Nhưng đáng giật mình hơn khi truy cập vào các trang như xemphimnhanh.vn, cuối trang chủ có dòng thông báo “Mọi dữ liệu trên xemphimnhanh.vn đều được chúng tôi và các thành viên tổng hợp từ Internet, xemphimnhanh.vn không chịu trách nhiệm về những dữ liệu được chia sẻ tại đây” và tiếp đó là hàng loạt liên kết như phim loạn luân, phim 18+, phim cấp 3... Còn truy cập vào clip.vn thì thấy một loạt tít clip gây sốc như sau: Cặp đôi “mây mưa” ở trung tâm thương mại, Cô gái thả rông vòng một tung clip, Thiếu nữ đang “show hàng” thì bị mẹ bắt gặp... Các trang zui.vn, scandal.vn, azone.vn thì hiện đang trong tình trạng bị lỗi không truy cập hoặc hiển thị trang chờ...
Trong mấy năm gần đây, báo Tuổi Trẻ đã liên tục có các loạt bài về sự “không tử tế của truyền thông” - đặc biệt là truyền thông mạng - trong cả vấn đề bản quyền cũng như về sự “lá cải hóa” báo chí như: Web cho giới trẻ - một đống rác, Chứng mê đắm tin giật gân, Khi đạo đức bị tàn phá, Thời của thông tin lộ hàng, Thảm họa soi mói... Không chỉ nằm ở vấn đề thuần phong mỹ tục, giật tít tựa sốc câu view hay xào nấu thông tin từ các trang báo chính thống... các trang mạng “lá cải” đã đi xa hơn trong việc vi phạm pháp luật khi xúc phạm đời tư cá nhân, sẵn sàng đăng tin bài sai sự thật mang tính chất vu khống đối với công dân, đặc biệt là những người nổi tiếng. Nhiều gia đình người nổi tiếng đã phải đứng chênh vênh trên bờ vực của tan vỡ mà lỗi không nhỏ thuộc về truyền thông.
Có lẽ không ít người còn nhớ ở hội thảo “Trách nhiệm báo chí trong việc bảo vệ bí mật đời tư công dân” diễn ra vào tháng 11-2012, diễn viên Đan Lê đã có một tham luận ấn tượng khi kể lại câu chuyện của chính mình một cách đầy chua xót: “Với người khác thì tôi không biết, nhưng với tôi, một phóng viên, biên tập viên, dẫn chương trình truyền hình thì xìcăngđan liên quan tới sex được coi như một tờ giấy khai tử trong nghề nghiệp!”. Câu chuyện của Đan Lê là câu chuyện cũng của năm năm về trước, tháng 3-2008, khi một tờ báo đăng thông tin nghi vấn về việc xuất hiện một clip sex mà cô gái trong đó có ngoại hình rất giống Đan Lê. Đang là một MC bản tin thời sự của VTV, Đan Lê đã phải nghỉ việc để theo kiện (và chiến thắng khi tờ báo đó phải xin lỗi, cải chính công khai, đồng thời bồi thường thiệt hại cho Đan Lê). Nhưng dường như bài học đó không phải là lời cảnh tỉnh cho báo mạng, bằng cớ là đều đặn cho đến tận bây giờ vẫn có những người nổi tiếng bị các trang mạng vu khống xúc phạm từ nhẹ tới nặng như lo lắng mà Đan Lê từng chia sẻ: “Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi nếu người bị lâm vào hoàn cảnh này không phải là tôi, một người sống trong môi trường truyền thông, hiểu về truyền thông, về quyền công dân và nếu không gặp may mắn như tôi, nghĩa là bị oan mà giải được oan, thì liệu họ sẽ như thế nào? Có vượt qua được không? Hay buộc phải tìm đến một lối thoát khác hoặc sống trong tủi nhục đến cuối đời?”.
Khi vụ án hoa hậu Nam Mekong Mỹ Xuân bị khởi tố vì tội môi giới mua bán dâm, rất nhiều cái tên những người “hình như là nổi tiếng” được nhắc đến thì một số trang mạng đã nhanh tay “cầm đèn chạy trước ôtô” khi đưa thông tin theo kiểu nghi vấn đoán mò. Bức xúc vì bị bôi nhọ công khai, á hậu xế độ 2009 T.N. đã gửi đơn đến Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội và Tòa án nhân dân Q.Phú Nhuận, TP.HCM khởi kiện một số trang mạng đã đăng tin cùng hình ảnh để đưa cô vào diện nghi vấn là người mẫu bán dâm trong đường dây của Mỹ Xuân. Gần đây nhất, sau bài phỏng vấn MC Trấn Thành có tựa đề “Yêu bạn gái hot girl là... quy luật của xã hội” trên baodatviet.vn, một số báo mạng khác giật lại với tựa đề “Đàn ông tài năng và có tiền... phải yêu hot girl”... MC Trấn Thành đã “phản pháo” trên Dân Trí: “...Tất cả những thông tin về tôi và bạn gái của tôi hiện nay hoàn toàn là sai hết. Họ dựng chuyện lên để nói thôi”.
Có thể thấy không thể trông chờ vào sự tự chấn chỉnh khi tình trạng vi phạm Luật báo chí, vi phạm pháp luật, bất chấp thuần phong mỹ tục... của các trang mạng không hề bớt đi mà chỉ thay đổi cách thức câu khách như một nhà báo nói đùa: chuyển từ “lộ hàng” sang “làm hàng” chẳng hạn! Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn đã nói ở bài kết loạt bài “Truyền thông - những chuyện không tử tế” trên Tuổi Trẻ rằng: “Khai dân trí phải đi liền với chấn dân khí, thiết tưởng đó là nhận định rất sáng suốt của nhà khai minh vĩ đại Phan Châu Trinh. Một bộ phận truyền thông hiện nay đang làm bại hoại dân khí, trong khi tưởng nhầm rằng đang khai dân trí bằng những tin... “lộ hàng” và soi mói đời tư!”. Để xem lần này, sau chiếc thẻ vàng được giơ lên từ Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, hiện trạng xấu xa trên có thay đổi tích cực không, hay chỉ là ném đá ao bèo... hơi gợn tí!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận