Tuy nhiên, chặng đường chuyển dịch thành công sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược chuyển đổi số của Chính phủ và sự tham gia của các doanh nghiệp.
5G tại Việt Nam không chỉ là data
Khác với 2G, 3G hay 4G, 5G không chỉ là thế hệ mạng di động thứ 5 hoặc hệ thống không dây thứ 5. Cuộc thử nghiệm kỹ thuật cuộc gọi 5G đầu tiên của Viettel tại Việt Nam được xem là chìa khóa để nhà cung cấp dịch vụ này bước đầu mở cánh cửa kết nối đi vào thế giới công nghệ 4.0. Cơ hội mở ra với các giải pháp vạn vật kết nối Internet (IoT) khi toàn bộ thiết bị gia dụng, hệ thống an ninh, thiết bị theo dõi sức khỏe, khóa cửa, xe hơi và thiết bị đeo… đều được kết nối với nhau và trở thành các thuê bao. Tất cả vẫn chỉ là phần nền tảng. Để giá trị công nghệ thực sự phục vụ người dân và trở thành động lực Việt Nam phát triển bùng nổ, việc phổ cập hóa phụ thuộc hoàn toàn vào chiến lược số hóa dịch vụ của xã hội, xuyên suốt từ Chính phủ đến các doanh nghiệp để tạo thành một hệ sinh thái hiện đại. Trong đó các dịch vụ về media, Fintec, ứng dụng Blockchain, Cloud, Big Data, AI… sẽ giải quyết từng bài toán cho từng nhóm người dùng cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ. Mục tiêu được đưa ra khá rõ, các nhà cung cấp như Viettel không chỉ cung cấp kết nối data mà còn cung cấp được các dịch vụ, sản phẩm số trên nền tảng 5G. "Thực chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đều phải dựa trên nền tảng viễn thông và công nghệ thông tin. Chính vì vậy, chúng ta cần có một hạ tầng viễn thông tiên tiến nhất. Bên cạnh việc có một mạng lưới 4G lớn nhất, phủ sóng toàn quốc, một hạ tầng mạng lõi và truyền dẫn được ảo hóa, Viettel sẽ sớm chú trọng xây dựng mạng 5G để đáp ứng các ứng dụng thời gian thực, độ phân giải siêu cao và các kết nối IoT độ trễ siêu nhỏ" - ông Lê Đăng Dũng, quyền chủ tịch Tập đoàn Viettel, cho hay.
Theo lãnh đạo Viettel, 5G đang được đơn vị xác định là xương sống trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Với mục tiêu Việt Nam không thể bị động ngồi chờ 5G được triển khai thành công trên thế giới thì mới bắt tay vào việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ số. Với việc nhận sứ mệnh tiên phong, Viettel tiến hành song song vừa nghiên cứu phát triển 5G vừa sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ với nhận định nếu không đi trước, Việt Nam sẽ lại đi sau thế giới một nhịp là 5-10 năm.
"Do đó, Viettel bước đầu phát triển mạnh các nền tảng cơ bản và các hệ sinh thái để chuẩn bị cho cuộc chuyển đổi số với những lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), mạng lưới vạn vật kết nối (IoT), VR cùng với việc xây dựng lực lượng an ninh mạng đủ mạnh để bảo vệ các tổ chức, cá nhân an toàn trên không gian mạng", đại diện Viettel chia sẻ.
Viettel hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số
Cũng theo đại diện Viettel, 2G, 3G và 4G đến nay các nhà cung cấp dịch vụ đã được chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm, nhưng 5G thì không. 5G hoàn toàn mới với thế giới, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Vì vậy, để triển khai tầm nhìn "kiến tạo số" trong cuộc cách mạng 4.0 cần phải có môi trường 5G để thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ. "Hiện chuẩn 5G cũng chưa được thiết lập, thiết bị 5G cũng rất hiếm hoi. Khi thử nghiệm cuộc gọi 5G, chúng tôi đã rất khó khăn để mượn/ mua được các thiết bị đầu cuối 5G. Điều đó cũng nói lên rằng các sản phẩm, dịch vụ của Viettel muốn triển khai thành công để phục vụ kiến tạo xã hội số thì phải có nền tảng 5G thử nghiệm. Tức là sản phẩm, dịch vụ số Viettel không còn ở trong phòng thí nghiệm mà sớm được thử nghiệm thực tế trước khi ứng dụng vào cuộc sống".
Trong chiến lược tiên phong trở thành nhà cung cấp dịch vụ số, đến nay Viettel đã phát triển hàng loạt sản phẩm, dịch vụ độc đáo, thể hiện được sứ mệnh tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Viettel đã mở rộng các trung tâm dữ liệu điện toán đám mây, nghiên cứu thiết bị 5G, thử nghiệm thành công NB-IoT. Hay hệ thống sản phẩm, ứng dụng của Viettel được thiết kế cho người dùng, doanh nghiệp đến Chính phủ như hệ thống trực canh phát tin cảnh báo thiên tai được thiết kế theo hướng chuyển đổi hình thức thông tin cảnh báo từ phương thức truyền thống sang công nghệ số, nền tảng xây dựng chatbot (CyberBot), ứng dụng chuyển phát nhanh, Trung tâm điều hành thành phố thông minh, dịch vụ truyền tin cảnh báo… Tất cả là bước đi quan trọng để Viettel chuyển mình trở thành nhà cung cấp dịch vụ số.
"Với vị thế doanh nghiệp dẫn dắt và kiến tạo xã hội, Viettel đã sẵn sàng cho nhiệm vụ thiết lập những hệ thống ứng dụng, nền tảng của xã hội số để con người, doanh nghiệp và Chính phủ được kết nối với nhau, các thiết bị số hóa được kết nối với nhau. Viettel đã sẵn sàng về hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ để đưa Việt Nam bước nhanh vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Viettel cam kết sử dụng nội lực cùng với các doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện thành công cuộc cách mạng 4.0 tại Việt Nam" - ông Lê Đăng Dũng, quyền chủ tịch Tập đoàn Viettel, cho biết.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Viettel, giấc mơ về xã hội số Việt Nam trong tương lai sẽ chỉ hiện thực hóa nếu có được một môi trường pháp lý đầy đủ và khả thi song hành với sự chuẩn bị về hạ tầng, công nghệ, dịch vụ, sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia đầu tư, triển khai 5G. Lãnh đạo Viettel chia sẻ người dân và xã hội sẵn sàng và nhanh chóng thích nghi, tận dụng các ứng dụng số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận