình.
>> Hướng dẫn viên Võ Hồng Thi
Tòa nhà Bưu điện TP.HCM - công trình trên 100 năm tuổi gắn với bao thế hệ người dân thành phố - không nhận được sự đồng tình của nhiều người trong giới mỹ thuật, kiến trúc về màu sơn mới - Ảnh: T.T.D. |
Bạn đọc Mạnh Hà viết: Nhìn giống như nhà hát tuồng.
Bạn Phú Hảo bất bình nói: Cách phục hưng cẩu thả, thiếu suy xét đối với các công trình mang tính lịch sử (công trình đã hơn 100 năm), người dân cảm thấy bất bình. Bất bình chứ không phải bức xúc.
Một bạn đọc khác cho biết mình không phải kiến trúc sư, cũng không phải nhà mỹ thuật nhưng “nhìn vào cái màu sơn ở đó thấy rất khó chịu. Nó phá hỏng cái bầu không khí cổ kính mà vẫn hào hoa của khu vực đó. Tiếc!”.
Trùng tu phải tính đến yếu tố văn hóa, lịch sử và sự hài hòa
“Cảm nhận đầu tiên của tôi là giật mình, không hiểu chuyện gì xảy ra ở đây”, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trường Lưu - phó chủ tịch Hội KTS TP.HCM bắt đầu câu chuyện về màu sơn mới của Bưu điện TP.HCM.
“Năm 1997, thành phố đã ra thông tư 46 đưa công trình Bưu điện TP vào danh sách cần bảo tồn di sản. Chúng ta phải có sự ứng xử đúng với công trình cần phải duy tu, bảo tồn nó như một di sản, chứ không thể muốn đưa ý thích cá nhân vào. Về mặt không gian đô thị, ngay cả những công trình mới cũng không nên sơn những màu gây khó chịu, chói mắt công chúng”, KTS Lưu nói.
>> KTS Nguyễn Trường Lưu
Bưu điện thành phố khi lên đèn - Ảnh tư liệu TT (ảnh chụp năm 2013) |
Bưu điện Thành phố vào năm 2004 - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ |
KTS Nhật Long cho biết việc sơn màu vàng chói mắt như vậy là “không được” bởi “ Bưu điện TP là công trình thời Pháp và phải có sự hài hòa giữa khối dáng và tông màu”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã cho biết khu vực nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP và những công trình dọc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Nguyễn Huệ là những kiến trúc hàng thế kỷ, có ý nghĩa đặc biệt về văn hóa, du lịch.
“Dù có sơn phết gì thì cũng phải bảo tồn được khung cảnh cổ kính của công trình. Tôi rất tiếc khi nhìn thấy màu sơn mới”, TS Nguyễn Nhã bày tỏ quan điểm.
>> TS Nguyễn Nhã
Giới kiến trúc sư phản ứng khá nhiều về màu sơn mới này. KTS Nguyễn Trường Lưu nói. “Chúng tôi có tìm hiểu và phỏng vấn những người khách du lịch châu Âu, họ đều không hình dung được chúng ta muốn gì khi sơn màu vàng chói cho Bưu điện TP, một công trình kiến trúc cổ thời Pháp thuộc”, ông Lưu chia sẻ.
>> KTS Nguyễn Trường Lưu
TS Nguyễn Nhã đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu khi sơn phết lại Bưu điện TP, họ có tính đến yếu tố văn hóa, lịch sử… hay không?”.
Màu vàng nhạt trước đây của tòa nhà Bưu điện Thành phố (chụp năm 2002) - Ảnh Tư liệu Tuổi Trẻ |
TS Nguyễn Nhã nhận xét rằng màu sơn mới “tưởng là đẹp nhưng lại không phù hợp. Có người giải thích rằng qua thời gian, màu sơn này sẽ bớt chói hơn nhưng theo tôi là không hẳn như thế”, TS Nguyễn Nhã thẳng thắn.
>> TS Nguyễn Nhã
Kiến trúc sư Nhật Long thì cho rằng Bưu điện TP là cảnh quan chung và đã nằm sâu trong lòng người dân thành phố nên việc sơn sửa phải làm sao để “dư luận không ảnh hưởng, không phản ứng”.
Nên sơn lại màu cũ
“Phải làm lại chứ không phải nên hay không. Phải làm vị lợi ích của thành phố”, KTS Nguyễn Trường Lưu thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
>> KTS Nguyễn Trường Lưu
Ảnh chụp năm 1993 |
Theo KTS Nguyễn Trường Lưu, KTS Nhật Long và TS Nguyễn Nhã thì tốt nhất là nên sơn lại màu giống như màu trước đây của Bưu điện TP.
KTS Nhật Long thì nói: “Nên sử dụng tông màu như trước đây. Cần thiết thì Bưu điện TP nên mời các chuyên gia ở Pháp về để phục hồi”.
>> KTS Nhật Long
KTS Nguyễn Trường Lưu cho biết về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có thể sơn lại màu như trước đây, thời gian bảo quản vẫn bảo đảm.
“Việc làm lại màu vàng đất như ngày xưa có thể đạt độ chính xác đến 100%. Với những loại sơn cao cấp hơn, có thể tạo cảm giác là quét vôi như xưa nhưng thực chất là dùng sơn nước”, KTS Nguyễn Trường Lưu nói.
>> KTS Nguyễn Trường Lưu
“Đây cũng là một bài học cần rút kinh nghiệm khi quyết định tu sửa những công trình mang tính lịch sử, văn hóa. Nên lấy ý kiến của những cơ quan liên quan về vấn đề bảo tồn di tích trước khi làm”, TS Nguyễn Nhã nói.
>> TS Nguyễn Nhã
Đồng tình với ý kiến này, KTS Nguyễn Trường Lưu cho rằng nên có ý kiến của hội đồng quy hoạch kiến trúc thành phố đối với những công trình mang tính di sản, có ảnh hưởng đến nhiều người dân thành phố.
>> KTS Nguyễn Trường Lưu
Cái đẹp của riêng mình thì không ai thắc mắc Bình luận về ý kiến cho rằng xấu hay đẹp là do thẩm mỹ của mỗi người, KTS Nguyễn Trường Lưu cho rằng nếu cái đẹp là của riêng mình thì sẽ không ai thắc mắc nhưng Bưu điện TP là cái đẹp thuộc về công chúng. >> KTS Nguyễn Trường Lưu |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận