Phóng to |
Các nhân chứng nói những máy bay chiến đấu đã tiến hành 8 đợt không kích trong ba giờ đồng hồ trong một “cuộc tấn công với cường độ cao bất thường” ở Tripoli, trong đó có bốn vụ nổ làm rung chuyển thủ đô Libya vào khoảng sau 2g ngày 10-5.
Các quan chức Libya tuyên bố ngày 10-5 rằng bốn trẻ em đã bị thường vì mảnh kính bay ra từ các vụ nổ do những cuộc không kích của NATO vào lúc rạng sáng.
Al Jazeera cho biết trong chuyến thăm đầu tiên, các nhà báo thấy một tòa nhà chính phủ bị sụp đổ hoàn toàn, nhưng không có thông tin thương vong về người. AFP cho biết thêm các máy bay của NATO cũng đã tấn công một kho căn cứ quân sự của chính quyền Libya nằm cách Zintan, một thị trấn ở miền tây, 30km về phía đông nam.
Những vụ nổ xảy ra sau khi Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cảnh báo thời gian đã hết cho Gaddafi, người mà ông Rasmussen đe dọa “phải sớm nhận ra rằng không có tương lai nào cho ông ta và chế độ của ông ta”.
Tuy nhiên, trên mặt trận ngoại giao, tình hình đang chuyển biến xấu khi những chỉ trích với chiến dịch của NATO tại Libya ngày càng gia tăng, từ chính Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, cơ quan đã chấp thuận chiến dịch này.
“Vấn đề với phương tây là một số nhân tố chủ chốt trong hội đồng giờ thấy quyền lực họ trao cho NATO đã bị lạm dụng” - Reuters dẫn lời David Bosco của Đại học American tại Washington.
Hội đồng Bảo an bế tắc về giải pháp cho Libya
Trong khi đó, theo TTXVN, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) trong phiên họp ngày 9-5 vẫn chưa thể đưa ra một nghị quyết mới cho phép phương Tây hành động mạnh hơn ở Libya, cũng như một giải pháp chính trị cho vấn đề này.
Nga và Trung Quốc khẳng định phản đối mọi nỗ lực viện trợ cho lực lượng chống chính phủ ở Libya. Hai nước này ngày càng chỉ trích mạnh mẽ các hành động quân sự của NATO ở Libya, cho rằng những hành động này sát hại dân thường chứ không bảo vệ họ.
Phương Tây cũng gặp phải sự chống đối ở HĐBA bởi một số thành viên trước đây ủng hộ nghị quyết bảo vệ dân thường Libya, nay quay sang chỉ trích phương Tây vì cho rằng quyền hạn mà nghị quyết cho phép đã bị phương Tây lạm dụng nhằm thay đổi chế độ và lật đổ chính phủ của ông Gaddafi.
Phát biểu tại phiên họp nói trên, người đứng đầu cơ quan nhân đạo của LHQ, bà Valerie Amos kêu gọi các bên liên quan sớm đạt được một thỏa thuận ngừng chiến tạm thời ở Libya nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trong vùng chiến.
Theo bà, hơn 746.000 người đã rời khỏi Libi, 58.000 người bị mất nhà cửa ở miền Đông Libya, trong khi khoảng 5.000 người khác vẫn đang bị kẹt lại tại khu vực biên giới giáp với Ai Cập, Tuynidi và Nigiê. Cuộc xung đột đã làm hư hại nhiều cơ sở hạ tầng, cộng với tình trạng thiếu tiền mặt và nhiên liệu, khiến cuộc sống của người dân Libya ngày càng khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận