Đại tá Phạm Văn Chẩn - phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai - Ảnh: B.D |
Công an nhận định việc ném đá chỉ là bột phát, do bị rọi đèn pha vào mặt hoặc say lên chỉ ném cho vui. Chưa có vụ việc nào cho thấy có sự tác động, giật dây từ bên ngoài.
Đại tá Phạm Văn Chẩn - phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai
- Vài năm trước quốc lộ 14 đoạn qua Gia Lai xảy ra nhiều vụ ném đá, nhưng từ đầu năm đến nay theo thống kê số vụ việc này đã giảm xuống. Công an Gia Lai đã thực hiện những phương án gì thưa ông?
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đưa thông tin các vụ ném đá xảy ra liên tiếp trên quốc lộ 14 từ Bình Phước về Kon Tum. Công an tỉnh Gia Lai đã tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu các hành vi ném đá là hết sức nguy hiểm, từ đó để các bậc làm cha làm mẹ giáo dục răn đe con cái mình không tham gia các hoạt động ném đá xe khách.
Công an cũng tổ chức tuần tra ban đêm ở những điểm có nguy cơ xảy ra ném đá, đặc biệt là khúc đường giao nhau giữa Gia Lai, Đắk Lắk. Tại đây bố trí lực lượng thường xuyên, do vậy mà cũng ngăn chặn được.
Riêng trên địa bàn Gia Lai thì thời gian qua cũng đã được hạn chế. Hôm vừa rồi chúng tôi cũng bắt được mấy trường hợp.
Nói chung công tác phòng ngừa là mình phải làm ráo riết, đặc biệt là tuyên truyền. Cũng có trường hợp phải bố trí lực lượng tại chỗ, lực lượng tại chỗ túc trực tại các “điểm đen”.
Chúng tôi cũng giao trách nhiệm cho người đứng đầu công an xã, huyện để họ có trách nhiệm hơn.
Đại tá Nguyễn Văn Hùng - phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông
- Thời gian qua tỉnh Đắk Nông xảy ra một số vụ ném đá xe khách, trong đó vụ mới nhất xảy ra vào ngày 29-6 khiến một hành khách nhập viện. Theo ông nguyên nhân của các vụ ném đá này xuất phát từ đâu?
Thời gian qua Công an tỉnh Đắk Nông đã xử lý được chín vụ, bắt 19 đối tượng liên quan đến ném đá xe khách, khởi tố sáu vụ. Tất cả các vụ án đều được khởi tố, xử lý công khai, đề nghị toà, viện kiểm sát làm án điểm đưa ra xét xử lưu động ở các địa bàn xảy ra ném đá để răn đe.
Các vụ việc xảy ra chúng tôi đã điều tra và thấy rằng, nguyên nhân chủ yếu là do các đối tượng đang đi xe trên đường do cảm thấy bực tức vì cho rằng mình bị ép đường, bị chiếu đèn pha vào mặt hoặc xe khách chạy qua gây bụi bẩn, tài xế còn xử sự chưa tốt, có thái độ xem thường tính mạng của hành khách và người đi đường.
Chúng tôi cũng tổ chức tuyên truyền cho các đối tượng, đặc biệt là thanh niên lêu lổng, bỏ học, hay tụ tập chơi bời. Ngoài ra chúng tôi cũng tập trung tuyên truyền ở vùng dân cư hai bên quốc lộ biết tính chất nguy hiểm của việc xe khách bị ném đá. Kể cả lái xe cũng phải được tuyên truyền chấp hành nghiêm luật an toàn giao thông đường bộ.
Chúng tôi tổ chức tuyên truyền, làm gắt ở những địa bàn đã xảy ra ném đá rồi tới các địa bàn khác. Chúng tôi tổ chức tuyên truyền toàn diện, lồng ghép thêm tình trạng ném đá để nâng cao ý thức cho thanh niên, học sinh ở các nơi có quốc lộ đi qua.
- Có thông tin cho rằng các doanh nghiệp, các nhà xe đã tổ chức cho ném đá để hưởng bảo hiểm đền bù thiệt hại. Thông tin này có chính xác không, thưa ông?
Qua công tác điều tra chúng tôi xác định chưa có các thông tin liên quan đến vấn đề này. Đối với xe khách loại nhỏ thì có thể là có, có dư luận là như thế. Nhưng các loại xe khách cỡ lớn, giá trị cao thì chúng tôi chưa có thông tin về việc nhà xe đã can thiệp để cho ném đá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận