NCB dự kiến tăng vốn gấp đôi
Ngân hàng Quốc dân (NCB) vừa thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ năm 2024.
Số lượng chào bán là 620 triệu cổ phiếu, tương đương 6.200 tỉ đồng. Như vậy, vốn điều lệ NCB dự kiến sẽ tăng từ 5.601 tỉ đồng lên 11.801 tỉ đồng.
Sau khi phát hành thành công, vốn nhà băng này sẽ nằm trong nhóm vốn 10.000 - 20.000 tỉ đồng, nhưng vẫn xếp sau Sacombank, SeABank, LienVietPost Bank...
NCB cho biết việc chào bán cổ phiếu nhằm bổ sung thêm vốn cho kinh doanh, tăng năng lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh tại các địa bàn kinh tế trọng điểm...
Thời gian phát hành sẽ thực hiện ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận và dự kiến hoàn thành vào quý 4 năm sau. Việc chuyển nhượng số cổ phiếu này bị hạn chế trong vòng 01 năm kể từ ngày hoàn thành chào bán.
Lần tăng vốn gần nhất NCB diễn ra năm 2022. Quá trình nâng cao năng lực tài chính diễn ra trong bối cảnh NCB đón cổ đông mới tham gia quá trình tái cơ cấu.
Kết quả của đợt chào bán cổ phiếu của NCB hồi tháng 3-2022 đã đánh dấu sự xuất hiện của cổ đông mới với tỉ lệ sở hữu 0,15%.
Tình hình kinh doanh NCB ra sao?
Trước đó, dấu ấn chuyển đổi toàn tại NCB đã bắt đầu từ khi bà Bùi Thị Thanh Hương được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch HĐQT NCB hồi tháng 7-2021.
Đến tháng 10-2021, NCB và một tập đoàn lớn chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện. Tại sự kiện, bà Bùi Thị Thanh Hương cho biết việc hợp tác toàn diện này sẽ giúp ngân hàng có cơ hội tiếp cận tệp khách hàng giá trị, đặc biệt là khách hàng cá nhân cao cấp. Đồng thời giúp ngân hàng sớm hoàn thành đề án cơ cấu lại được Chính phủ và Ngân hàng nhà nước phê duyệt.
NCB hiện vẫn đang trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu, dù kết quả nhìn từ báo cáo tài chính cải thiện chưa thực sự rõ rệt.
Năm 2022 đánh dấu một năm có lợi nhuận rất thấp của NCB khi lợi nhuận sau thuế chỉ đúng... 8 triệu đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, nhà băng này lỗ trước thuế hơn 230 tỉ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, NCB lỗ trước thuế 179,8 tỉ đồng.
Tuy nhiên, 3 tháng cuối năm vẫn là một quý đầy mong chờ khi nhìn lại năm 2022, kết quả kinh doanh quý 4 lãi lớn, gánh đỡ cho khoản lỗ trước đó.
Giải thích về tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm nay, lãnh đạo NCB cho biết nguyên nhân chủ yếu do tình hình biến động chung của nền kinh tế, thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.
Tình hình thị trường nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cá nhân là khách hàng của NCB, dẫn đến khoản thu nhập thuần và hoạt động khác đều sụt giảm.
Nợ xấu tăng
Tính đến cuối quý 3-2023, tổng tài sản của NCB ở mức 91.600 tỉ đồng. Trong đó cho vay khách hàng cuối kỳ là 51.112 tỉ đồng, tăng 7% so với hồi đầu năm.
Về chất lượng nợ cho vay, điểm đáng chú ý là nợ khả năng mất vốn tăng từ 3.280 tỉ đồng đầu năm lên 8.419 tỉ đồng, tức gấp 2,5 lần.
Tổng giá trị nợ xấu nội bảng cuối tháng 9-2023 đã tăng hơn 4.900 tỉ đồng so với đầu năm. Nguyên nhân là do khó khăn từ nền kinh tế đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.
Tính đến cuối tháng 9-2023, tổng số nhân viên NCB là 2.064 người. Điểm tích cực là thu nhập bình quân nhân viên/tháng đã cải thiện từ mức 18,8 triệu đồng năm ngoái lên 23,7 triệu đồng năm nay.
Giữa tháng 11 vừa qua, NCB đã tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu bổ sung thêm thành viên HĐQT. Hai thành viên HĐQT mới là ông Dương Thế Bằng và bà Nguyễn Thị Hài Hòa. Cả 2 thành viên đều từng nắm giữ vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận