26/04/2018 17:31 GMT+7

Nên tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình

ĐỨC BÌNH - LAN ANH -  VŨ THỦY ghi
ĐỨC BÌNH - LAN ANH - VŨ THỦY ghi

TTO - Nhiều ý kiến cho rằng tuổi hưu quy định như cũ (55 tuổi cho nữ và 60 tuổi cho nam) là hợp lý, có thể tăng thêm 2-5 năm nhưng nên để người lao động và cơ quan, doanh nghiệp linh động cân nhắc, thỏa thuận.

Nên tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình - Ảnh 1.

Lao động trực tiếp luôn muốn nghỉ hưu sớm. Trong ảnh: công nhân làm việc tại Công ty điện tử Asanzo Việt Nam ở KCN Vĩnh Lộc, Q.Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chị Nguyễn Thị Diễm, 36 tuổi, công nhân ngành điện tử Khu công nghệ cao TP.HCM chia sẻ: Công nhân chúng tôi đến43-44 tuổi đã nghỉ rồi. Công nhân ở công ty tôi hầu hết tới 45-46 là cao tuổi lắm rồi, hiếm ai trụ lại tới 50-55 tuổi. Lớn tuổi hơn thì chỉ có cấp quản lý, tổ trưởng, chuyền trưởng. Công nhân hầu hết đều phải làm ca đêm, tăng ca mà làm lắp ráp điện tử thì mắt phải sáng, tay phải nhanh nên đến khoảng 43-44 tuổi tự thấy không làm được họ đã tự nghỉ hết, ra làm buôn bán lặt vặt, về quê trông con, trông cháu. 

Từ trước đến nay, hầu hết công nhân đều lãnh bảo hiểm xã hội một lần khi nghỉ ngang nên thực sự ít người quan tâm đến chuyện bao nhiêu tuổi được nghỉ hưu để có thể lên tiếng về việc này.

* Ông Bùi Sỹ Lợi (phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội):

Nên tăng tuổi nghỉ hưu từ sau năm 2025

Nên tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình - Ảnh 2.

Ông Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Quan điểm cá nhân tôi phải nâng tuổi hưu để vừa đảm bảo thu nhập cho người lao động, vừa đảm bảo an toàn quỹ. Hiện chính sách của ta thì đóng ít, đóng thời gian ngắn nhưng hưởng lại nhiều. Thời gian hưởng cũng dài, và tương lai tuổi thọ bình quân sẽ tăng, tức là thời gian hưởng sẽ tăng.

Điều quan trọng là chúng ta phải có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu để đỡ hẫng hụt trong chính sách. Theo tôi, từ nay đến năm 2025 chỉ nên khuyến khích tăng tuổi hưu ở lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn và việc tăng cũng không nên quá 5 năm. 

Còn từ 2025 trở đi bắt đầu thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, bắt đầu từ khối hành chính sự nghiệp trước. Lao động lĩnh vực nặng nhọc, độc hại thì phải cuối cùng...

Vấn đề là phải đảm bảo an sinh xã hội. Phải có tầng 1 để đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân. Làm sao tất cả mọi người khi về hưu đều được có lương hưu để đảm bảo mức sống tối thiểu. Nhà nước cần hỗ trợ và nâng mức hỗ trợ cho tất cả 50 triệu lao động ở khu vực phi chính thức. 

Tầng thứ 2 nên là bảo hiểm xã hội tự nguyện, đóng theo từng ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, ai đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, đóng cao hưởng cao, đóng ít hưởng ít. Tầng thứ 3 là bảo hiểm hưu trí bổ sung. Mọi người có nhu cầu, khả năng thì đóng bổ sung để khi về hưu họ sẽ được thêm thu nhập, thu nhập cao hơn.

* Ông H.L. (60 tuổi, ngụ TP.HCM - giáo viên về hưu Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM):

Giáo viên có thể tự nguyện kéo dài tuổi hưu

Chỉ tính theo thời gian nghỉ hưu cũ là 55 tuổi cho nữ, 60 tuổi cho nam thì quá trình đi dạy của giáo viên đã khoảng 30-38 năm. Đến tuổi 50-55 nhiều giáo viên đã bị sức ì, chậm chạp, lười cập nhật để bài giảng mới mẻ hơn nên kéo dài tuổi hưu thêm 2-5 năm nữa sẽ không chỉ là gánh nặng cho người giáo viên mà còn là thiệt thòi cho cả học sinh.

Giáo dục đang thay đổi rất nhanh về nội dung, phương pháp dạy học, lực lượng giáo viên trẻ cũng đang dồi dào, khả năng cập nhật, học hỏi các phương pháp giáo dục mới, áp dụng công nghệ vào giảng dạy... nhanh nhạy hơn thì kéo dài tuổi hưu của nhà giáo lại càng không nên. Tuy nhiên nhiều người đến tuổi về hưu có tích lũy, có điều kiện kinh tế và nhiều người vẫn còn phải lo toan, thiếu thốn đồng thời còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc. Nếu họ vẫn có thể đảm đương công việc, khi họ có nguyện vọng kéo dài thêm thời gian làm việc thì có thể xem xét.

* Ông Đỗ Ngọc Thọ (phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội VN):

Nên tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình - Ảnh 3.

Ông Đỗ Ngọc Thọ

Nghỉ hưu sớm sẽ lãng phí nguồn lực xã hội

Tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện nay là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, nhưng tuổi nghỉ hưu trung bình trong thực tế luôn thấp hơn tuổi quy định khoảng 3 tuổi, tức là tuổi nghỉ hưu trung bình của người lao động là nam chỉ 57 tuổi, còn nữ 52 tuổi.

Chúng ta luôn xác định bảo hiểm hưu trí là hưu trí khi già, ở tuổi 55 với nữ và 60 với nam tôi cho rằng vẫn đủ năng lực để làm việc, bên cạnh đó họ cũng có nhiều kinh nghiệm, việc nghỉ hưu sớm là lãng phí nguồn lực xã hội.

Tất nhiên việc kéo dài thời gian làm việc, xác định tuổi nghỉ hưu mới cũng một phần liên quan đến cân đối quỹ bảo hiểm y tế, nhưng mình đừng đặt ra vấn đề vỡ quỹ bảo hiểm nên phải tăng tuổi nghỉ hưu. Cho đến nay vì chưa có đầy đủ các công thức tính đầu vào, đầu ra của quỹ bảo hiểm xã hội, nên quỹ an toàn đến bao giờ cũng chưa có đầy đủ số liệu để tính toán một cách khoa học. Nhưng Luật bảo hiểm xã hội hiện hành quy định Nhà nước đảm bảo an toàn cho quỹ vì đây là trụ cột của an sinh xã hội.

Một vấn đề nữa là tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi đã được áp dụng từ năm 1961, cách đây gần 60 năm, khi đó tuổi thọ bình quân của người Việt thấp hơn nhiều chục tuổi so với hiện nay. Nay tuổi thọ bình quân được nâng cao, sức khỏe người dân được cải thiện, cộng với tình hình già hóa dân số..., xem xét lại tuổi nghỉ hưu cũng là phù hợp.

ĐỨC BÌNH - LAN ANH - VŨ THỦY ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp