Một nhân viên y tế gục đầu mệt mỏi vì phải lấy quá nhiều mẫu xét nghiệm COVID-19 trong thời gian ngắn - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trong bối cảnh dịch COVID-19, khi di chuyển tới một số địa phương hoặc tham dự các sự kiện đông người, người dân vẫn được yêu cầu phải có giấy xác nhận âm tính COVID-19.
Để lấy được giấy xác nhận "không COVID", người dân phải đến tận các cơ sở y tế để làm xét nghiệm, mất nhiều thời gian di chuyển, chờ đợi, thậm chí một số địa điểm xét nghiệm quá tải, luôn đông người, ẩn chứa nguy cơ lây nhiễm.
Tốn kém thời gian và tiền bạc
Ngành y tế Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân - Ảnh: NAM TRẦN
Làm việc trong lĩnh vực truyền hình, anh Nguyễn Đình Quân (31 tuổi, Hà Nội) thường xuyên phải di chuyển từ địa phương này qua địa phương khác, đặc biệt phải tham dự rất nhiều sự kiện để ghi hình. Anh Quân cho hay hiện cứ đi mỗi nơi lại yêu cầu giấy xét nghiệm COVID-19, nên cả êkip lại phải "lôi nhau" đến các cơ sở y tế để test, gây mất thời gian, lãng phí.
"Êkip truyền hình lúc nào cũng trên dưới 10 người, đặc biệt dịp Tết như thế này di chuyển rất nhiều nơi, nhiều sự kiện để ghi hình. Trong khi đó, mỗi nơi, mỗi sự kiện lại yêu cầu giấy xác nhận đã xét nghiệm COVID-19 âm tính.
Không chỉ tốn kém chi phí, thời gian phải chờ đợi giấy xét nghiệm khá lâu, gây ảnh hưởng tới công việc, tiến độ", anh Quân cho hay.
Anh Quân nói thêm, việc yêu cầu giấy xác nhận xét nghiệm COVID-19 như hiện nay "không mang nhiều giá trị" bởi đa phần người dân đã tiêm 2 mũi và đang chuẩn bị tiêm mũi thứ 3 ngừa COVID-19.
"Với người dân đã tiêm đủ 2 mũi và mũi nhắc lại, khi mắc COVID-19 thấy đa phần triệu chứng nhẹ. Nếu chúng ta đã chấp nhận sống chung với COVID-19 thì phải chấp nhận bỏ yêu cầu xác nhận âm tính vì vừa tốn thời gian và tiền bạc", anh Quân nói thêm.
Để tiết kiệm thời gian chờ giấy xác nhận xét nghiệm COVID-19 ở các cơ sở y tế, theo anh Quân, nên hướng dẫn cho người dân tự xét nghiệm nhanh tại nhà và có thể dùng kết quả đó để chứng minh âm tính khi tham gia các sự kiện phải yêu cầu xét nghiệm.
"Nên trao quyền xét nghiệm COVID-19 cho người dân"
Người dân Hà Nội xếp hàng để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương - cho biết về định hướng sắp tới, nên giao quyền cho người dân chủ động tự xét nghiệm COVID-19.
Theo ông Nhung, các lễ hội, sự kiện là các hoạt động rất thông thường, diễn ra thường xuyên, việc xét nghiệm sàng lọc trước khi tham gia là cần thiết. Tuy nhiên, hiện việc chứng minh âm tính vẫn phải có chứng nhận của một cơ sở y tế gây mất nhiều thì giờ, cồng kềnh cho người dân và cả các cơ sở y tế.
"Việc trao quyền xét nghiệm cho người dân là rất tốt, sẽ đỡ mất thời gian. Tuy nhiên cũng có một số hạn chế như làm thế nào để có kết quả chính xác, bộ xét nghiệm có đảm bảo chất lượng, người dân có thực sự đã xét nghiệm hay không?", ông Nhung nói thêm.
Để khắc phục những hạn chế trên, ông Nhung cho rằng mỗi người dân phải tự giác, nhận thức việc xét nghiệm là cho mình và cộng đồng. Ngoài ra, việc để người dân tự xét nghiệm COVID-19 nên có sự hướng dẫn và giám sát của các cơ sở y tế, hoặc của ban tổ chức các sự kiện.
"Ví dụ, nếu một sự kiện yêu cầu người tham dự phải có kết quả âm tính COVID-19 thì ban tổ chức có thể hướng dẫn người dân tự xét nghiệm ngay tại cổng ra, vào sự kiện đó. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ bộ xét nghiệm đảm bảo tính hiệu quả, được Bộ Y tế phê duyệt và giám sát kỹ quy trình cũng như kết quả xét nghiệm của người dân", ông Nhung nói.
Theo ông Nhung, việc người dân đổ xô đi tới các cơ sở xét nghiệm COVID-19 để xác nhận âm tính, sau đó tới các địa điểm để trình cho ban tổ chức, người kiểm soát "đã không còn thích hợp". Người dân có thể tự xét nghiệm COVID-19 vì thế rất tiện lợi, cũng là cơ hội để tự bảo vệ mình.
"Trong trường hợp người dân tự xét nghiệm tại nhà thì những nơi yêu cầu phải có kết quả âm tính COVID-19 có thể yêu cầu người dân quay lại quá trình, kết quả xét nghiệm, sau đó trình cho ban tổ chức sẽ tránh được tình trạng người dân chưa test nhưng bảo test rồi.
Với các điện thoại thông minh hiện nay, các clip quay lại sẽ lưu lại thời gian quay, nên không sợ người dân gian lận", ông Nhung nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận