Lớp học hệ vừa làm vừa học tại một trường đại học ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Luật giáo dục đại học sửa đổi đã chính thức có hiệu lực từ tháng 7-2019, trong đó quy định bằng tốt nghiệp đại học sẽ không ghi hình thức đào tạo chính quy hay không chính quy (giáo dục thường xuyên, tại chức, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa).
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thời buổi hiện nay, đào tạo không chính quy trở nên không cần thiết vì yêu cầu nguồn nhân lực hiện chủ yếu coi trọng chất lượng. Thực tế xã hội hiện cũng không tin tưởng chất lượng đào tạo đại học không chính quy.
Tuyển sinh "lặng lẽ", đào tạo bát nháo
Đó là thực tế trong tuyển sinh và đào tạo không chính quy đã diễn ra hàng chục năm qua. Theo nhiều chuyên gia, việc tuyển sinh, đào tạo không chính quy luôn "lặng lẽ" vì các trường tổ chức tuyển sinh riêng lẻ, nhiều đợt trong năm. Tuy nhiên, đằng sau vẻ lặng lẽ ấy là sự nhốn nháo, mạnh ai nấy làm, "xé rào" tuyển sinh đào tạo sai quy định.
Đào tạo không chính quy được quy định trong Luật giáo dục đại học và ở nhiều văn bản pháp quy với nhiều điều kiện để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, nhiều trường đại học coi đào tạo không chính quy là "nồi cơm chính", mở lớp ở bất cứ đâu.
Hiện ở TP.HCM có không ít trường đại học thuê mướn địa điểm để mở lớp đại học vừa học vừa làm theo kiểu ghi danh (không thi), rồi cho học viên học ban đêm, cuối tuần…
Một giảng viên nhiều năm dạy đại học hệ không chính quy cho hay có nhiều lớp hệ vừa học vừa làm sĩ số lên đến 80 người nhưng thường số sinh viên đi học không quá 30 người.
"Có rất nhiều sinh viên đi học một học kỳ chỉ vài ba buổi, đến giờ kiểm tra hoặc thi cuối kỳ thì mới rủ nhau đến làm bài. Vậy mà họ vẫn tốt nghiệp, được nhận được bằng. Nói thẳng ra đây là hình thức bán bằng đại học", giảng viên này nhận định.
Phó hiệu trưởng một trường đại học ở TP.HCM cho rằng hiện nay chất lượng đào tạo được coi là yếu tố quyết định. Do vậy việc đào tạo không chính quy kiểu như trên góp phần quan trọng gây nên "thảm cảnh" tỉ lệ người có bằng đại học thất nghiệp ngày càng tăng.
Không còn lý do để tồn tại hình thức đào tạo kém chất lượng
TS Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho rằng trước đây một trường đại học thường có hai sản phẩm tung ra thị trường, giáo dục chính quy - loại 1, giáo dục không chính quy - loại 2. Và xã hội bằng lòng với việc chất lượng giáo dục không chính quy thấp hơn chính quy vì nhiều lý do. Tuy nhiên, hiện nay xã hội đòi hỏi các trường chỉ được phép đưa ra thị trường sản phẩm loại 1.
Cũng như trước đây, hệ chuyên tu (trong ngành y) là sản phẩm của giai đoạn chiến tranh và sau chiến tranh, khi chưa có điều kiện để đào tạo y bác sĩ đủ để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Hiện nay hệ này đã bị bỏ vì đã hoàn thành "sứ mệnh lịch sử".
"Đào tạo không chính quy cũng vậy, giai đoạn trước cần vì xã hội có nhu cầu, nay thì không có lý do gì để tồn tại nữa", một chuyên gia giáo dục đại học nhấn mạnh.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, xã hội vẫn nghi ngại giá trị văn bằng đào tạo không chính quy do thái độ người học, khâu kiểm soát chất lượng lỏng lẻo.
Ông Vinh cho rằng luật thông qua rồi nhưng thực tế còn nhiều thách thức. Thứ nhất là thái độ, động cơ của người học, học để làm việc khác với học vì tấm bằng. Thứ hai, tùy thuộc giáo viên và nhà trường.
"Một số trường thiếu tài chính, chấp nhận giảm chất lượng, hạ thang bậc đánh giá để thu hút sinh viên. Đào tạo như vậy mà ra trường, bằng có giá trị như nhau là làm méo mó chính sách", ông Vinh nhận định.
Theo các chuyên gia, trước mắt để việc coi bằng tại chức và chính quy tương đương nhau thật sự có ý nghĩa, ngành giáo dục cần chú trọng, tập trung nâng cao chất lượng, siết chặt tuyển sinh và đào tạo không chính quy từ đầu vào đến đầu ra, hạn chế tình trạng gian lận thi cử, học hộ, đề thi quá dễ, mua điểm… Đồng thời có lộ trình tiến tới dừng đào tạo không chính quy càng sớm càng tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận