Sau 6 năm làm trung tâm ngoại ngữ và những tác động của đại dịch COVID-19 đã thôi thúc chàng thanh niên Hoàng Như Võ (34 tuổi, trú tại quận Hải An, TP Hải Phòng) triển khai mô hình học trực tuyến qua nền tảng website Tmarket, kết nối giáo viên và người học với nhiều khác biệt so với những nền tảng khác.
Người học được lựa chọn giáo viên ngoại ngữ
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về dự án Tmarket, Hoàng Như Võ cho biết ở giai đoạn đầu hiện nay, đây là website giúp kết nối người học với giáo viên tiếng Anh, mục tiêu là giải quyết những vấn đề của người học ngoại ngữ đang gặp phải đó là chi phí cao, địa điểm xa và phụ huynh thường phải mất thời gian đưa đón.
Ngoài ra, chương trình học cố định chưa theo người học và khó lựa chọn hay đổi giáo viên nếu thấy không phù hợp.
"Nếu trên sàn thương mại điện tử, bạn có thể lựa chọn sản phẩm yêu thích sau khi xem video, hình ảnh, giá cả, thông tin chi tiết về sản phẩm và cả những đánh giá, nhận xét của khách hàng từng mua thì với Tmarket bạn cũng có thể làm điều tương tự", Hoàng Như Võ chia sẻ.
Trên website https://tmarket.edu.vn/, người học có thể chủ động lựa chọn giáo viên phù hợp với nhu cầu sau khi đã xem tất cả thông tin ban đầu thông qua đoạn video giới thiệu để biết được ngoại hình và giọng nói giáo viên, xem đánh giá sao và nhận xét mà học viên cũ để lại.
Bên cạnh đó là số lượng bài học, học viên mà giáo viên đã dạy để biết được kinh nghiệm của giáo viên ra sao. Đặc biệt, người học có thể tự lựa chọn mức học phí, chương trình và thời gian muốn học để có thể đi đến quyết định học thử với giáo viên bất kỳ hoàn toàn miễn phí cho lần đầu.
"Khác biệt lớn nhất của Tmarket với những nền tảng trực tuyến khác là học viên được tiếp cận với rất nhiều giáo viên đến từ các quốc gia với mức học phí tiết kiệm hơn nhiều so với việc chuyển từ học offline sang trực tuyến nhưng do các trung tâm thực hiện" - Như Võ cho hay.
Anh Võ cho hay, chi phí học ngoại ngữ tại các trung tâm ngoại ngữ dao động trong khoảng 350.000 đồng/giờ, nhưng với nền tảng Tmarket thì cao nhất chỉ khoảng 100.000 đồng/giờ và có thể tiết kiệm thời gian học lên đến 50% so với học truyền thống, cải thiện nhanh vì được nói nhiều và được giáo viên tập trung sửa lỗi.
Trên nền tảng này, học viên học buổi nào mới thanh toán buổi đó, được đánh giá giáo viên sau buổi học và đổi giáo viên nếu thấy không phù hợp,... nên thường các giáo viên sẽ phải dạy một cách tâm huyết nhất nhằm "giữ chân" học viên cũng như nhận được những đánh giá tích cực.
Hướng tới nền tảng kết nối dạy và học đa ngôn ngữ
Nói về định hướng trong thời gian tới, Hoàng Như Võ cho biết hiện nay nền tảng Tmarket tập trung cho dạy và học tiếng Anh là chính, nên giáo viên chủ yếu là người dạy tiếng Anh.
Tuy nhiên, thời gian tới, ê kíp sẽ mở rộng thêm cả tiếng Trung, Nhật, Hàn... để những học viên và giáo viên có nhu cầu có thể kết nối với nhau.
Chia sẻ thêm về cách thức thu lợi nhuận của dự án, Võ cho biết nền tảng cũng sẽ cắt lại tỉ lệ (khoảng 25%) tiền mà giáo viên thu được sau mỗi buổi dạy.
"Thuận lợi của chúng tôi là trong hơn hai năm đại dịch COVID-19, mọi người đều đã trải nghiệm việc học online, đã sắm trang thiết bị cơ bản và thấy được lợi ích lớn nhất của học online là tiết kiệm thời gian đi lại.
Nhiệm vụ của chúng tôi là tối ưu, kết nối giúp người học tìm được giáo viên phù hợp nhất để có thể đạt hiệu quả học tập tốt nhất với một chi phí hợp lý" - Như Võ chia sẻ.
Trong định hình phát triển nền tảng, Như Võ cho biết sẽ không chỉ xây dựng tại Việt Nam mà mở rộng thêm thị trường quốc tế để người học ở những quốc gia khác trên thế giới cũng có thể tiếp cận với giáo viên giảng dạy loại ngôn ngữ mà mình muốn học.
Với những khác biệt, lợi ích và triển vọng phát triển, dự án Tmarket đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi "Ươm mầm khởi nghiệp Hải Phòng" năm 2022 do Thành Đoàn Hải Phòng chủ trì phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ, Hội Doanh nhân trẻ TP Hải Phòng tổ chức.
Gần 1.000 start-up tham gia Tuổi Trẻ Start-Up Award
Qua 4 mùa, Tuổi Trẻ Start-Up Award đã nhận được gần 1.000 start-up từ các kênh gởi về. Qua các vòng: sơ loại từ khâu nhận hồ sơ, vòng thẩm định và đi thực tế của phóng viên, vòng sơ kết của ban tổ chức, đã có hơn 200 start-up lọt vào vòng chung kết.
Ở 3 mùa giải trước, số lượng start-up xuất sắc đi đến vòng chung kết là 150. Trong đó, số lượng start-up tiêu biểu đã được vinh danh từ 3 mùa trước là 70, trong đó có 2 start-up được hội đồng thẩm định bình chọn thêm để trao giải đặc biệt, với giá trị 100 triệu đồng/giải.
Ngoài việc được trao hỗ trợ và được vinh danh trong gala, các start-up khi được đăng trên mặt báo cũng cho biết đã nhận được rất nhiều kết nối từ đối tác, khách hàng, đặc biệt là các nhà đầu tư...
Năm nay, sẽ có khoảng 25-30 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) từ tháng 3 đến tháng 5-2023. Ban tổ chức sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị, như: VinaCapital, FE Credit, No.1, Thái Bình Group, IDICo, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân Golf Thủ Đức..., trong đó tiếp tục có 1 suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn, trị giá 100 triệu đồng, từ GIBC.
Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đồng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: [email protected].
MINH HUỲNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận