Theo chương trình nghị sự kỳ họp 6 đợt 2, Quốc hội sẽ nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra, sau đó thảo luận tại hội trường về việc giảm thuế VAT chiều 20-11.
Dự thảo nghị quyết được Chính phủ trình đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.
Nên mở rộng với tất cả các hàng hóa
Mức thuế giảm này không áp dụng với một số hàng hóa, dịch vụ, đã được quy định tại nghị quyết số 43 và nghị quyết số 101 của Quốc hội. Việc áp dụng chính sách VAT như trên nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển, từ đó đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Chính phủ tính toán chính sách trên có hiệu lực dự kiến giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 4.175 tỉ đồng/tháng. Nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25.000 tỉ đồng.
Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Nhưng trong cơ quan thẩm tra, một số ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về khả năng đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng khi ban hành và thực thi chính sách.
Cũng bởi việc giảm thuế VAT đã áp dụng trong các tháng cuối năm 2023, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 3-2023 chỉ tăng 7,3%, thấp hơn các quý trước. Vì vậy, có ý kiến đề nghị Chính phủ có giải pháp để chỉ đạo, điều hành chủ động, kịp thời, bảo đảm nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, một số ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế VAT theo hướng áp dụng thuế suất 8% với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.
Đề xuất thực hiện chính sách cả năm 2024
Liên quan đến thời gian áp dụng giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí đề xuất này để phù hợp với khả năng cân đối ngân sách. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc thực hiện chính sách trong 6 tháng khó đạt được mục tiêu, chưa bảo đảm tính chủ động và ổn định. Do đó, đề nghị thực hiện chính sách trong cả năm 2024.
Với đề xuất về việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định áp dụng giảm thuế VAT nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn, nhằm “đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa”, Ủy ban Tài chính Ngân sách không nhất trí việc này.
Bởi theo điều 70 Hiến pháp năm 2013, Quốc hội có thẩm quyền “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế”, vì vậy cơ quan thẩm tra cho rằng việc xem xét, quyết định ban hành chính sách giảm thuế VAT thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, chính sách ban hành cho mỗi lần 6 tháng thể hiện sự thiếu sự ổn định và tính dự báo của việc xây dựng chính sách. Đến thời điểm giữa năm 2024 mới xác định rõ nhu cầu cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT cho nửa cuối năm 2024, nên cơ quan thẩm tra đề nghị thực hiện theo các quy trình thủ tục ban hành văn bản pháp luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 7.
Dù còn những ý kiến băn khoăn nhất định về sự cần thiết tiếp tục giảm thuế VAT, song với quan điểm đồng hành cùng Chính phủ, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, ủy ban thẩm tra tán thành trình Quốc hội xem xét, thông qua chính sách và đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội.
Theo Chính phủ, giảm thuế VAT có lợi cho cả người dân và doanh nghiệp. Qua 4 tháng thực hiện giảm thuế VAT (từ tháng 7 đến tháng 10-2023), Chính phủ đánh giá chính sách này đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 15.600 tỉ đồng. Từ đó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lạm phát vẫn được kiểm soát, CPI bình quân 10 tháng năm nay tăng 3,2%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao (khoảng 4,5%).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận