Hai em Nguyễn Bảo Châu và Nguyễn Quốc Đạt (trú tổ 13, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) được mẹ và bà nội cho mặc thử bộ đồng phục năm học mới. Cha mẹ hai em đều là công nhân lao động đang thất nghiệp do ảnh hưởng dịch COVID-19 - Ảnh: TẤN LỰC
Bàn đến chuyện cần miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên, chia sẻ một phần gánh nặng cho các bậc phụ huynh lúc này, nhiều người còn cảm thấy không chỉ là chuyện giảm nỗi lo vật chất mà trong đó, ý nghĩa của sự động viên còn giá trị hơn rất nhiều.
Ai cũng khó khăn
Ngày nhập học càng đến gần cũng là lúc những phụ huynh của sinh viên ở vùng dịch căng mình chạy vạy khắp nơi để chuẩn bị cho con cái nhập học. Kinh doanh trong mùa dịch đã khó, nay con cái sắp trở lại các trường khiến túi tiền của nhiều phụ huynh ngày một eo hẹp hơn.
Bà Nguyễn Thị Yên (56 tuổi, xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) cho biết thường ngày ngoài việc làm nông bà còn đi làm thuê để nuôi các con đi học. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, bà gần như mất việc, chẳng ai thuê bà làm đồng hay phụ quán ăn nữa. "Chủ vườn làm ra sản phẩm bán cũng khó, còn quán xá thì đóng cửa quá lâu chịu áp lực mặt bằng, vắng khách nên chẳng ai thuê nữa".
Mất đi công việc làm thuê, bà Yên chỉ còn trông chờ vào hai sào ruộng và một sào đất màu. Nhưng lúa, bắp cần đến thời vụ nên thời gian qua bà loay hoay không biết kiếm đâu ra tiền trong khi năm học mới sắp đến, con gái bà chuẩn bị bước vào năm thứ 3 ĐH.
"Con gái tôi rất chịu khó làm thêm ở TP.HCM nhưng thời gian qua cháu cũng mất việc phụ quán cà phê, giờ không biết kiếm đâu ra tiền đóng học phí chứ chưa nói đến sinh hoạt phí" - bà Yên tâm sự.
Những người lao động phổ thông như bà Yên, gặp mùa dịch gần như mất việc, hiếm hoi lắm mới được thuê, số tiền chẳng đủ chi tiêu cho sinh hoạt đơn sơ trong gia đình nên dễ hiểu học phí bỗng trở thành áp lực quá lớn. "Nếu được miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên đến từ vùng dịch thì hay quá. Đối với tôi học phí cho các con là điều lo lắng nhất vào lúc này" - bà Yên nói thêm.
Tại Quảng Nam, trong một tháng dịch COVID-19 vừa qua đã thực hiện cách ly 6 địa phương và tạm dừng nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ để phòng chống dịch, cuộc sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Người lao động ở đô thị mất việc làm, nông dân ở quê thì làm ra sản phẩm không bán được, người bán vé số, hàng rong cũng chung cảnh ngộ.
Ông Lê Thanh Sơn (46 tuổi, trú huyện Thăng Bình), một người bán vé số, cho biết cả tháng nay hoạt động bán vé số bị tạm dừng nên cuộc sống của gia đình ông thêm nhiều khó khăn. Nguồn thu nhập chính từ việc bán vé số không có, trong khi hai vợ chồng nuôi hai đứa con (một tiểu học, một THCS).
"Chuyện đóng học phí sắp tới là điều trăn trở với hai vợ chồng bởi cả tháng nay có làm gì ra tiền đâu. Vợ chồng tôi mong có phương án miễn giảm, hỗ trợ học phí cho con em chúng tôi" - ông Sơn than thở.
Bà Nguyễn Thị Chính (45 tuổi, trú thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cũng cho biết cả tháng nay hai vợ chồng đều mất việc làm không có thu nhập, cuộc sống rơi vào chật vật, trong khi có hai đứa con đang đi học.
"Năm nay dịch liên tục kéo dài, những người lao động như chúng tôi rơi vào cảnh khó khăn, mất việc làm. Mong sao có chính sách gì hỗ trợ học phí cho con em, để chúng tôi vượt qua khó khăn lúc này" - bà Chính nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị P. - tiểu thương bán áo quần tại chợ thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) - nói rằng đang cố gắng vay mượn người thân để đủ tiền nhập học cho cậu con trai là sinh viên năm 3 của một trường ĐH ở Huế.
Từ ngày tỉnh Quảng Trị ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại huyện Vĩnh Linh, bà P. nghỉ bán hàng ở chợ vì sợ nguy cơ lây nhiễm. Tiền hàng bán vải vay mượn từ bữa tết đến nay vẫn chưa trả xong, bây giờ lại gánh thêm khoản tiền cho con trai quay lại trường khiến bà P. chưa biết phải xoay ở đâu.
"Mùa dịch buôn bán khó khăn là vậy nhưng vẫn phải cố vay mượn tiền cho cháu nó nhập học. Hết dịch ổn định rồi trả lại sau. Nếu các trường ĐH mà miễn được ít tiền học phí cho cháu thì hay biết mấy vì ai cũng khó khăn trong giai đoạn này" - bà P. nói.
Từ ngày có dịch bệnh, bà Yên (trái) mất việc làm thêm, mọi thu nhập dựa vào hai sào lúa, một sào hoa màu - Ảnh: TRẦN MAI
Giảm học phí là việc nhân văn
Thầy Trần Quang - nguyên hiệu trưởng Trường THCS Hành Minh (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) - cho biết không chỉ giảm mà trong tình hình hiện tại, cần phải miễn hoàn toàn học phí cho nhiều học sinh.
"Khi tôi còn làm hiệu trưởng, mỗi học sinh Trường THCS Hành Minh nộp học phí khoảng 450.000 đồng/năm. Trừ học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn lại khoảng 250 học sinh trong diện nộp học phí, số tiền thu được khoảng 120 triệu đồng. Số tiền này cũng không giải quyết được gì nhiều cho công tác giáo dục tại trường. Tôi nghĩ cần miễn giảm học phí vì đây là việc làm nhân văn, là nguồn động viên lớn cho phụ huynh và học sinh" - thầy Quang nói.
Cũng theo thầy Quang, không chỉ miễn giảm học phí mà các trường còn bỏ luôn các khoản thu tự nguyện như quỹ đoàn, quỹ hội... Phần lớn các khoản thu này phục vụ cho các sự kiện liên hoan, văn nghệ...
Còn ông Đỗ Văn Phu - giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi - cho rằng việc miễn giảm học phí cho học sinh trong vùng có dịch là việc nên làm bởi có một bộ phận phụ huynh lao động phổ thông có hoàn cảnh khó khăn nay càng khó khăn hơn. Hiện sở đang nghiên cứu đề xuất UBND trình HĐND tỉnh xem xét.
"Lâu nay, số tiền thu từ học phí cũng không nhiều, các trường sử dụng vào việc chi trả một phần tiền lương cho giáo viên. Không thu học phí là việc nên làm nhưng cần có quyết định chung để tính toán bổ sung khoản tiền khác trả lương cho giáo viên, tránh để các trường bị động khi miễn giảm học phí" - ông Phu nói.
Trong khi đó, một lãnh đạo HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho biết đang tính toán đến vấn đề này. Sở GD-ĐT và UBND tỉnh cần có tờ trình gửi HĐND để nhanh chóng xem xét thông qua việc miễn giảm học phí trong thời điểm dịch bệnh.
Tại Quảng Nam, ông Trần Văn Tân - phó chủ tịch UBND tỉnh - cũng cho biết đã nắm bắt được tình hình khó khăn của người dân trong đợt dịch COVID-19 lần này, ngày 26-8 tỉnh Quảng Nam đã họp bàn về chính sách hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non, học sinh THCS, THPT có hoàn cảnh khó khăn trong năm học 2020 - 2021.
Sau khi nghe những đề xuất của các ban ngành, ông đã giao Sở GD-ĐT tiếp thu ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành tại cuộc họp, khẩn trương chỉnh sửa đề án hỗ trợ học phí đối với học sinh theo hai phương án cụ thể.
Hai em Nguyễn Bảo Châu và Nguyễn Quốc Đạt - trú tổ 13, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng - khoe tập sách vở năm học mới cùng bà nội - Ảnh: TẤN LỰC
Các trường cũng nên miễn giảm
Ông Võ Khoa Nguyên - chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng - cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi năm học mới đang cận kề, nên có các chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên.
"Với học sinh, TP đã có chính sách hỗ trợ 4 tháng học phí cho các em, còn với sinh viên các trường cũng nên miễn, giảm học phí để các em và gia đình đỡ vất vả hơn. Các trường nên có chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên tối thiểu được một học kỳ thì tốt, bởi khi gia đình và các sinh viên đi làm thêm trở lại sẽ có kinh phí để đóng học kỳ tiếp theo" - ông Nguyên đề xuất. (Đ.CƯỜNG)
Bà Lê Thị Hương - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị - cho biết chính quyền tỉnh cũng hiểu được khó khăn của người dân nhưng hiện tỉnh mới chỉ có kế hoạch hỗ trợ các gia đình khó khăn chung sau đợt dịch trước. Để hỗ trợ học sinh, sinh viên, trước mắt tỉnh đã có chủ trương giữ nguyên mức học phí như những năm trước.
"Nếu theo nghị định 86 của Chính phủ thì đúng ra năm nay tỉnh sẽ phải điều chỉnh tăng học phí theo biến động chỉ số tiêu dùng nhưng tình hình quá khó khăn, nên phải giãn ra để cuộc sống người dân ổn định đã" - bà Hương cho biết. (Q.NAM)
Miễn giảm ra sao?
Hai bạn Phạm Quế Chi (trái) và Ngô Thu Hà - quê Đắk Lắk, sinh viên một trường ĐH tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng - bị kẹt lại khu trọ và phải học qua mạng - Ảnh: TẤN LỰC
Tỉnh Quảng Nam: 2 phương án
* Phương án 1: Hỗ trợ 100% học phí trong 4 tháng (từ tháng 9 - 12) của năm học 2020 - 2021 đối với trẻ mầm non, học sinh THCS, THPT công lập, ngoài công lập tại 6 huyện miền núi cao (Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn) và đối với trẻ mầm non, học sinh THCS, THPT công lập, ngoài công lập có hoàn cảnh khó khăn (hộ cận nghèo và hộ gia đình khó khăn được hỗ trợ theo nghị quyết số 42 của Chính phủ) của các huyện, thị xã, thành phố còn lại.
* Phương án 2: Hỗ trợ 100% học phí trong 4 tháng (9 - 12) của năm học 2020 - 2021 đối với trẻ mầm non, học sinh THCS, THPT công lập, ngoài công lập trên địa bàn tỉnh trừ trường hợp các em có cha hoặc mẹ đang được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
"Tỉnh đã đề nghị sau khi xây dựng đề án theo hai phương án nêu trên, Sở GD-ĐT gửi trực tiếp để lấy ý kiến của các sở. Sau đó tiếp tục hoàn thiện đề án, gửi lấy ý kiến thành viên UBND tỉnh và tổng hợp hồ sơ, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 3-9 để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định" - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay.
Đà Nẵng: hỗ trợ 100% trong 4 tháng
Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết đã có công văn gửi các đơn vị liên quan thực hiện các khoản thu, giá dịch vụ và thực hiện công khai các nội dung trong năm học 2020 - 2021. HĐND TP đã ban hành nghị quyết, trong đó thống nhất theo đề xuất của UBND TP về hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non và học sinh THCS, THPT trong 4 tháng học kỳ 1 của năm học 2020 - 2021.
Theo đó, hỗ trợ 100% học phí theo mức thu học phí công lập năm học 2020 - 2021 (theo mức thu tại nghị quyết số 304 của HĐND). Đối tượng áp dụng: trẻ mầm non, học sinh các trường THCS, THPT công lập; trẻ mầm non, học sinh các trường THCS, THPT ngoài công lập. Không áp dụng đối với trẻ mầm non thuộc cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài và học sinh THCS, THPT của các cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài. Dự kiến kinh phí hỗ trợ học phí là gần 38,3 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách TP.
Sở GD-ĐT cũng có hướng dẫn mức thu học phí giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập từ tháng 1 đến tháng 5-2021 (5 tháng) theo nghị quyết số 304 của HĐND TP Đà Nẵng theo từng vùng trên địa bàn.
ĐH Đà Nẵng: giảm học phí chung, hỗ trợ sinh viên khó khăn
ĐH Đà Nẵng cho biết các trường thành viên, đơn vị trực thuộc chuẩn bị sẵn sàng triển khai các chương trình hỗ trợ cho sinh viên ở vùng dịch để chia sẻ với những khó khăn của sinh viên. Theo PGS.TS Lê Văn Huy - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, nhằm chia sẻ, hỗ trợ sinh viên, nhất là tân sinh viên vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19, nhà trường giảm học phí học kỳ 1 năm học 2020 - 2021 (5%) cho sinh viên.
Đồng thời triển khai gói hỗ trợ (lần 2) đối với sinh viên chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng kinh phí gần 4 tỉ đồng. Trung tâm đào tạo thường xuyên của ĐH Đà Nẵng hiện đã triển khai chính sách hỗ trợ 20% học phí cho một số đối tượng học viên gặp khó khăn.
GS.TS Trần Văn Nam - nguyên giám đốc ĐH Đà Nẵng - chia sẻ rằng các trường ĐH, CĐ cần có chính sách miễn, giảm học phí hoặc có sự hỗ trợ cho các sinh viên ở vùng dịch, cùng với các chương trình thường niên như học bổng của nhà trường, doanh nghiệp... Những hỗ trợ này sẽ giúp sinh viên, gia đình đỡ gánh nặng và vững tin vào con đường học hành. (L.TRUNG - Đ.CƯỜNG)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận