Sau các bài viết
Dư luận lên tiếng, Đồng Nai khảo sát lại việc di dời biệt thự trăm tuổi;
Biệt thự lầu ông Phủ kiến trúc tinh xảo đẹp sững sờ, Đồng Nai định giá 5,4 tỉ để phá dỡ, nên không?;
Nên điều chỉnh quy hoạch giữ lại biệt thự cổ đẹp nhất Đồng Nai làm bảo tàng, phim trường;
Độc giả tiếp tục đưa ra nhiều bình luận trái chiều.
Đường có huyết mạch đâu, cong tí chẳng sao
Độc giả Anh Vu đề cao giá trị của ngôi biệt thự cổ, anh đưa ra quan điểm: "Đường có thể làm mới được, kiến trúc xưa khó có thể xây lại".
Độc giả có địa chỉ email picn****@gmail.com, Phan Huu Yen cùng ý kiến: "Đập bỏ thì dễ, xây lại mới khó, nên giữ lại".
Nông Văn Dân bình luận: "Kiệt tác về kiến trúc, cần suy xét cho kỹ, có thể trưng dụng làm nhà bảo tàng, tạo điểm nhấn tham quan, du lịch…".
Hoài Nam cũng đồng tình với việc giữ lại ngôi biệt thự cổ và đổi công năng thành bảo tàng, anh chia sẻ: "Tu sửa lại làm nơi trưng bày hoặc bảo tàng. Đường ven sông Đồng Nai sau khi làm xong thì sẽ thu hút khách tham quan".
Một số độc giả có góc nhìn xa, mong muốn tìm giải pháp vẹn cả đôi đường. Kathy Hoàng nêu ý kiến: "Vị trí đúng là đang không thích hợp lắm. Nghiên cứu xem dời vào trong một chút được không, rồi duy tu lại, cũng đâu còn mấy cái đâu, cố gắng giữ lại cho con cháu đời sau còn có cái nhìn ngắm".
"Ngôi biệt thự ra đến bờ kè mép sông đủ chiều rộng của con đường. Cơ quan chức năng nên nắn lại con đường để giữ lại ngôi biệt thự cổ" - Trần Đình nêu ý kiến.
Các ý kiến đồng lòng: "Hãy bảo tồn vì đây là ngôi nhà quý hiếm, dù làm công trình gì thì cũng không nên phá"; "Di sản kiến trúc quý như vậy mà không biết giữ gìn để phát huy giá trị kinh tế"; "Hỏi thiệt chứ 5 tỉ đồng mua được miếng đất view sông và ngôi nhà đẹp vậy không?".
Bạn đọc An Hoa cũng đưa ra góc nhìn: "Con đường này nhằm tạo cảnh quan, phát triển du lịch, thì né nhà cổ 100 tuổi này một tẹo, đường sẽ cong một chút có ảnh hưởng gì lắm đâu? Đâu phải đường huyết mạch, quốc lộ hay cao tốc… gì đâu mà không nắn một chút".
"Chúng ta vẫn dạy con cháu là phải biết lịch sử dân tộc nhưng các chứng tích lịch sử cứ bị phá bỏ dần một cách vô tội vạ thì sau đời cháu chắt chúng ta chỉ còn lịch sử trên giấy, ảnh thôi, học thế thì nhớ thế nào được "sử ta"?" - Cuongbeo bày tỏ.
Thấy cổ là giữ lại hết?
Tuy nhiên, cũng có các ý kiến trái chiều đưa ra cho rằng ngôi biệt thự cổ ảnh hưởng đến công trình giao thông nên không cần phải giữ.
"Con đường đang đẹp chỉ vì một biệt thự tư nhân mà phải nắn đường thì không đáng. Vị trí ngôi biệt thự chòm ra phía trước rất nhiều so với các ngôi nhà khác, nếu thần đèn không di dời được thì nên tháo dỡ" - độc giả song****@gmail.com nêu quan điểm.
Một độc giả khác thẳng thắn: "Không lẽ thấy cổ là giữ lại hết, chỉ một số mang dấu ấn nhân vật, sự kiện mới tính đến chuyện bảo tồn".
"Tiền bảo trì, trùng tu không có, gây mất an toàn, một số ngôi nhà cứ cố giữ rồi chỉ làm kìm hãm phát triển" là ý kiến của độc giả Yaviong bị độc giả khác phản ứng, cho rằng "không trân quý các di sản tiền nhân để lại".
"Mình nghĩ cơ quan chức năng nên mua lại miếng đất, tòa nhà này để bảo tồn. Nhờ thần đèn di chuyển nhà vào bên trong (mua thêm đất xung quanh).
Khôi phục lại hiện trạng tòa nhà ban đầu để nơi đây trở thành một khu triển lãm ngay mặt tiền con đường ven sông, điều này thực sự ý nghĩa hơn nhiều việc phá bỏ" - một độc giả hiến kế.
Ông Nguyễn Cẩm Luân - giám đốc Công ty TNHH xây dựng và di dời nhà Thần đèn Cẩm Lũy - thông tin về việc khả năng di dời ngôi biệt thự cổ của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh:
"Không biết chủ đất còn đất trống để chúng tôi di dời lùi về sau hay không. Việc di dời ngôi biệt thự cổ của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh là trong tầm tay của công ty chúng tôi.
Công ty Cẩm Lũy từng di dời những ngôi nhà có quy mô lớn hơn. Về chi phí di dời trên dưới khoảng 1 tỉ đồng. Con số chính xác phải đi thực tế khảo sát".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận