05/08/2023 09:55 GMT+7

Nền kinh tế đối diện nhiều thách thức, khó khăn bủa vây doanh nghiệp

Sáng 5-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2023, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ - Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nêu rõ trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Những thách thức lớn từ bên ngoài tác động đến Việt Nam

Trên thế giới, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng… Lạm phát trên thế giới có thể đã qua đỉnh nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Áp lực nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản vẫn còn cao tại một số quốc gia.

Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ ra việc xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu khi Nga, Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực trong nước, ảnh hưởng đến nguồn cung gạo trên thế giới.

Nguồn cung dầu thô tiếp tục bị thu hẹp, đẩy giá dầu tăng cao nhất kể từ tháng 4-2023. Biến đổi khí hậu, tình trạng thời tiết cực đoan diễn ra ở nhiều nơi, hạn hán kéo dài trên phạm vi rộng, bão lũ, thiên tai tại nhiều quốc gia.

Theo Thủ tướng, các nước trên thế giới vẫn đang giải các "bài toán khó" giữa thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; giữa toàn cầu hóa, đa dạng hóa, đa phương hóa và cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh.

Trong khi đó, tình hình trong nước chịu tác động kép, phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém kéo dài nhiều năm, trong đó có các vấn đề của thị trường trái phiếu, bất động sản… bộc lộ rõ hơn trong bối cảnh khó khăn.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá các bộ ngành địa phương đã nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp, giúp chúng ta cơ bản thực hiện được các mục tiêu tổng quát đề ra với kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.

Tuy nhiên, cũng còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực. Trong khi đó, nhiều vấn đề đặt ra trong quản lý, điều hành nên Thủ tướng yêu cầu các ý kiến cần thảo luận, phân tích kỹ, khách quan, trung thực, đánh giá toàn diện tình hình kinh tế - xã hội.

Xuất khẩu giảm, tiếp cận tín dụng khó

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ cũng đã chỉ ra kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực nhưng phải đối mặt nhiều khó khăn.

Trong đó, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Xuất khẩu 7 tháng giảm 10,6%, nhất là nhóm hàng chủ lực như điện thoại, điện tử, dệt may, da giày, thủy sản; nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm 17,3%, thị trường trong nước chưa được thúc đẩy hiệu quả.

Việc tiếp cận vốn khó khăn, dư nợ tín dụng đến ngày 21-7 chỉ tăng 3,96%; trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm 78% so với cùng kỳ 2022. Thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm được sửa đổi...

Theo bộ này, khó khăn của nền kinh tế đã tác động trực tiếp làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô. Thu ngân sách 7 tháng giảm 7,8% so với cùng kỳ; tỉ lệ nợ xấu nội bảng đến hết tháng 5 là 3,65% (cùng kỳ năm 2022 là 1,55%), cao hơn mục tiêu kiểm soát đề ra (3%).

Tình hình lao động, việc làm đã cải thiện nhưng vẫn nhiều thách thức. Đặc biệt là tình trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm chủ yếu trong một số ngành chế biến, chế tạo như điện tử, da giày, may mặc, chế biến gỗ… tập trung một số địa phương, khu công nghiệp.

Không ban hành quy định mới làm phát sinh chi phí doanh nghiệp

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất một số giải pháp như tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, không ban hành các quy định mới làm phát sinh chi phí, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính...

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư, xuất khẩu. Tập trung các giải pháp như khai thác hiệu quả thị trường trong nước, phát triển du lịch bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của nước xuất khẩu, hỗ trợ đầu tư ngoài thuế để tạo lợi thế thu hút FDI, tháo gỡ thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn; đẩy mạnh vốn đầu tư công…

Chỉ 1 trong 5 doanh nghiệp ở Việt Nam sẵn sàng ứng phó rủi ro lớnChỉ 1 trong 5 doanh nghiệp ở Việt Nam sẵn sàng ứng phó rủi ro lớn

Một khảo sát mới ghi nhận cứ 5 doanh nghiệp tại Việt Nam, chỉ 1 doanh nghiệp tự tin họ sẵn sàng đối mặt với rủi ro hiện tại và tương lai.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp