27/09/2014 07:25 GMT+7

​Nên thay đổi chỗ ngồi

HOÀNG THỊ THU HIỀN (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM)
HOÀNG THỊ THU HIỀN (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM)

TT - Rất nhiều giáo viên chủ nhiệm ít quan tâm đến việc thay đổi chỗ ngồi của các em. Có những lớp từ đầu năm đến cuối năm các em ngồi mãi một vị trí.

Thay đổi chỗ ngồi cho học sinh: chuyện nhỏ mà không nhỏ. Ảnh chụp một tiết học tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng
Thay đổi chỗ ngồi cho học sinh: chuyện nhỏ mà không nhỏ. Ảnh chụp một tiết học tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng

Tiết cuối cùng của năm học sau khi đã dặn dò các em những sách cần đọc trong hè, tôi tổ chức một trò chơi nhỏ “Hỏi nhanh đáp thẳng” vừa để tìm hiểu tâm lý của các em, vừa để kiểm chứng mình có phải là đối tượng được các em yêu mến. 

Câu hỏi đưa ra: Bộ môn mà em thích học nhất? Thầy, cô giáo trong năm tạo ấn tượng cho em nhiều nhất? Người bạn mà em quý mến nhất? Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong năm? Chỗ ngồi mà em cho là lý tưởng nhất? Người bạn ngồi cạnh mà em thích nhất? Món quà đáng nhớ nhất?...

Các em tham gia rất hào hứng, sôi nổi. Những câu trả lời đều rất trung thực và cảm xúc. Tất cả sẽ không có gì khiến tôi phải băn khoăn nếu không có câu trả lời của em P.U.. “Người bạn ngồi cạnh mà em thích nhất?” - “Dạ, bạn P.U. ạ”. Cả lớp bò lăn ra cười. P.U. cúi đầu im lặng, đôi mắt em chất chứa nỗi buồn như chực khóc. Còn tôi thì ngơ ngác vì chưa hiểu câu trả lời. Một em giải thích cho tôi: “P.U. là chính bạn đó cô, cả năm qua xếp chỗ qua lại thế nào cuối cùng bạn ấy cũng ngồi một mình một bàn vì lớp lẻ một người”.

Đến lượt tôi im lặng và trò chơi dừng lại. Tôi trách mình tại sao lại không nhận thấy điều đó vì chính tôi là người luôn chủ trương thay đổi chỗ ngồi cho học sinh hằng tháng với mong muốn không có em nào cô đơn hay bị tổn thương vì chỗ ngồi. Dù không phải là giáo viên chủ nhiệm, nhưng suốt cả một năm học mà không nhận ra em P.U. phải ngồi một mình thì tôi thật là thiếu sót.

Hết giờ tôi gặp riêng P.U., xin lỗi em vì sự vô tình của tôi, hỏi em về cảm xúc tâm trạng suốt năm qua khi thường xuyên ngồi một mình một bàn như thế. Em ôm tôi khóc: “Ai chẳng muốn có bạn ngồi cạnh mình, nhưng bây giờ đã qua rồi cô ạ, cô đừng nhắc tới nữa”.

Trường hợp thứ hai, tôi nhận được một tấm thiệp cưới của học sinh lớp chủ nhiệm cũ kèm theo dòng chữ “Cảm ơn cô đã tạo điều kiện cho chúng em nên duyên”. Khi hai em giải thích tôi mới hiểu: “Ban đầu tụi em vốn chẳng thích gì nhau, ba năm cấp III chỉ một vài lần nói chuyện. Tháng cuối của năm lớp 12 bị đổi chỗ phải ngồi cạnh nhau, tụi em tìm mọi cách nài nỉ xin đổi mà cô không đồng ý nên đành chấp nhận. Lúc đầu ghét nhau thậm tệ, suốt ngày cự nự và cuối cùng...”. Chỗ ngồi cũng có thể xe duyên cho một mối tình.

Người lớn chúng ta khi đi học hay đi họp, ai ngồi cạnh mình và ngồi ở vị trí nào đã là vấn đề được quan tâm, đối với các em học sinh lại càng quan trọng hơn bởi các em sống theo cảm tính và cảm xúc mạnh hơn người lớn.

Rất nhiều giáo viên chủ nhiệm ít quan tâm đến việc thay đổi chỗ ngồi của các em. Có những lớp từ đầu năm đến cuối năm các em ngồi mãi một vị trí. Điều đó xét về mặt tâm sinh lý đều không hợp lý. Nên thay đổi chỗ ngồi cho học sinh mỗi tháng một lần, từ trái chuyển qua phải, từ dưới chuyển lên trên và ngược lại để các em điều tiết mắt và các em đều công bằng với nhau về chỗ ngồi tốt và không tốt.

Thay đổi chỗ ngồi không nên chỉ thay đổi vị trí mà nên thay đổi cả bạn ngồi bên cạnh để tạo điều kiện cho các em có dịp gần gũi với nhiều bạn trong lớp hơn. Với những học sinh không chăm học thích ngồi bên dưới để tránh tầm mắt kiểm soát của thầy cô, chuyển đổi chỗ ngồi sẽ tránh được điều đó và giúp các em tập trung hơn. Hơn nữa, được trải nghiệm tất cả chỗ ngồi trong thời học sinh cũng là một sự thú vị của học sinh.

Thỏa nỗi ước mong

Hằng năm khi làm công tác chủ nhiệm tôi thường đổi chỗ ngồi các em theo hướng xoay vòng. Hôm đó vừa đổi chỗ cho các em buổi sáng ở lớp, buổi tối có phụ huynh gọi điện: “Cô ơi hôm nay cháu về vui lắm, vì lần đầu tiên sau suốt 11 năm học cháu được ngồi bàn đầu. Bao năm đi học cháu đều phải ngồi bàn cuối vì hơi cao so với các bạn. Cháu bảo: vậy là thỏa nỗi ước mong”.

HOÀNG THỊ THU HIỀN (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp