Một vụ tai nạn môtô tại quận 1, TP.HCM vào ngày 7-5 - Ảnh: Mậu Trường |
Chúng tôi giới thiệu các ý kiến xung quanh đề xuất này.
Một đề xuất đáng xem xét
“Nên chăng cho môtô phân khối lớn được chạy chung làn với ôtô và chạy vào đường cao tốc?”- đó là đề xuất của ông Phạm Mạnh Luân, thành viên Câu lạc bộ Harley HOG tại Sài Gòn, tại cuộc tọa đàm do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Hãng xe Harley tại Việt Nam tổ chức ở TP.HCM ngày 6-5.
Theo dõi qua các trang báo mạng, tôi thấy đề xuất này đã tạo ra một cuộc tranh luận gay gắt. Những người chơi môtô phân khối lớn ủng hộ đề xuất này và những người có vẻ như chưa hề chạy môtô phân khối lớn thì hết sức phản đối.
Nhận thấy đây là một vấn đề thú vị nên tôi xin tham gia ý kiến với tư cách một người trước đây từng chạy môtô phân khối lớn.
Theo tôi, đề xuất của ông Luân rất đáng để các cơ quan chức năng xem xét chứ không phải là một ý kiến vu vơ, chỉ cốt lợi cho dân chơi môtô phân khối lớn (trên 175cm3). Tại sao?
Thứ nhất, dân chạy môtô phân khối lớn sợ nhất điều gì? Xin thưa, họ sợ nhất việc chiếc xe yêu quý của mình cứ phải chạy ở tốc độ chậm cỡ 30-40 km/giờ vì như thế rất hại máy. Nhưng theo Luật giao thông đường bộ, trên các con đường ở nội thị, tốc độ quy định dành cho xe hai bánh đều không quá 40 km/giờ. Vì vậy xin nói thẳng là hầu hết môtô phân khối lớn đều phải phạm luật. Điều này được chính thượng tá Trần Hữu Toán - phó trưởng phòng tuần tra kiểm soát Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an - phát biểu tại tọa đàm: “Còn ở nước ta hiện môtô phân khối lớn vẫn phải chạy chung với làn xe hai bánh, làn xe hỗn hợp gây ra nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, hư hại xe...”.
Nếu như ngày trước Nhà nước hạn chế môtô phân khối lớn thì không nói gì, còn bây giờ đã mở cửa cho thoải mái nhập xe, thoải mái thi bằng A2, vậy nên Nhà nước cũng cần tính toán sao cho môtô phân khối lớn có đường chạy... mà không phạm luật.
Thứ hai, dân đi xe gắn máy bình thường ghét điều gì nhất ở môtô phân khối lớn? Xin trả lời ngay, đó chính là tiếng pô hú rất dễ mất tinh thần. Ngay trong giới chơi môtô phân khối lớn cũng chia làm hai phe. Phe lớn tuổi không thích những xe đời mới có tiếng pô ầm ĩ, còn giới trẻ - nghiệt thay - tiếng pô hú càng khủng khiếp càng hấp dẫn, và đó cũng là một lý do quan trọng khiến họ mê môtô phân khối lớn!
Chúng ta hãy nghe ông Nguyễn Ngọc Tường, phó Ban An toàn giao thông TP.HCM, nói về chuyện này tại buổi tọa đàm: “Tôi nhiều lần chứng kiến xe phân khối lớn qua các khu dân cư nẹt pô ầm ĩ khiến cả khu phố bức xúc. Những người trong khu phố, kể cả tôi, cũng muốn chửi tục vì kiểu chạy xe này”! Phát biểu của ông Tường đã được rất nhiều người đồng tình.
Tổng hợp từ hai vấn đề vừa nêu, tôi nghĩ tại sao chúng ta không ủng hộ với đề xuất cho môtô phân khối lớn chạy vào làn ôtô, đường cao tốc? Bởi đề xuất này được chấp nhận, người đi xe gắn máy bình thường sẽ bớt giật mình khi nghe tiếng pô rú rít ghê rợn của môtô phân khối lớn; “đẩy” nó qua “sân chơi” ôtô, nơi chẳng bị ảnh hưởng gì bởi tiếng pô. Tương tự, về chuyện tốc độ cũng thế. Với tốc độ bình thường 70-80 km/giờ của môtô phân khối lớn thì rất nguy hiểm khi đi chung làn với xe hai bánh, nhưng nó cũng chẳng “uy hiếp” gì được ôtô.
Dĩ nhiên bên cạnh chấp thuận cho môtô phân khối lớn chạy vào đường cao tốc, làn ôtô thì cũng phải kèm theo quy định loại xe này nếu di chuyển trong làn đường dành cho xe hai bánh phải tuân thủ theo quy định chung: không quá 40 km/giờ!
Cuối cùng, cái mà chúng ta đang bàn (môtô phân khối lớn được chạy vào làn đường dành cho ôtô, đường cao tốc) vốn đã được áp dụng ở rất nhiều nước, mà những ai từng đi nước ngoài hẳn đều đã thấy.
Lợi nhiều hơn hại
Theo tôi, việc cho phép môtô phân khối lớn đi vào làn ôtô và đường cao tốc sẽ có mặt lợi và mặt hại. Tuy nhiên, mặt lợi vẫn nhiều hơn và tôi ủng hộ đề xuất này.
Hiện nay môtô phân khối lớn chỉ được chạy chung làn xe máy (dung tích xilanh dưới 175cc) và trên làn xe hỗn hợp nên rất không an toàn, trong khi đó làn ôtô trên nhiều tuyến đường khá thoáng. Ví dụ như tuyến quốc lộ 22 đi tỉnh Tây Ninh, làn xe máy rất hẹp và được ngăn cách bởi dải phân cách bằng bêtông. Trên làn này xe máy rất đông trong khi làn ôtô thông thoáng và được chạy với tốc độ khá cao. Thế nhưng môtô phân khối lớn vẫn phải chạy chung làn xe máy với tốc độ chậm nên rất nguy hiểm cho cả người điều khiển môtô phân khối lớn và người điều khiển xe máy.
Về việc cho môtô phân khối lớn chạy vào đường cao tốc, tôi thấy ở rất nhiều nước đã thực hiện việc này rất tốt và an toàn.
Tuy nhiên cũng phải nhìn lại vấn đề về việc quản lý môtô phân khối lớn. Hiện nay có rất nhiều nhóm, câu lạc bộ môtô phân khối lớn được hình thành, nhiều nhất là tại TP.HCM và Hà Nội. Trong khi một số nhóm đưa ra những tiêu chí hoạt động rất khắt khe mang tính kỷ luật cao và tuân thủ luật lệ giao thông rất tốt thì những nhóm tự phát và một số người chơi môtô phân khối lớn riêng lẻ thích thể hiện mình nên gây bức xúc cho dư luận.
Theo tôi, trước khi đồng ý cho môtô phân khối lớn được chạy vào làn ôtô và đường cao tốc cần phải có hướng quản lý những chiếc môtô này bằng cách cho gia nhập các hội, nhóm để khi lỡ xảy ra chuyện gì thì còn có người đứng ra chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Thành Duy (tài xế xe hợp đồng tỉnh Tiền Giang): Không nên vì sẽ nguy hiểm Hiện nay hầu hết làn đường dành cho ôtô ở các đô thị khá hẹp, nhất là vào giờ cao điểm. Tôi đã chứng kiến rất nhiều xe máy chạy vào làn đường ôtô, cắt mặt ôtô để chuyển làn đột ngột dẫn đến va chạm giao thông giữa xe máy và ôtô, giữa xe máy với xe máy. Nếu cho môtô phân khối lớn chạy chung với làn ôtô nữa thì thật nguy hiểm, nhất là môtô thường phóng với tốc độ cao.Còn đường cao tốc hiện nay mật độ ôtô trên những tuyến đường này lớn. Tài xế cũng khá căng thẳng mỗi lần đi vào đường cao tốc vì có nhiều xe chuyển làn rất ẩu, phóng nhanh để “đua” nhau... Chưa kể hầu hết xe chạy trên đường cao tốc thường không giữ khoảng cách an toàn nên nếu như những môtô phân khối lớn xen vào giữa nữa thì rất khó để xử lý khi gặp sự cố bất ngờ trên đường. Do đó theo tôi, không nên cho môtô phân khối lớn chạy vào làn ôtô và đường cao tốc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận