Thói quen nấu nướng đó chồng tôi đã duy trì từ lúc chúng tôi mới yêu nhau, dù tôi không ít lần ẩm ương càu nhàu sao không đi ăn quán mà phải bày ra nấu nướng, dọn dẹp cho mệt. Những lúc đó, anh chỉ cười "đi chợ nấu ăn giúp đầu óc anh nghỉ ngơi, khi đó chỉ tập trung vào món ăn, không còn lo nghĩ gì khác".
Ngưỡng mộ chồng nấu ăn ngon
10 năm bên nhau, nếp sinh hoạt của chúng tôi vẫn duy trì như vậy. Những ngày cuối tuần rảnh rỗi không vướng bận công việc, anh chở vợ ra chợ, tự tay lựa từng con cá biển mới chở từ Vũng Tàu, Phú Quốc… lên còn tươi rói. Rồi lại tạt vào hàng rau mua nắm rau sống, ít trái cà, góc tư thơm, không quên nắm lá é là có nồi canh chua cá biển thơm ngon.
Món khoái khẩu của cả hai vợ chồng nhà tôi, không phải bàn cãi, chính là canh chua cá biển. Khi thì cá bạc má nấu ngót, lúc cá kình nấu thơm, cá nục nấu măng chua, cá nục con nấu lá me non… mùa nào thức đó. Những hôm lười bày biện quá nhiều thì chỉ cần tô canh chua, dĩa rau sống, thêm chén mắm tỏi ớt cay sè là đủ bữa "chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon".
Do tính chất công việc đi nhiều nơi, chồng tôi cũng học được cách nấu nhiều món ngon lạ.
Mâm cơm thường ngày của chồng đôi khi cũng khiến tôi mở mang tầm mắt với những món mình còn chưa nghe đến chứ đừng nói là ăn rồi, từ cá kình nấu sấu, cá bạc má nấu dưa quả, đến canh ếch nấu chuối chát, bánh canh cá bã trầu, nấm tràm xào trứng, cá cơm kho me…
Ngoài việc thích học các món mới, độ đầu tư cho các món ăn của anh cũng khiến tôi ngưỡng mộ, dù với anh, những chuyện đó "cũng thường thôi". Có hôm tôi buột miệng nói thèm tép đồng xào khế. Sáng sớm hôm sau đã thấy anh xách xe chạy ra chợ, lát sau cầm về bịch tép đồng "cái này phải đi chợ sớm mới có".
Một món canh khác mà tôi ăn mãi không ngán là canh khổ qua dồn thịt. Món ăn nghe tưởng đơn giản, nhưng qua tay đầu bếp chồng, lại công phu đến là mê. Khổ qua phải là khổ qua rừng, trái phải nhỏ vừa chừng hai lần cắn mới ngon. Nhân nhồi là thịt bằm trộn tí mỡ cho mướt, thỉnh thoảng trộn thêm tôm, nêm gia vị vừa ăn rồi cho vào cối cùng mộc nhĩ bằm nhuyễn rồi giã tay thêm cho dai. Nhất định phải giã bằng tay mới ngon, chồng tôi bảo thế.
Làm cùng nhau, thương yêu trọn đời
Mỗi lần tôi "khoe" bữa ăn chồng nấu, bạn bè lại xuýt xoa bảo tôi may mắn lấy được anh chồng "nữ công gia chánh", người khác mỹ miều gọi đó là "những bữa cơm thương". Có lần một người bạn bình luận "em làm chồng hay quá", tôi chỉnh ngay "là em làm vợ thành công".
Đúng là tôi may mắn thật, nhưng đó là may mắn lấy được một người bạn đời biết chăm sóc gia đình hơn là vì mình là phụ nữ mà không phải nấu ăn. Thêm nữa, sự may mắn này có lẽ tôi đã thấy nhiều rồi.
Từ nhỏ, căn bếp của gia đình luôn là "lãnh địa" của ba tôi, nơi ông nấu ra những món ăn khiến anh chị em tôi mê mẩn, nào là thịt ram, canh chua, canh khoai mỡ…
Tuổi thơ của tôi là quá trình quan sát sự phân công lao động trong gia đình của ba mẹ. Mẹ làm kinh doanh, ba làm Nhà nước, ai tranh thủ được thời gian rảnh thì chăm lo cho gia đình, người này làm việc thì người kia nội trợ. Riêng khoản nấu nướng, mẹ sẽ mua rồi sơ chế nguyên liệu, công đoạn nấu nướng sau đó là của ba.
Đến bây giờ, khi ba mẹ đã tới tuổi nghỉ ngơi không còn làm việc và không ở cùng con cái, thì quy trình nấu nướng của ông bà cũng vẫn là những công đoạn "làm cùng nhau", nhịp nhàng mà rõ ràng.
Lắm lúc tôi cũng thấy sao mà nhiêu khê quá. Mẹ sơ chế nguyên liệu xong thì kêu ba vào bếp nấu, ba nấu nướng xong thì ới "bà ra rắc thêm miếng tiêu, miếng hành ngò rồi dọn cơm ăn". "Chi cho mệt vậy, sao một người không làm hết luôn đi?" - nhiều lần tôi hỏi.
Sau này tôi mới hiểu, đó là chuyện phân công lao động và làm việc cùng nhau, cùng chăm lo cho gia đình.
Nhà tôi cũng có sự phân công lao động rõ ràng, trước bữa ăn vợ ung dung chờ cơm chồng nấu, sau bữa cơm chồng thong thả xem TV chờ vợ dọn dẹp, ai giỏi việc gì thì làm việc nấy.
Ngày nay, không thiếu những người phụ nữ xem mục tiêu nghề nghiệp quan trọng không kém việc chăm lo cho gia đình, cũng không ít những người đàn ông xem việc nấu cho vợ con một bữa ăn ngon quan trọng như thành tựu trong công việc. Lướt qua mạng xã hội đâu thiếu những kênh TikTok, YouTube, Instagram nổi tiếng với những bữa cơm nấu cho vợ con.
Phải chăng đã đến lúc xem suy nghĩ rằng phụ nữ đi kiếm tiền "phụ" đàn ông, hay đàn ông "phụ" việc nhà với phụ nữ là không còn hợp thời nữa? Đừng "độc chiếm" gian bếp cho một phái nào cả, hãy để đó là nơi bất cứ ai cũng có thể vào để nấu những bữa cơm thương cho người mình thương.
Không nên xem việc nhà là độc quyền của phụ nữ
Theo nếp nghĩ của số đông từ xưa đến nay, bếp núc nội trợ vẫn luôn là "đặc quyền" của phái nữ. Nếu cô nào lấy được anh chồng đảm đang biết "giúp" vợ là cô đấy may mắn.
Trong một bài viết đăng trên báo New York Post hồi tháng 3 năm nay, một nghiên cứu của dịch vụ dọn dẹp nhà cửa Homeaglow ở Mỹ cho thấy trung bình người trưởng thành Mỹ (cả nam và nữ) trong năm 2022 dành 34 phút mỗi ngày cho công việc nhà, nếu quy ra tiền công theo giờ là 19,69 USD/ ngày. Tổng cộng, họ làm 208 giờ, tương đương với 7.188 USD/năm.
Tuy nhiên, khi phân tích theo giới tính, kết quả cho thấy phụ nữ làm lượng việc nhà nhiều hơn nam giới đến 6.431 USD/năm nếu quy ra tiền. Theo đó, nam giới trung bình làm việc nhà 19 phút/ngày tương đương với 3.909 USD/năm, còn phụ nữ làm trung bình 49 phút/ngày tương đương với 10.341 USD/năm.
Bởi thế mới nói "việc nhà là của phụ nữ" không chỉ là suy nghĩ ở xứ ta mà địa cầu khắp nơi đều có. Dù cán cân chênh lệch đó vẫn còn tồn tại, tuy nhiên một thực tế không thể chối cãi là nhiều phụ nữ ngày nay không xem việc nhà là "độc quyền" của mình nữa.
Có một thế hệ phụ nữ sinh ra và lớn lên mà không được cha mẹ dạy là "phải giỏi việc nhà thì mới lấy được chồng"; có một thế hệ phụ nữ đủ bận rộn với công việc, với sự nghiệp cá nhân, với công tác xã hội; có một thế hệ phụ nữ sánh vai cùng chồng xây dựng tổ ấm, cùng nhau kiếm tiền chăm lo cho gia đình.
Lẽ dĩ nhiên, cũng có những người chồng kề vai sát cánh với vợ mình trong chuyện cửa nhà, bếp núc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận