Phóng to |
Tôi mất tự tin sau nhiều lần phỏng vấn không thành công - Ảnh: samarthjobs.in |
Công việc lâu dài nhất của em là thanh toán quốc tế ở một ngân hàng (2 năm). Mặc dù thích kiến thức về thanh toán quốc tế và cũng rất nhanh tiếp thu trong lĩnh vực này, em thấy mình không phù hợp vì công việc đòi hỏi tính cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác rất cao. Vì vậy trong quá trình làm việc, em cảm thấy rất mệt mỏi vì luôn cố gắng ép mình tỉ mỉ, có lẽ vì thế nên em rất hay bị sai trong giao dịch.
Ở cấp III em học chuyên văn, có khả năng viết tốt, giao tiếp tốt. Tính cách em hướng ngoại, em muốn làm những công việc giao tiếp, tiếp xúc nhiều hơn. Em đã đi học thêm về marketing và PR, và đã tìm một công việc khác về marketing ở ngân hàng, nhưng thấy mình cũng không phù hợp (em được giao rất ít việc, chỉ làm khảo sát thông tin, rất thủ công và không chuyên nghiệp).
Em lại đi xin việc thanh toán quốc tế. Em định hướng sẽ làm thanh toán quốc tế, đi học cao học và sau này sẽ dạy về ngành này. Nhưng em mới làm 7 tháng đã thấy mọi thứ rất tệ, cả về công việc lẫn môi trường, em trở nên thụ động và rất mệt mỏi.
Em tiếp tục đi phỏng vấn một số nơi về thanh toán quốc tế, tuy nhiên nơi thì không trả được mức lương mà em mong muốn, nơi thì em chưa đạt đủ kiến thức... Em cảm thấy rất thất vọng về bản thân mình.
Hiện em đang trong tình trạng mất phương hướng. Xin anh chị cho em lời khuyên!
(quyendo062@)
- Chào bạn. Tình trạng sinh viên mới ra trường thay đổi qua nhiều công việc nhưng vẫn chưa tìm được công việc nào là phù hợp cho mình trong vòng vài năm đầu là rất phổ biến, nên bạn cũng đừng vì thế mà quá lo lắng, đâm ra mất tự tin. Hơn lúc nào hết, bạn cần bình tĩnh lại và sáng suốt nhìn nhận về bản thân để tìm hướng đi đúng đắn cho mình.
Qua phần tự thuật của bạn, tôi thấy bạn hiểu khá rõ về bản thân mình, những điểm mạnh và điểm yếu, cụ thể như:
- Điểm yếu: thiếu kiên nhẫn, chi tiết, thiếu tính cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác, rất hay bị sai trong giao dịch.
- Điểm mạnh: thích và học hỏi tìm hiểu nhanh các kiến thức về thanh toán quốc tế, từng học chuyên văn, có khả năng viết tốt, có khiếu giao tiếp, tính cách hướng ngoại, thích những công việc giao tiếp, tiếp xúc.
Tuy nhiên tôi nhận thấy trong quá trình làm việc vừa qua, bạn có một số quan niệm chưa đúng như:
- Thử nhiều việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng không việc gì kiên nhẫn trụ lại hơn 2 tháng. Sự thay đổi quá nhanh đó đồng nghĩa với sự đầu hàng và chấp nhận bỏ cuộc sớm trước khi chứng minh được năng lực và bản lĩnh vượt khó của mình, khiến bạn dần dần tự thấy dường như mình không làm được điều gì thành công nên đâm ra mất tự tin vào chính mình.
- Bạn có phần thích công việc thanh toán quốc tế nhưng lại thấy mình có một số điểm yếu để thành công trong lĩnh vực này và vội vàng bỏ cuộc, thay vì cố gắng rèn luyện những đức tính cần thiết để đáp ứng được tốt hơn công việc này.
- Bạn có năng khiếu về viết và giao tiếp nên chuyển sang marketing nhưng lại chê công việc khởi đầu là thủ công và không chuyên nghiệp. Thật ra tất cả các ngành nghề đều phải bắt đầu từ những công việc nhỏ, thô sơ, đơn giản nhưng bạn phải làm thật tốt những việc đó thì mới được tin tưởng giao cho những việc khó hơn, thử thách hơn, quan trọng hơn.
Bạn đừng tưởng là bạn phải làm những việc đơn giản đó cả đời mà phải nghĩ rằng có rất nhiều việc thú vị đang chờ mình chinh phục, mà trước hết mình phải cố gắng làm thật tốt từ những việc nhỏ mới có thể làm việc lớn được.
- Khi đi tìm việc, bạn chưa biết mình thật sự muốn gì, yêu cầu mức lương cao đối với những việc có yêu cầu thấp, hoặc ứng tuyển vào công việc yêu cầu cao hơn năng lực có thể đáp ứng thì đương nhiên bạn không được chọn. Bạn không nên một lúc đòi hỏi nhiều thứ để cuối cùng không đạt được gì cả. Để đạt được một điều gì đó cần có sự đánh đổi và hi sinh để đầu tư cho sự phát triển trong dài hạn.
Do đó bạn cần phải vạch rõ mục tiêu trước mắt của mình theo thứ tự ưu tiên. Đối với sinh viên mới ra trường, thông thường mục tiêu ban đầu sẽ như sau:
1. Tìm được việc phù hợp với sở thích và sở trường.
2. Có cơ hội học hỏi rèn luyện để phát triển xa hơn trong nghề nghiệp.
3. Mức lương và điều kiện làm việc tương xứng với năng lực.
Ngay bây giờ bạn nên chấm dứt ngay những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và tiếc nuối về những gì đã qua. Thử bắt tay ngay vào việc tìm công việc phù hợp với thế mạnh của mình và điểm yếu của mình không phải là yêu cầu quá thiết yếu của công việc đó. Dĩ nhiên không có sự phù hợp tuyệt đối và từ đó tự điều chỉnh bản thân để phù hợp với yêu cầu công việc.
Khi tìm được công việc phù hợp, bạn cần tập trung cao độ vào công việc, không tự đặt quá nhiều câu hỏi làm mình sao lãng công việc, đừng suy nghĩ quá nhiều về điều kiện làm việc, lương bổng mà hãy dấn thân vào làm việc, trải nghiệm, chinh phục thử thách để học hỏi càng nhiều càng tốt, chứng minh bằng được năng lực của mình, từ đó bạn mới lấy lại được sự tự tin.
Một khi năng lực của bạn được đánh giá cao, bạn có được sự tự tin vào chính mình, tự khắc những cơ hội phát triển cao hơn sẽ đến với bạn cùng với những sự tưởng thưởng xứng đáng.
Bạn cần lưu ý công việc càng khó khăn thì càng tạo cho bạn nhiều cơ hội học hỏi, rèn luyện để hoàn thiện bản thân. Bạn thất bại càng nhiều thì rút được càng nhiều bài học kinh nghiệm để tránh được những sai lầm lớn hơn sau này.
Chính những trải nghiệm đó là những giá trị thực mà bạn gặt hái được sẽ nâng cao giá trị con người bạn và giúp bạn vững vàng hơn trong cuộc sống. Những giá trị đó đáng giá hơn rất nhiều so với phần lương bổng mà bạn nhận được hằng tháng, đó chính là sự đầu tư thích đáng cho sự phát triển nghề nghiệp sau này.
Chúc bạn sớm vượt qua tình trạng hiện tại và gặt hái nhiều thành công!
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: [email protected] Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận