18/08/2018 15:50 GMT+7

'Này con gái, con không cần phải xinh đẹp...'

QUỲNH TRÂN (từ Hoa Kỳ)
QUỲNH TRÂN (từ Hoa Kỳ)

TTO - Lúc nhỏ, tôi đã ý thức được mình sở hữu một vẻ ngoài ưa nhìn. Tôi nhớ những lời khen ngợi rằng tôi xinh xắn. Lên cấp III, chỉ sau vài ngày, các anh học sinh và cựu học sinh khóa trên bắt đầu xin kết bạn trên Facebook để làm quen.

Này con gái, con không cần phải xinh đẹp... - Ảnh 1.

Người phụ nữ này đẹp hơn trong mắt người đối diện khi cùng tham gia công tác thiện nguyện - Ảnh: D.PHAN

Tốt nghiệp đại học, bắt đầu cuộc sống tự lập ở Mỹ, tôi chuyển đến một thành phố lớn, không quen biết một ai. Những người bạn tôi quen được ở đây là những anh chàng lạ mặt đến bắt chuyện, làm quen với tôi ở siêu thị, quán bar, trên tàu điện.

Ít ai biết được ẩn sau vẻ ngoài ấy, tôi vẫn luôn cảm thấy tự ti như thế nào.

Về mặt tâm lý, những lời bình phẩm, chê cười về hình thể càng làm cho nạn nhân trở nên ám ảnh với vẻ ngoài của họ. Khi họ vẫn không vừa lòng với hình ảnh trong gương, họ sẽ tự chỉ trích bản thân mình

Quỳnh Trân

Ai khiến các cô gái tự ti?

Đứng trước gương, tôi tự đánh giá bản thân mình: "Da mình có đen quá không? Những vết sẹo mụn kia có rõ quá không? Eo mình có đủ nhỏ? Mắt mình có đủ to?". 

Tôi tốn thời gian và công sức tập gym ba lần một tuần, tìm hiểu hàng chục sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc. Và tôi nhận ra một điều: tôi càng cố gắng để đạt được những tiêu chuẩn ngoại hình khắt khe, nỗi tự ti trong tôi càng tăng, và tôi sẽ không bao giờ cảm thấy vừa lòng với bản thân mình.

Không chỉ riêng tôi, những cô gái trẻ tuổi khác đều bị ảnh hưởng bởi một văn hóa trọng hình thức. Bởi từ khi còn bé, họ vô tình được dạy rằng phần lớn giá trị của người phụ nữ được xác định bởi ngoại hình của họ. 

Chẳng người lớn nào trực tiếp dạy trẻ con rằng: "Này con gái, nhiệm vụ của con là phải trở nên xinh đẹp". Nhưng họ đã vô tình gieo rắc điều này vào bộ óc non nớt của đứa bé 8 tuổi khi họ nói: "Sao dạo này trông con tròn ra?", "Sao da con trông đen thế?". 

Bảy năm sau, cô bé 8 tuổi ngày nào đã trở thành nữ sinh trung học. Ngoài áp lực học hành, thi cử, cô bé còn phải chịu đựng những lời bình phẩm từ bạn bè cùng lứa về thân hình của cô. 

Lên đại học, ngoài việc nghiên cứu tài liệu, sách vở về đề tài khoa học mà cô yêu thích, cô thỉnh thoảng lướt qua những trang tạp chí thời trang. Nhưng cô không lướt quá lâu, bởi lẽ trên bìa tạp chí là hình cô người mẫu với nước da sáng mượt, khuôn mặt thanh tú, thân hình mảnh mai và nhan nhản những tựa đề về phương pháp giảm cân, làm trắng da, che khuyết điểm. 

Và chỉ như vậy, cô gái trẻ trung, tràn đầy năng lượng, đam mê khám phá cuộc sống... bỗng dưng cảm thấy thất vọng vào bản thân, chỉ vì cô không giống như những cô gái trong quyển tạp chí ấy!

Lên án hiện tượng "miệt thị hình thể"

Có lẽ không ít cô gái trẻ cảm thấy có một phần bản thân mình trong câu chuyện kể trên. Ở phương Tây, body-shaming (tạm dịch: "miệt thị hình thể") là một hiện tượng đáng bị lên án. 

Ở mọi nơi trên thế giới, người nổi tiếng như diễn viên, hoa hậu vẫn có thể trở thành nạn nhân của body-shaming. Tôi còn nhớ khi hoa hậu Việt Nam H'Hen Niê đăng quang, cô bị cư dân mạng chế nhạo, chỉ trích vì nước da nâu và mái tóc ngắn của cô được xem là không đúng "chuẩn hoa hậu". 

Khi chuyện cư dân mạng tấn công một cô gái 22 tuổi với những lời chê cười độc địa được xem như một điều bình thường, văn hóa body-shaming vẫn chưa được công nhận. 

Body-shaming gây ra hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực lên cuộc sống của nạn nhân. Một hệ quả trực tiếp của body-shaming là việc thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện, và chế độ sống nói chung theo một cách cực đoan. 

Những mẹo giảm cân thiếu khoa học như uống giấm, nhịn ăn hay tập thể dục quá mức có thể dẫn đến hậu quả ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.

Khi tôi kể cho mẹ tôi nghe về việc hãng đồ lót nổi tiếng Victoria’s Secret bị chỉ trích vì dàn người mẫu của họ được tuyển chọn theo một tiêu chuẩn khắt khe: họ phải cao, ốm, nhưng vẫn cần có đường cong rõ ràng. Mẹ tôi rất ngạc nhiên và hỏi rằng: "Không lẽ con muốn người mẫu nội y lại không cao, không ốm, không đẹp?". 

Thật ra, ở Mỹ đang có một xu hướng quảng cáo quần áo rất tiến bộ nhằm chống lại hiện tượng body-shaming. Hãng nội y Aerie vừa tung ra chiến dịch quảng cáo AerieReal: khác với Victoria’s Secret, người mẫu của Aerie là những cô gái với vóc dáng rất khác nhau, từ vóc dáng nhỏ bé đến vóc dáng đậm người, và một số người mẫu còn là người khuyết tật, tạo dáng với xe lăn.

Khi tôi vào phòng thử đồ của Aerie ở trung tâm mua sắm, tôi đọc được những mẩu giấy nhỏ được dán chi chít trên chiếc gương lớn, với các thông điệp như "Hãy yêu cô gái ở trong gương", "Bạn là một người tuyệt vời!", "Hãy tự tin lên!". 

Chiến dịch quảng cáo tiến bộ của Aerie giúp phụ nữ học cách yêu thương và trân trọng cơ thể cũng như hiểu được giá trị đích thực của bản thân họ.

quynhtran

Quỳnh Trân - Ảnh: FB nhân vật

Hãy là cô gái thông minh, nhân hậu

Khi viết bài này, tôi vẫn đang trên hành trình học cách trân trọng bản thân và không biến mình thành nạn nhân của văn hóa trọng hình thức. Bởi vì 20 năm sau, tôi sẽ dạy con gái tôi rằng: "Này con gái, con không cần phải xinh đẹp. Nhiệm vụ của con là học cách làm một người phụ nữ tự tin, thông minh, ham học hỏi với tấm lòng nhân hậu và đam mê sống mãnh liệt".

QUỲNH TRÂN (từ Hoa Kỳ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp