Rời Việt Nam khi vẫn đang học tiểu học và trưởng thành ở Mỹ, Kendrick nói tiếng Việt vẫn rất lưu loát - Ảnh: NVCC
Nhiều năm nay, Kendrick trở thành gương mặt quen thuộc của Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TechFest do Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Anh cũng là một người khởi nghiệp mang một giấc mơ lớn với Republic (Republic.co): trở thành một unicorn - kỳ lân có vốn đầu tư tỉ đô và trở thành nền tảng dẫn đầu về gọi vốn cộng đồng.
Những công ty thành công thuộc về số đông
Rời vị trí luật sư trưởng của AngelList - một nền tảng đầu tư đứng sau 5 công ty "kỳ lân", trong đó có tên tuổi Uber, năm 2016 Kendrick đã đồng sáng lập một công ty khởi nghiệp - một quỹ đầu tư với nền tảng gọi vốn cộng đồng.
Republic tiên phong đưa ra hạn mức đầu tư nhỏ nhất so với hầu hết các nền tảng gọi vốn khác. Chỉ với 10 USD, bạn có thể tham gia đầu tư cho một công ty nào đó trên nền tảng này.
"Cách đầu tư trên sàn Republic chỉ đơn giản như mua một món đồ. Bạn thích một công nghệ nào đó, một công ty nào đó và tin rằng nó có thể thành công, bạn có thể đầu tư 10 USD, 20 USD bằng thẻ tín dụng.
Điểm khác biệt so với việc mua hàng là nếu công ty này thành công, 10 USD có thể thành 100 USD, 1.000 USD và thậm chí là hàng triệu USD như câu chuyện của Facebook hay Tesla… Nếu công ty thất bại thì bạn mất tiền, nhưng chia nhỏ rủi ro, vì số tiền không lớn", Kendrick chia sẻ.
Nhưng đây chỉ là "nghĩa đen" của từ Republic. Công ty đã gọi vốn 36 triệu đôla ngay trong vòng Series A tại Mỹ, phát triển thần tốc trong hơn một năm qua với việc thu hút hơn 300 triệu USD từ hơn 1 triệu nhà đầu tư có lẽ bởi những triết lý rất đẹp.
"Việc quyết định rằng công ty nào được chọn lựa để phát triển, kỹ nghệ nào sẽ có ích trong tương lai không còn là đặc quyền của một ngân hàng, một tỉ phú, một đế chế tài chính nữa mà là của số đông người dân", Kendrick chia sẻ.
Tương lai của đầu tư với 10 USD
"Gọi vốn cộng đồng sẽ là xu thế tất yếu. Tương lai của xã hội là mọi người đều sẽ là những người đầu tư, sở hữu một phần những dịch vụ, những sản phẩm mà chính họ cũng đang là khách hàng.
Chẳng hạn, bạn đầu tư vào một công ty như Uber thì bạn sẽ gọi xe của Uber, bạn là một người quan tâm đến môi trường và đầu tư vào một chuỗi cà phê sử dụng sản phẩm tái chế rồi trở thành khách hàng của quán cà phê đó…", Kendrick giải thích. Anh có niềm tin rằng đây là một thị trường chắc chắn sẽ mở rộng, kể cả không có nền tảng mà mình xây dựng.
"Khao khát của tôi là Republic sẽ trở thành một công ty dẫn đầu trong thị trường này. Sau 5 năm, nền tảng Republic đã có hơn 1 triệu người đăng ký đầu tư, gây vốn hơn 300 triệu USD vào hơn 300 công ty. Hi vọng vào thời điểm này năm sau (đầu tháng 4-2022), con số này sẽ là hơn 1 tỉ USD và sau 10 năm sẽ là trilion, một nghìn tỉ", anh kỳ vọng.
CEO Kendrick Nguyễn tại TECHFEST 2019 ở Việt Nam - Ảnh: NVCC
Hướng về Việt Nam
"Là người Mỹ mang dòng máu Việt nên tôi dễ dàng kết nối với quê hương. Hơn nữa Việt Nam đang trên đà phát triển, và tôi nhận thấy có nhiều chỗ mình có thể tham gia. Mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của đất nước là một chuyện rất tự nhiên", anh Kendrick chia sẻ.
Từ năm 2011-2012, anh tham gia giảng dạy tại Trường đại học Luật TP.HCM. Đến năm 2016 anh trở thành đại biểu thường xuyên của TechFest. "Sắp tới tôi đang tìm hiểu để có thể hỗ trợ một số startup tiềm năng của Việt Nam trên sàn Republic thông qua hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận VietChallenge", anh cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận