Nông dân trong mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đầu tiên ở An Giang đã có được niềm vui thu lãi tới 200% - Ảnh: Thanh Tú |
Là một người sống ở nông thôn, lớn lên và theo học đại học nhờ hạt lúa, củ khoai của ông bà và bố mẹ, tôi khát khao 20 năm tới Việt Nam có nền nông nghiệp hiện đại, được cơ khí hóa, tự động hóa, tin học hóa ở mức cao.
Khi ấy, nông dân Việt Nam sẽ không còn cảnh phải lội bùn cày ruộng, làm ăn manh mún nhỏ lẻ trong những thửa ruộng vài sào, không phải chịu cảnh nông sản bị ép giá, không phải xuất khẩu nông sản thô với giá bèo bọt...
Khát khao hiện đại hóa
Tôi khát khao trong 20 năm tới, nông dân Việt Nam sẽ ngồi trong phòng lạnh mát rượi để điều khiển các loại máy móc chạy ro ro trên những cánh đồng rộng hàng chục mẫu.
Việc làm đất, gieo hạt, làm cỏ, tưới nước, thu hoạch... đều có máy móc làm thay, hạn chế thấp nhất việc người dân phải lao động chân tay. Người nông dân sẽ đi ôtô từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, chủ động chở nông sản đến các chợ đầu mối, nhà máy, xí nghiệp chế biến nông sản... hạn chế tối đa việc bị ép giá.
Tôi khát khao mỗi tỉnh, thành sẽ có hàng trăm “green zone” (khu nông nghiệp xanh) với những khu nhà kính nhiều lớp.
Tại đó, người nông dân sẽ chủ động điều tiết việc tưới nước, cung cấp ánh sáng, phân bón... mà không phải phụ thuộc thời tiết, phải “trông trời trông đất trông mây” như ông cha thời kỳ trước.
Nông sản sẽ được các bà nội trợ đón nhận hào hứng về độ sạch, an toàn. Người dân sẽ không còn lo lắng về chuyện mua phải thực phẩm còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe nữa. Không những thế, nông sản Việt sẽ được xuất khẩu ra khắp thế giới, mang lại nguồn ngoại tệ để người nông dân có thể yên tâm sản xuất, tái đầu tư phát triển.
Nền nông nghiệp Việt Nam sẽ được ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất, vừa tăng năng suất vừa giảm phụ thuộc vào các loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Gia súc gia cầm được nuôi bằng những loại cám sạch để cho ra thực phẩm tươi ngon nhất.
Đồng thời, nông nghiệp còn được chuyên môn hóa sâu đến mức độ có thể áp dụng việc lấy năng lượng điện từ rễ cây, chạy máy phát điện...
Cần chiến lược và chính sách cụ thể
Để đến được nền nông nghiệp hiện đại, trước mắt Nhà nước cần có một chiến lược, một lộ trình dài hơi để phát triển nông nghiệp với những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn, chi tiết và cụ thể.
Ví dụ như năm năm tới sẽ gom được bao nhiêu mẫu ruộng, 10 năm tới nông nghiệp sẽ được hiện đại hóa bao nhiêu phần trăm... Điều tiên quyết là phải gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng và hình thành những định chế mới cho nông nghiệp.
Thứ hai, Nhà nước có những chính sách khuyến khích, ưu tiên cho nông dân, doanh nghiệp tham gia cơ giới hóa, tin học hóa nông nghiệp. Nhà nước sẽ giảm (hoặc miễn) thuế, tạo chính sách thông thoáng để gom những mảnh ruộng manh mún thành các cánh đồng lớn có thể áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại.
Nhà nước cũng có thể kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài tham gia quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo những hành lang cơ chế khuyến khích việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đẩy mạnh khâu chế biến nông sản cho nông dân.
Để ứng dụng thành công công nghệ thông tin vào nông nghiệp cần hội tụ đủ các yếu tố: bảo đảm kết cấu hạ tầng tốt; xây dựng được hệ thống thông tin nông nghiệp; đào tạo cho người dân biết khai thác hệ thống thông tin, biết truy cập, sử dụng máy tính, điện thoại di động và các ứng dụng phục vụ nông nghiệp phải có sự liên thông giữa các bộ, ngành.
Ba là, Nhà nước cần nhanh chóng thúc đẩy việc thành lập những trung tâm R&D (research and development) để nghiên cứu, phát triển các loại lương thực, thực phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở Việt Nam. Việc trồng cây gì, nuôi con gì sẽ phải được nghiên cứu, thử nghiệm một cách kỹ lưỡng.
Nông sản Việt sẽ có những mặt hàng chiến lược truyền thống như cà phê, cacao, vải thiều, nhãn lồng... được chế biến thành những sản phẩm có độ “tinh” cao, chất lượng tốt, sẽ thành biểu tượng của Việt Nam, nhưng cũng không loại trừ việc nhập các loại cây, con giống được dự đoán là sẽ “hot” trên thị trường thế giới để đưa về Việt Nam sản xuất.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học liên kết với nhau để mở các trung tâm đào tạo nông dân, thậm chí các cử nhân, thạc sĩ muốn tham gia hiện đại hóa nông nghiệp cũng được đưa về các trung tâm này để được đào tạo theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Bốn là, ngay từ bây giờ phải gửi nông dân, kỹ sư sang các nước có nền nông nghiệp phát triển như Israel, Úc, Nhật, các nước Tây Âu... để học tập những tiến bộ nhất của họ, rồi sau đó quay trở về tùy theo điều kiện của Việt Nam mà áp dụng.
Cuối cùng, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng phải được tạo điều kiện sao cho việc buôn bán được thông thoáng hơn. Các doanh nghiệp này sẽ có nhân viên trực 24/24 giờ để nhận đơn hàng từ các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ (có múi giờ lệch với nước ta). Nông sản phải hướng đến xuất khẩu là chính.
Đến ngày 8-6, ban tổ chức cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” (báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) đã nhận được thêm bài viết của các tác giả: Khánh Hưng, Huỳnh Công Phúc (bài 3), Phạm Nguyễn (bài 3), Trần Minh Hợp, Lê Phương Trí, Nguyễn Ngọc Hà (bài 2), Châu Thành Nghĩa (bài 2), Ngô Quang Thọ (TP.HCM), Yến Nguyệt, Cát Điểu, Nguyễn Văn Công (bài 2), Nguyễn Đức Thạc (2 bài), Nguyễn Nam Hải (Hà Nội), Nguyễn Thị Hồng Ngọc (Ninh Bình), Đỗ Đức Minh, Đỗ Minh Thuyết (Thanh Hóa), Tào Thị Thúy Mai, Trần Hoàng Đợi, Nguyễn Cương (Thừa Thiên - Huế), Phạm Được (Đà Nẵng), Nguyễn Hoàng Chương (bài 2), Trần Ngọc Thảo Vy (bài 2, Lâm Đồng), Lê Quang Thọ (Đắk Lắk), Lê Ngọc Tân (bài 3), Nguyễn Phi Hùng (Phú Yên), Lê Đức Bảo (bài 2, 3), Vương Trung Dũng (Khánh Hòa), Hoàng Quang Bá, Nguyễn Hữu Thi (Vũng Tàu), Bình Yên (Đồng Nai),Trần Quốc Cường, Nguyễn Văn Cường, Lê Ngọc Phương Thanh, Vinh Quang (Vĩnh Long), Nguyễn Thị Tuyết Mai, Đặng Duy Khôi, Huỳnh Văn Hoài (Cần Thơ), Nguyễn Quang Hòa (Đồng Tháp), Bùi Hoàng Nam (An Giang), Liên Tử Phong (bài 3, Trà Vinh), Ngô Hoài Nam, Nguyễn Kiều Oanh... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận