Người dân trèo lên cây để theo dõi xét xử công khai vụ thảm sát ở Bình Phước - Ảnh: Thanh Tùng |
Đó là ý kiến của ông Đinh Văn Quế (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao) trong bài viết cho Tuổi Trẻ. xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Không ai phủ nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xét xử lưu động như: “Thông qua phiên tòa xét xử lưu động đã tạo điều kiện thuận lợi để nhiều người tham dự phiên tòa, nhân dân trực tiếp xem tòa xét xử về vụ án và qua đó hiểu biết thêm về pháp luật; để bản thân họ rút ra những bài học, tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật, qua đó giáo dục con em của mình tuân thủ pháp luật, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong đời sống hằng ngày...”.
Không có quy định nào về xét xử lưu động
Tuy nhiên, đa số cho rằng xét xử lưu động chủ yếu là để răn đe tội phạm, thỏa mãn sự hiếu kỳ của nhiều người, nhất là ở nước ta hễ có vụ tai nạn hay vụ án nào xảy ra thì cứ muốn tìm mọi cách đến tận nơi xem cho bằng được.
Có nhiều người còn bỏ cả công việc, công sở để đến phiên tòa, chen lấn vào tận bên trong nhìn bằng được mặt bị cáo mới chịu. Nếu cứ lập luận là để tuyên truyền pháp luật hay giáo dục pháp luật... thì đó chỉ là cách nói thôi!
Xét xử lưu động ít nhiều cũng có tác dụng, nhưng cái được thì ít mà mất mát thì chưa ai tính được, chưa kể tốn kém tiền của, mà còn gây ra nhiều hậu quả cho xã hội không thể tính ra bằng tiền. Xét xử lưu động chẳng qua là tàn dư của tư duy phong kiến từ thời cải cách ruộng đất để lại.
Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa hình sự TAND Tối cao |
Sau vụ anh Nguyễn Thanh K. ở thôn Đại An, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam tự tử ngay trước khi ra phiên tòa xét xử lưu động, đã có nhiều ý kiến đề nghị bỏ xét xử lưu động.
Có bị cáo chỉ phạm tội ít nghiêm trọng nhưng biết mình bị xét xử lưu động đã bỏ trốn, gây khó khăn cho việc xét xử của tòa án, mất công tổ chức phiên tòa lưu động nhưng không có bị cáo;
Lại có trường hợp xét xử vụ án giết người cướp của, người nhà của nạn nhân đã cầm dao lao vào đâm bị cáo trước vành móng ngựa, phiên tòa phải dừng lại để đưa bị cáo đi cấp cứu, còn người nhà nạn nhân thì bị tống giam; có vụ gây náo loạn phải huy động cả một trung đoàn cơ động đến giải vây cho hội đồng xét xử...
Chỉ căn cứ vào pháp luật của ta thôi thì đã thấy Bộ luật tố tụng hình sự không có quy định nào về xét xử lưu động. Bộ luật tố tụng hình sự mới vừa được Quốc hội thông qua cũng không có quy định nào về xét xử lưu động. Vậy các tòa án căn cứ vào quy định nào của pháp luật để xét xử lưu động!?
Trong khi đó, ai cũng biết có một nguyên tắc có tính pháp chế là cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp (tòa án) chỉ làm những gì pháp luật cho phép chứ không phải làm những gì pháp luật không cấm như công dân. Một Nhà nước pháp quyền, tại sao tòa án lại làm trái luật!
Cần được bãi bỏ
Ở nước ta, một số phương tiện thông tin đại chúng cũng thích đưa tin “giật gân, câu khách” mà không lường hết những mặt tiêu cực của xét xử lưu động. Có vụ án vừa xảy ra, báo chí đưa tin, lãnh đạo ở địa phương đó đã trả lời báo giới là sẽ chỉ đạo tòa án xét xử lưu động!
Ngay đối với các tòa án cho rằng xét xử lưu động là cần thiết cũng phải thừa nhận rằng “gia đình, họ hàng bị cáo xin tòa đừng đưa ra xét xử, họ rất xấu hổ với địa phương”. Như vậy, việc xét xử lưu động không chỉ có tác động xấu đến bị cáo mà đến cả gia đình, họ hàng của bị cáo.
Việc đưa bị cáo ra xét xử trước hàng trăm, hàng ngàn người dân nếu xét từ khía cạnh pháp quyền thì còn vi phạm quyền con người mà Hiến pháp đã ghi nhận.
Đúng là ở nước ta, thông qua phiên tòa để tuyên truyền pháp luật, nhưng xét xử lưu động hay xét xử ở trong phòng xử án cũng vẫn tuyên truyền được pháp luật, nhất là trong giai đoạn hiện nay đang là giai đoạn bùng nổ thông tin.
Không có phương pháp nào tuyên truyền pháp luật có hiệu quả hơn là tòa án hãy xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Mấy chục năm nay các tòa án đã xét xử lưu động, nhưng chưa ai tổng kết, đánh giá tác dụng của xét xử lưu động như thế nào, ngoài việc lấy đó là tiêu chí bình xét thi đua.
Ai cũng thấy một vụ án được đưa ra xét xử lưu động thì hội đồng xét xử không thể không bị áp lực và thường áp dụng hình phạt rất nghiêm khắc, có khi xét xử ở trụ sở tòa án bị cáo chỉ bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc được hưởng án treo, nhưng vì xét xử lưu động nên bị cáo phải bị phạt tù giam.
Nhiều tòa án đưa cả bị cáo là người chưa thành niên ra xét xử lưu động; bị cáo phạm tội hiếp dâm, giao cấu với trẻ em, với người chưa thành niên cũng đưa ra xét xử lưu động chỉ thỏa mãn sự hiếu kỳ của người xem.
Tóm lại cả về lý luận và thực tiễn, tôi thấy việc xét xử lưu động cần được bãi bỏ.
* Tiến sĩ Lê Minh Hùng (giảng viên Luật dân sự Đại học Luật TP.HCM): Cần có nghiên cứu, đánh giá Để xác định nên hay không nên xử lưu động thì cần có các nghiên cứu, đánh giá xã hội học một cách bài bản. Trên cơ sở đánh giá mặt được, không được của việc xử lưu động để quyết định có nên xử lưu động hay không. Theo quy định pháp luật hiện hành thì việc xét xử tội phạm hình sự là công khai, đồng nghĩa với việc xử ngay tại trụ sở tòa án hay địa điểm lưu động thì vẫn bảo đảm tính công khai. Vì xử công khai nên mọi công dân đều có quyền tham dự, chứng kiến việc xét xử. Vì thế, địa điểm xét xử không có nhiều ý nghĩa để xem xét. Nếu một vụ án mà người bị buộc tội thực hiện hành vi dã man, tàn ác, gây bức xúc, hiếu kỳ cho dư luận thì việc tòa án tổ chức xét xử ở đâu thì vẫn thu hút sự tham dự của người dân, cơ quan truyền thông. Tuy nhiên dưới góc độ quyền con người, tôi rất lưu tâm đến việc thông tin của cơ quan truyền thông về việc xét xử lưu động... Cùng mục đích với tòa án trong việc đưa vụ án ra xét xử lưu động, nhưng nếu không khéo cơ quan truyền thông sẽ phát tán thông tin không tốt gây hoang mang, bức xúc dư luận vượt xa rất nhiều so với phạm vi địa phương xử lưu động. Khi tại phiên xử lưu động, người của cơ quan truyền thông thiếu tâm, thiếu khách quan thì dễ dẫn đến tác hại ấy cho cả dư luận và người bị buộc tội. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận