Vũ trụ song song có thực hay chỉ trong tưởng tượng? - Ảnh: GETTY
Khái niệm "vũ trụ song song" không phải là điều mới mẻ, nó từng xuất hiện trong nhiều nghiên cứu khoa học và trong điện ảnh với hàng loạt bộ phim về một thế giới ảo ảnh, song trùng.
Điều tưởng như phi thực tế này lại trở nên rất thực sau một thí nghiệm của Cơ quan hàng không vũ trụ NASA tại Nam cực.
Các nhà khoa học sử dụng một quả bóng khổng lồ để đưa ăngten Antartic Impulsive Transient (ANITA) lên 37.000m, là vùng không khí lạnh, khô phía trên Nam Cực để xác định các hạt vũ trụ.
Họ thu được một luồng hạt năng lượng cao đến từ không gian nhưng điều bất ngờ là các hạt này lại đi từ mặt đất lên mà không phải là từ trên đi xuống như thường thấy.
Điều này dẫn tới suy đoán rằng có một vũ trụ song song, nơi các quy tắc vật lý tiêu chuẩn mà chúng ta từng biết không còn hợp lý. Một giả định được NASA đưa ra là hai vũ trụ song song được hình thành vào thời điểm vụ nổ Big Bang xảy ra.
Thí nghiệm này thực hiện năm 2016 và được công bố vào cuối tháng 4 trên tạp chí khoa học New Scientist. Ngay sau đó, một loạt trang tin của Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam dẫn lại khiến không ít người tin rằng "chắc chắn có một thế giới song song đang tồn tại với thế giới chúng ta đang sống".
Tuy nhiên, điều này gây tranh cãi lớn trong giới khoa học và không phải nhà khoa học nào cũng tin rằng có thế giới "song trùng".
Ibrahim Safa - nhà khoa học làm việc tại Đài quan sát hạt Neutrino IceCube ở Nam Cực - cho rằng không thể dựa vào một số hạt trôi ngược trong không gian để kết luận về một thế giới song trùng: "Thế giới song trùng là một thứ rất lớn và phức tạp, những hạt vũ trụ trôi ngược mà ANITA đo được có thể chỉ là một hiện tượng vật lý kỳ lạ mà chúng ta chưa khám phá ra".
Giảng viên Alex Pizzuto (Đại học Wisconsin) - từng làm việc tại Đài thiên văn IceCube Neutrino với tư cách nhà nghiên cứu, từng thực hiện một thí nghiệm tương tự năm 2018 nhưng không tìm thấy kết quả tương tự, cũng cho rằng các hạt vũ trụ mà ANITA thu được có thể chỉ là tinh chất trong băng tại Nam Cực thoát lên.
Sau một loạt bài báo với trích dẫn tranh cãi, Peter Gorham - nhà vật lý hạt thực nghiệm tại Đại học Hawaii và nghiên cứu chính của ANITA, người trước đó khẳng định "cách duy nhất các hạt vũ trụ có thể trôi ngược lại là biến thành một loại hạt khác trước khi đi qua Trái đất và sau đó quay trở lại", đã lên tiếng giải thích rằng "báo chí hiểu sai kết luận của NASA".
"Nghiên cứu của chúng tôi không liên quan gì đến ý tưởng về một vũ trụ song song. Đó chỉ là kết luận của một thử nghiệm khoa học nhưng báo chí đã lồng ghép giả định của một số nhà vật lý không liên quan đến thử nghiệm và gây hiểu lầm trong cộng đồng", Peter Gorham trả lời trên tờ Independent ngày 22-5.
Giáo sư Peter Gorham cũng cho biết ông và các đồng nghiệp đã nhìn thấy "hiện tượng kỳ lạ" này vài lần và sẽ tiếp tục nghiên cứu trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận