Chuyện xin gạo cứu đói dịp Tết gần như đã thành thông lệ từ nhiều năm qua. Những tỉnh thu ngân sách chỉ vài ba ngàn tỉ đồng/năm đi xin gạo đã đành, có những tỉnh thu ngân sách lên hàng chục ngàn tỉ đồng vẫn cứ đi xin!
Khi được hỏi vì sao ngân sách có nguồn thu khá lớn mà vẫn xin gạo cứu đói, câu trả lời chung của lãnh đạo các tỉnh này vẫn là "mặc dù nguồn thu lớn nhưng chúng tôi vẫn chưa cân đối được do số lượng người dân cư trú ở các vùng núi cao, heo hút thực sự khó khăn quá nhiều".
Đồng thời không ít lãnh đạo địa phương quan niệm rằng "gạo cứu đói" dịp này thật ra được coi như là "quà Tết" của Chính phủ nên cứ... xin, đâu có mất gì mà dân lại đỡ đi một khoản chi phí Tết.
Cách nay gần 10 năm, trò chuyện với một vị chủ tịch tỉnh, ông bộc bạch rằng: Nếu không có mấy chục kg gạo cứu đói kia thì dân vẫn ăn Tết được, tuy nhiên nếu nhà có thêm vài chục cân gạo dịp Tết, hộ nghèo kia có thể dư ra một số tiền để trang trải cho các khoản khác như mua quần áo mới cho con, sắm thêm cân thịt, mớ cá...
Biết là đi xin gạo thế này tỉnh sẽ không được "thể diện" cho lắm, nhưng suy cho cùng cũng là để đỡ đần cho dân được thêm chút nào hay chút đó!
Những suy nghĩ "vì dân" ấy không phải không đáng quý. Nhưng với lối tư duy ấy, rõ ràng sẽ đến hẹn lại lên, các địa phương lại nghĩ tới "bình sữa" của Chính phủ và phương pháp để có sữa là "con có khóc mẹ mới cho bú".
Nhìn vào danh sách xin gạo dịp Tết từ bao nhiêu năm qua vẫn thấy cơ bản các tỉnh quen thuộc, số lượng có thay đổi hằng năm nhưng không đáng kể!
Năm nay có 16 tỉnh đề nghị trung ương hỗ trợ hơn 14.169 tấn gạo cứu đói cho 181.057 hộ với 935.466 nhân khẩu là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bình Định, Bình Phước, Cao Bằng, Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Giang, Kon Tum, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Bình, Quảng Trị.
Hôm qua (24-1), Quảng Bình đã xin rút khỏi danh sách "xin gạo cứu đói" này. Số gạo mà trước đó tỉnh Quảng Bình xin Chính phủ là 1.700 tấn để hỗ trợ 10.500 hộ nghèo, nhưng nay xin rút với lý do tỉnh có thể tự cân đối nguồn lực để lo Tết cho dân.
Trước đó, ngày 15-1 tỉnh Quảng Trị có văn bản đề nghị cấp 991,5 tấn gạo hỗ trợ 13.634 hộ dân (66.102 nhân khẩu) thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi đang gặp khó khăn trong dịp Tết này và ngay hôm sau (16-1) tỉnh có văn bản rút đề nghị hỗ trợ gạo nêu trên.
Nếu nhìn vào danh sách 16 tỉnh "xin gạo" dịp Tết năm nay thì Quảng Trị, Quảng Bình vừa xin rút không phải là hai tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn như một số tỉnh còn lại.
Giải thích về việc xin rút khỏi danh sách "xin gạo", cả hai tỉnh đều cho rằng "có thể cân đối nguồn lực tại địa phương để lo Tết cho bà con".
Trở lại với vấn đề "xin gạo ăn Tết" và tâm lý coi đây là "quà Tết của Chính phủ", không thể không đặt ra vấn đề: nên hiểu một cách rõ ràng khoản hỗ trợ này?
Bởi nếu chỉ vì thể diện địa phương mà từ chối sự hỗ trợ, chắc chắn sự thiệt thòi lớn nhất lại thuộc về phía hàng vạn hộ dân đang khốn khó. Nhưng cũng đừng coi nguồn lực quốc gia này là "bình sữa" để níu kéo về cho mình, bởi sẽ rất không công bằng cho những nơi đang khó khăn thực sự.
Vì vậy, Chính phủ cần có biện pháp giám sát cụ thể để biết nơi nào đang gặp khó cần hỗ trợ, nơi nào chưa cần thiết để ngưng cấp phát.
Nếu nguồn lực hỗ trợ này bị biến thành cơ chế xin - cho dưới danh nghĩa "gạo cứu đói", sẽ có địa phương sẵn sàng vì thể diện mà từ chối, nhưng cũng có địa phương sẵn sàng chấp nhận "mang tiếng" để đem gạo về cho dân của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận