Chiến sĩ mới lữ đoàn 957 Vùng 4 Hải quân ra thao trường huấn luyện - Ảnh: Quang Tiến |
Ủng hộ thay đổi
Tôi chỉ là một người dân bình thường mà đã nhìn thấy cái bất cập từ việc sửa đổi Luật NVQS mới: đòi hỏi công bằng nhưng không thể đáp ứng được hết số lượng người tham gia, sẽ dẫn tới tiêu cực nhiều hơn.
Những giải pháp của ông Lê Việt Trường đưa ra tôi thấy rất hợp lý, nhưng cần bổ sung một vấn đề là tiêu chuẩn tuyển công chức đối với nam cần có quy định phải “hoàn thành NVQS hoặc đã hoàn thành nghĩa vụ thay thế” để không cần giải quyết rắc rối về sau.
12 tháng là đủ
Tôi đồng ý với việc nên rút ngắn thời hạn NVQS xuống còn 12 tháng. Chỉ cần 12 tháng là người tân binh được huấn luyện đầy đủ kiến thức cơ bản rồi. Sau khi xuất ngũ, nếu có xảy ra chiến tranh thì những kiến thức đó giúp họ rất nhiều.
Như tôi đây trước năm 1975 vào bộ đội chỉ cần huấn luyện ba tháng bộ binh là đủ, còn nếu ở những binh chủng kỹ thuật thì thêm khoảng ba tháng nữa.
Nhiều điểm lợi
Tôi đồng ý với ông Lê Việt Trường là cần thay đổi tư duy về NVQS. Theo tôi, nên quy định thi hành NVQS từ 6-12 tháng và quy định nếu thanh niên nào chưa thi hành NVQS thì không được làm việc cho tất cả cơ quan nhà nước.
Quy định vậy sẽ có nhiều cái lợi: thời gian thi hành NVQS ngắn sẽ không ảnh hưởng đến việc học tập và công tác của người thi hành NVQS sau khi xuất ngũ; mọi thanh niên VN qua khóa NVQS sẽ có sức sống của người lính, sẽ thật sự mạnh mẽ, kỷ luật, nghị lực... và điều này sẽ giúp giảm tệ nạn xã hội; khi đất nước cần động viên chúng ta có lực lượng đông đảo đã qua huấn luyện, chỉ cần tập lại một thời gian ngắn là trở thành chiến sĩ giỏi.
Nói chung thời gian ngắn không ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống của người thi hành NVQS, nên đi NVQS trước hay sau đại học không quan trọng vì đi trước thì sau 6-12 tháng về học tiếp kiến thức vẫn còn tốt. Thời gian ngắn cũng sẽ nâng số lượng người thực hiện luật NVQS, xã hội sẽ không còn chạy chọt, tham nhũng trong quá trình tuyển quân.
Tôi sẽ tình nguyện
Chúng tôi sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ đối với đất nước. Nhà nước cần phải có chính sách phù hợp về thời gian để chúng tôi yên tâm và khi quay về có thể xây dựng cuộc sống cho bản thân, phụ giúp gia đình, đóng góp cho xã hội.
Nếu thật sự Chính phủ có thể làm được điều này trong thực hiện Luật NVQS: thời gian ngắn - quay vòng nhanh - đa dạng hình thức thì tuy là phận gái tôi vẫn tình nguyện dành một năm để thực hiện NVQS.
Cần sự mềm dẻo
Tại sao chúng ta không xây dựng một bộ luật mềm dẻo vừa có thể gọi hết tất cả thanh niên phải nhập ngũ, vừa đảm bảo được kinh phí cho quốc phòng?
Theo tôi, chúng ta cần thay đổi thời hạn nhập ngũ đối với từng loại đối tượng cụ thể, cũng như cần phải thay đổi các chính sách và các đãi ngộ cho quân nhân sau khi xuất ngũ, đồng thời áp dụng nghĩa vụ thay thế để có thể bù đắp cho kinh phí quốc phòng.
Để đạt được điều này thì Luật NVQS cần phải bổ sung một số nội dung như sau:
Thứ nhất, thời gian nhập ngũ cho từng đối tượng cụ thể. Nếu là sinh viên đã tốt nghiệp đại học hoặc học sinh thi đậu đại học (nhưng thực hiện NVQS trước) thì thời gian chỉ nên từ 6-9 tháng. Còn những thanh niên khác thì thời gian có thể từ 12-24 tháng (thời gian này sẽ do chính thanh niên thực hiện nghĩa vụ tự xác định), nếu như phục vụ lâu hơn thì quân đội cũng nên có chính sách giữ lại để xây dựng quân đội chuyên nghiệp.
Thứ hai, áp dụng nghĩa vụ thay thế trong thời gian thanh niên trong độ tuổi gọi nhập ngũ nhưng không thể thực hiện NVQS được (chỉ áp dụng cho học sinh, sinh viên) bằng việc đóng một khoản phí thường niên cho đến khi thực hiện xong nghĩa vụ thì số tiền này sẽ được trả lại. Như vậy Bộ Quốc phòng sẽ có một khoản tiền xoay vòng để phục vụ và xây dựng quân đội.
Thứ ba, chương trình huấn luyện cũng nên thay đổi, không nên đánh đồng mọi người như hiện nay. Những người có trình độ cao, nhận thức, hiểu biết sẽ khác những người có trình độ thấp, chương trình huấn luyện như hiện nay cũng không phù hợp cho loại đối tượng này.
Thứ tư, chính sách đãi ngộ cho quân nhân xuất ngũ nên thay đổi tùy từng loại đối tượng cụ thể. Chẳng hạn những người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng thì đâu cần thẻ học nghề.
Công khai để công bằng Là một cựu chiến binh tôi xin đóng góp một số giải pháp để bảo đảm công bằng trong tuyển quân hằng năm và nâng cao chất lượng quân nhân tại ngũ. Trước hết, cần rà soát lại toàn bộ gia đình hiện nay, nếu hộ gia đình chưa từng có người là quân nhân (hoặc công an) thì đưa vào đối tượng 1 xét tuyển tham gia NVQS. Sau đó, cần công khai danh sách thanh niên trong độ tuổi và thanh niên miễn NVQS với các lý do chính đáng đến tổ dân phố, thôn xóm, trong đó có công khai danh sách thanh niên miễn đi trong năm với các lý do chính đáng và dự kiến thời gian sẽ tham gia NVQS. Cũng cần căn cứ vào chỉ tiêu bổ sung quân nhân trong năm (thay thế hết hạn NVQS hoặc thêm bớt đơn vị quân đội trong tình hình mới), từ đó gia tăng tỉ lệ tuyển quân các thành phố, thị trấn và giảm tỉ lệ tuyển quân các vùng nông thôn, nhằm đưa tỉ lệ thanh niên con em nông thôn đi NVQS giảm xuống theo mong muốn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận