06/10/2013 06:30 GMT+7

Nên nhường đường cho người đi bộ

 AKIHIKO SAEKI (người Nhật, giám đốc Công ty du lịch Bloom-ing Vietnam) - LÊ NAM  ghi
 AKIHIKO SAEKI (người Nhật, giám đốc Công ty du lịch Bloom-ing Vietnam) - LÊ NAM  ghi

TT - Trong thời gian sống và làm việc ở Osaka, tôi thường xuyên di chuyển bằng xe máy nên gần bảy năm sinh sống ở VN tôi không bỡ ngỡ lắm khi lái xe trên đường.

Điều mà tôi nhận ra trong nhiều năm khi chạy xe trên đường phố TP.HCM là các bạn không có thói quen nhường đường, khoảng không trên vỉa hè, phần đường băng ngang cho người đi bộ.

RpaiUPj8.jpgPhóng to
Dẫu đi trên vạch trắng dành cho người đi bộ, nhưng du khách băng qua đường Tôn Đức Thắng từ công viên Bạch Đằng về phía trung tâm Q.1 (TP.HCM) phải giơ tay xin xe nhường đường cho họ (ảnh chụp chiều 4-10) - Ảnh: T.T.D.

Không chỉ ở Nhật mà ở nhiều nước khác, người đi bộ luôn được ưu tiên. Khi người đi bộ băng qua đường, ngoài tín hiệu đèn tại các cột tín hiệu giao thông còn có âm thanh để cảnh báo, nhắc nhở họ đã sắp hết thời gian băng qua đường.

Một khi người đi bộ từ vỉa hè đặt chân xuống lòng đường là tất cả các loại xe cộ đang lưu thông trên đường có hướng về người đi bộ đều phải ngừng hẳn lại và chờ cho người đi bộ bước lên vỉa hè mới được tiếp tục lăn bánh (chứ không phải khi người đi bộ qua đường, ôtô, xe máy vẫn cố chạy lên như ở VN).

Chúng tôi luôn được dạy rất kỹ cách nhường nhịn nhau khi lưu thông trên đường ngay từ khi bắt đầu học cách điều khiển những phương tiện giao thông đơn giản nhất là xe đạp đến phức tạp hơn chút nữa là xe máy hay ôtô...

Theo đó, người lái ôtô nhường cho người lái xe máy, người lái xe máy phải nhường người đi xe đạp, người đi xe đạp phải nhường người đi bộ.

Trong mọi trường hợp, người đi bộ luôn được ưu tiên, nhường nhịn. Trong khi đó ở VN, bất kể là người Việt hay người nước ngoài, đi bộ đúng phần đường, đi bộ trên vỉa hè cũng chẳng được nhường đường, ưu tiên mà ngược lại đôi khi còn bị cho là đang cản trở ai đó lưu thông, thậm chí là lưu thông ngược chiều trên vỉa hè!

XnB38KCW.jpg
Ông Akihiko Saeki - Ảnh: L.Nam

Chúng tôi rất đau lòng trước cái chết của chị Michiko do bị xe buýt cán ngay trên vạch trắng dành cho người đi bộ ở trạm xe buýt trung tâm TP.HCM (Tuổi Trẻ đã phản ánh).

Nhiều lần đứng bên bờ sông Sài Gòn nhìn đoàn du khách Nhật băng từ bên kia đường Nguyễn Huệ để sang bên này ăn tối trên các tàu nhà hàng đậu ở đây, tôi mới thấy họ sợ hãi việc băng qua đường như thế nào.

Cả đoàn người nắm chặt tay nhau do anh hướng dẫn viên dẫn qua đường trên khoảng vạch trắng dành cho người đi bộ, vậy mà những dòng ôtô, xe tải, xe buýt, xe máy... cứ thế lao đến, chẳng hề giảm tốc độ, thậm chí họ cứ lao đến sát người đi bộ rồi lạng qua… Nhiều du khách vừa đi vừa đặt tay lên ngực, chân thì cứ ríu lại... Chỉ băng được qua đường mà như họ vừa thoát khỏi bờ vực thẳm vậy!

Tôi lái xe máy trên đường ở TP.HCM nhiều khi cũng bị xe máy, ôtô và cả xe buýt phía sau bóp kèn inh ỏi kiểu như ra lệnh: “đường này là của tôi, hãy tránh ra!”. Tôi thấy ai cũng muốn người khác phải nhường cho mình và chỉ có họ mới có việc quan trọng cần phải di chuyển thật nhanh. Nhiều lần tôi còn thấy xe buýt chạy rất ẩu, ép các loại xe khác để chạy cho được việc của mình.

Tôi thấy xe máy là phương tiện giao thông chính ở các tỉnh, thành của VN nhưng việc thi lấy bằng lái xe máy ở VN quá dễ dàng. Quá trình học để thi cũng không nghiêm túc nên đã không xây dựng được ý thức chuẩn về an toàn giao thông cho người lái xe.

Về lâu dài, các thành phố lớn ở VN phải có nhiều phương tiện giao thông công cộng để người dân có cơ hội lựa chọn cho mình loại phương tiện giao thông an toàn nhất và giảm lượng xe máy lưu thông trên đường.

Cẩm nang đi lại ở Việt Nam

Du khách Nhật đến VN ai cũng cầm một quyển hướng dẫn du lịch VN rất chi tiết về những điều nên và không nên làm khi ở VN. Trong đó, chú trọng đến việc đi lại ở các thành phố như TP.HCM hay Hà Nội. Du khách Nhật sang VN đều học thuộc lòng những căn dặn trong cuốn sách hướng dẫn này: khi đi xuống lòng đường, băng qua đường phải đặc biệt tập trung, quan sát, phán đoán hướng xe đi và tốc độ di chuyển của xe để chuẩn bị phương án né xe. Nếu bạn cảm thấy không an toàn thì không băng qua đường cho dù đang là đèn bật lên ưu tiên cho hướng mình băng qua đường. Tuyệt đối không được chạy băng ngang đường cho dù là đang đi trên phần đường có vạch trắng dành riêng cho người đi bộ vì chẳng có ai tránh bạn cả.

* Người Nhật đi đường cẩn thận lắm. Tôi từng đi chung với nhiều đối tác Nhật khi qua đường. Họ ngó trước ngó sau, nơi đèn xanh đèn đỏ, dù đang là đèn xanh cho phép họ đi. Họ sợ giao thông của Việt Nam. Họ lắc đầu khi thấy người ta chen lấn, vượt ẩu chỉ với mấy giây đèn vàng.

Trần Dung (kimdung264@...)

* Những vạch trắng trên đường để ưu tiên cho người đi bộ hình như chẳng mấy ai để ý, kể cả người đi bộ. Bằng chứng là rất nhiều người đi bộ băng ngang đường chỉ cách đó chừng mấy mét. Xe cộ thì cứ chạy vô tư không hề thay đổi tốc độ mặc dù trước mặt có người đi bộ đúng luật. Bản thân tôi nhiều lúc qua đường đúng chỗ còn phải đợi lúc vắng xe và có lần còn phải kiếm khúc cây hoặc cái gì đó khua lên cho xe cộ khỏi lao vào mình...

Ngô Văn Minh (ngovanminh58@...)

 AKIHIKO SAEKI (người Nhật, giám đốc Công ty du lịch Bloom-ing Vietnam) - LÊ NAM  ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp