11/11/2019 08:47 GMT+7

NATO đang bị 'chết não'?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng NATO đang bị “chết não” khiến nhiều người châu Âu phẫn nộ, đặc biệt ở các nước Đông Âu - nơi xem Mỹ như “vị cứu tinh” duy nhất có thể bảo vệ họ trước ảnh hưởng của Nga.

NATO đang bị chết não? - Ảnh 1.

Binh lính của lực lượng NATO - Ảnh: Reuters

Không khó hiểu khi phát ngôn của ông Macron trong cuộc phỏng vấn với tờ The Economist hôm 7-11 khiến ông hứng bão chỉ trích. Khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) chưa bao giờ đối mặt với sự nghi ngờ như vậy từ một nhà lãnh đạo của khối trong suốt 70 năm tồn tại.

Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được những rủi ro bị chỉ trích. Một khi đã thốt ra những lời như vậy thì không thể tránh khỏi việc châm ngòi cho sự căng thẳng, thậm chí là chia rẽ. Chúng có thể khiến nhiều người cảm thấy bị tổn thương nhưng sẽ trở thành nền tảng cho sự đoàn kết trong tương lai.

Một quan chức Pháp nói với Hãng tin Reuters vào ngày 9-11


Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vốn chẳng giấu giếm sự coi thường NATO và lờ đi cam kết phòng vệ tập thể, cũng chưa bao giờ nói thẳng kiểu "NATO là không cần thiết".

Thủ tướng Đức Angela Merkel, đồng minh của ông Macron trong quyết tâm "giữ một châu Âu đoàn kết", lần này phải lên tiếng cho rằng các "nhận xét chung chung" của tổng thống Pháp là chẳng phù hợp. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau đó cũng nhập cuộc, khẳng định NATO vẫn cần thiết nhưng "cần phải điều chỉnh và thay đổi" sau 70 năm tồn tại.

Bosnia-Herzegovina, một thành viên Đông Âu của NATO, ngày 9-11 đã triệu tập đại sứ Pháp và thể hiện sự tức giận khi bị ông Macron so sánh như "bom nổ chậm" của châu Âu vì sự trở về của những phần tử thánh chiến cực đoan.

Một số tờ báo Mỹ như Washington Post tỏ ra ủng hộ ông Macron nhưng lại phân tích vấn đề theo kiểu đổ lỗi cho tất cả những rối rắm trong NATO hiện nay đều do ông Trump.

Thực tế mà nói, ngay cả khi ông Trump không vào Nhà Trắng, NATO cũng đã đầy rẫy vấn đề nội bộ, và những quyết định của ông, chẳng hạn rút quân khỏi Syria, chỉ như chất xúc tác cho các phát ngôn sốc của ông Macron. 

Bất ngờ bị Mỹ "bỏ rơi" trong cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, tổng thống Pháp dường như đã bừng tỉnh và ngày càng tin rằng châu Âu cần phải có một thiết chế mới chỉ để giữ vững và bảo vệ lợi ích cho chính châu Âu.

Nếu nhìn theo góc độ này, có thể thấy những phát ngôn gây sốc của ông Macron đang hướng tới châu Âu nhiều hơn là chỉ trích Mỹ. Đó không phải là một lời nói hớ của tổng thống Pháp, đó là một sự tính toán và lời cảnh báo rằng đã tới lúc NATO nên nhìn thẳng vào những vấn đề nội bộ, thừa nhận những điểm yếu để cùng cải thiện hơn là lấp liếm một cách đầy ngoại giao, sợ "vạch áo cho người xem lưng" trong lúc các thách thức từ Trung Quốc và Nga đang ngày một hiển hiện.

Hồi tháng 1 năm nay, Pháp và Đức đã ký một hiệp ước hợp tác quân sự với những điều khoản mới, đặt nền tảng cho việc thành lập một quân đội chung trong tương lai. Hôm 7-11, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer tiếp tục kêu gọi các lãnh đạo ở Đức, Pháp và Anh chính thức hóa nhóm ba bên "E3". Những điều này cho thấy quan điểm các thiết chế hợp tác đơn giản giữa các nước châu Âu và không cần Mỹ là cần thiết đang ngày càng có chỗ đứng tại lục địa già.

Ông Macron từ lâu đã thúc giục châu Âu nên tự định vị mình là một thế lực có chủ quyền và quyền tự quyết trong khi cố gắng giữ Mỹ ở gần châu Âu nhất có thể kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng. Song sự phân hóa giữa Tây Âu hô hào phải có chính kiến và Đông Âu chủ trương phụ thuộc Mỹ về an ninh dường như là trở ngại chính cho điều này.

NATO làm lộ vị trí vũ khí hạt nhân Mỹ ở châu Âu NATO làm lộ vị trí vũ khí hạt nhân Mỹ ở châu Âu

TTO - Một báo cáo đã được chỉnh sửa của NATO khiến truyền thông châu Âu xôn xao vì vô tình xác nhận 6 vị trí cất giữ vũ khí hạt nhân của Mỹ ở các nước Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp