Phóng to |
Ngày càng nhiều học sinh bị cận thị. Tại lễ khai giảng năm học mới ở Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) nhiều phụ huynh khi dự lễ đã phải thốt lên: “Mới lớp 6 sao đã cận hết rồi nè!” - Ảnh: Thuận Thắng |
Tôi ngồi vào vị trí của con và nhìn sang góc bảng bên trái thì không thấy rõ những gì viết trên bảng. Do từ vị trí đó nhìn lên bảng với một góc khá hẹp, lại bị ánh sáng lóa nên muốn nhìn rõ phải nghiêng người sang bên trái.
Tôi hình dung con tôi chắc nhiều lần phải chồm người để có thể nhìn được những gì cô giáo viết góc bên kia bảng...
Sau buổi họp, tôi có đề nghị cô giáo sớm đổi cho con tôi vị trí khác vì mắt cháu kém, một mắt cận 1,25 độ, một mắt cận 1,5 độ và loạn 0,5 độ - từ đầu năm học này đã phải đeo kính.
Nhân đó, tôi cũng đề xuất nên thường xuyên thay đổi chỗ ngồi của các em, nhất là các học sinh ngồi ở các dãy bàn hai bên, dãy bàn đầu tiên và mấy dãy bàn cuối cùng.
Vì nếu ngồi quá lâu ở một vị trí đó sẽ ảnh hưởng đến mắt và cột sống. Cô giáo cho biết sẽ nghiêm túc để ý việc này và nói thêm cô luôn chú ý việc thay đổi chỗ, vì sẽ tạo ra sự hưng phấn khi ngồi chỗ mới, ngồi với bạn mới, thay vì phải ngồi yên một chỗ, cạnh mãi với một bạn...
Việc một số em phải ngồi sát góc trái, phải và quá xa bục giảng, xa bảng có nguyên nhân là do lớp đông. Như bốn lớp khối 4 trường con tôi đang học có đến 191 học sinh và lớp của con tôi có 48 em.
Vì vậy, không thể xếp cách nào cho hợp lý tuyệt đối, thế nào cũng có những em phải ngồi ở “vùng sâu, vùng xa”.
Do đó, không cách nào khác là phải thường xuyên thay đổi chỗ ngồi của các em để đảm bảo sức khỏe và khả năng tiếp thu bài cho các em, tức là “chia” cái chỗ không thuận tiện ấy ra cho đều các học sinh. Cách đó dĩ nhiên chẳng đặng đừng nhưng chắc khó có cách nào khác.
Vì vậy, khi xếp chỗ ngồi, các giáo viên chủ nhiệm (nhất là ở bậc tiểu học) nên quan tâm đến thị lực, chiều cao của các em để xếp cho phù hợp.
Đôi khi để dễ quản, giáo viên có thể xếp cho một em hay nghịch ngồi bàn đầu nhưng em ấy lại cao, có thể ảnh hưởng đến việc nhìn lên bảng của các em khác, hoặc chính vì việc xếp chỗ ngồi đó mà buộc một em mắt kém phải ngồi phía dưới.
Đối với các em phải ngồi ở các dãy bàn quá xa bảng hoặc ở hai bên cánh (nhất là hai bàn đầu) nên được thường xuyên xếp lại chỗ ngồi hơn những em khác (khoảng 1 - 2 tháng/lần).
Dĩ nhiên việc sắp xếp này sẽ có xáo trộn đến việc chia tổ, lập nhóm học tập... nhưng như vậy sẽ đảm bảo sức khỏe cho trẻ hơn.
Bên cạnh đó, như cô giáo chủ nhiệm của con tôi đã nói, việc thay đổi chỗ ngồi cũng là sự thay đổi một môi trường nhỏ với không gian mới, bạn mới, góc nhìn mới, giúp trẻ đỡ nhàm chán hơn.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều học sinh bị các tật về mắt. Có lẽ thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng, môi trường... có ảnh hưởng không nhỏ.
Tuy nhiên, liệu việc sắp xếp chỗ ngồi trên lớp có tác động đến điều này hay không cũng cần được ngành giáo dục quan tâm để có cách khắc phục hợp lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận