Nếu không thực sự tự tin vẽ một lần là chính xác, thí sinh nên cẩn thận vẽ hình bằng bút chì trước. Sau khi kiểm tra thấy chính xác thì phải đồ lại bằng bút mực - Ảnh: Tuấn Minh |
Theo Nguyễn Tuấn Anh (cựu sinh viên khoa Toán, Đại học Sư phạm TPHCM) chia sẻ thì trong quá trình ôn luyện, thí sinh nên có vài lần tập làm bài trên giấy thi thật dù là bất kì kì thi nào.
Qua đó, thí sinh ít nhiều hình dung được mẫu giấy mà mình sẽ làm bài thi, cách điền thông tin, ước lượng được dung lượng bài viết, phân bổ thời gian và tập vẽ các dạng biểu đồ, hình học không gian hoặc đồ thị toán học.
Theo kinh nghiệm từng đi trông thi đại học khi còn là sinh viên của Tuấn Anh, trước khi làm bài, giám thị luôn nhắc nhở thí sinh điền đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có thí sinh viết thiếu hoặc viết nhầm thông tin này vào vị trí kia.
Nguyên nhân có thể do thí sinh run, lo lắng, mất bình tĩnh hoặc quá tập trung vào việc nhớ bài học. Thậm chí nhiều thí sinh đợi đến cuối giờ mới vội vàng điền thông tin cá nhân dẫn đến viết ẩu, viết sai.
Đối với môn Ngữ văn (câu nghị luận xã hội) nói riêng hoặc các dạng bài thi ngoại ngữ có phần viết luận được giới hạn số từ nói chung, thí sinh nên làm thử trên giấy thi để ước lượng cỡ chữ to nhỏ khác nhau và số chữ của mình trên phần giấy thi thật.
Đến khi vào thi, thí sinh đó sẽ có được kĩ năng và sự chủ động trong việc phân chia bố cục bài, dung lượng mỗi đoạn cho đến cả bài. Điều này sẽ giúp thí sinh dễ dàng phân bổ cũng như tiết kiệm thời gian. Đây cũng là một chiến thuật mà giáo viên thường nhắc nhở thí sinh rèn luyện trước khi “ra trận”.
Vẽ hình đặc biệt quan trọng trong các môn thi như Toán, Địa lý hoặc các môn thi năng khiếu về mỹ thuật, kiến trúc. Khi đi học và ôn tập, học sinh thường sử dụng vở có ô ly vuông nên việc vẽ hình trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, giấy thi đại học hoặc các kì thi khác thường chỉ có đường kẻ ngang nên nhiều thí sinh sẽ bị bỡ ngỡ. Ví dụ, khi vẽ biểu đồ tròn trong địa lý cần sử dụng tới com-pa, thí sinh sẽ bối rối trong việc lựa chọn độ dài bán kính thích hợp với diện tích giấy thi, đặc biệt là với những đề bài yêu cầu vẽ 2 biểu đồ trở lên với bán kính của mỗi biểu đồ là khác nhau.
Một lỗi thường gặp khi vẽ biểu đồ trò là thí sinh quên mất phải chọn dấu mốc 12g để bắt đầu vẽ cho đối tượng đầu tiên. Tương tự với các biểu đồ cột dọc, cột ngang hay đồ thị cũng cần lưu ý chia khoảng cách giữa các đơn vị, các năm bằng cách dùng số liệu trên thước kẻ mà không có sự hỗ trợ của ô ly vuông.
Nếu không thực sự tự tin vẽ một lần là chính xác, thí sinh nên cẩn thận vẽ hình bằng bút chì trước. Sau khi kiểm tra thấy chính xác thì phải đồ lại bằng bút mực. Lưu ý, tất cả hình vẽ toán học, chữ viết, con số trong bài thi đều phải được viết bằng bút mực mới được chấp nhận.
Tập giải đề thi thử trên giấy thi thật là phương pháp ôn thi được nhiều trường áp dụng - Ảnh: Tuấn Minh |
Ngoài ra, việc vẽ đồ thị toán học, hình học không gian mà không có sự hỗ trợ của ô ly vuông cũng cần phải luyện tập thành thục để thí sinh có được hình vẽ rõ ràng, dễ quan sát, sạch đẹp, tránh tẩy xóa. Qua đó, quá trình làm bài cũng dễ dàng hơn và tiết kiệm thời gian. Phần hình vẽ chính xác, sạch đẹp, rõ ràng cũng nằm trong ba-rem chấm điểm của giám khảo.
Hình thức thi thử trên giấy thật được rất nhiều trường phổ thông và các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, luyện thi áp dụng. Đây vừa là một phương pháp hỗ trợ tâm lý trước khi thi thật, vừa rèn luyện cho thí sinh những kĩ năng cần thiết trong quá trình làm bài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận