Các nhà khoa học NASA nói việc nước biển tăng thêm 1m là điều khó tránh khỏi - Ảnh: AFP |
Michael Freilich - chủ nhiệm khoa Khoa học trái đất của NASA, cho biết dựa vào các dữ liệu vệ tinh mới nhất, họ nhận thấy mực nước biển tăng thêm 1m hoặc nhiều hơn là điều không thể tránh khỏi trong 100-200 năm tới.
"Nước biển dâng cao sẽ gây tác động sâu sắc trên toàn thế giới", ABC News ngày 27-8 dẫn lời Freilich. "Hơn 150 triệu người, phần lớn là ở châu Á, hiện đang sống trong khu vực có nguy cơ nước biển dâng cao thêm 1m", ông thêm.
Theo dữ liệu đo được, mực nước tại các đại dương trên thế giới đã dâng trung bình gần 7,6 cm từ năm 1992, một số nơi thậm chí tăng 23 cm. |
Freilich cũng cho biết với diễn biến trên, các bang nằm ở vùng thấp của Mỹ như Florida và các thành phố lớn như Singapore và Tokyo có thể biến mất dưới nước biển. Trong khi đó, một số đảo quốc ở Thái Bình Dương sẽ không còn trên bản đồ thế giới.
Lý do khiến nước biển dâng là băng tan - đặc biệt tại Greenland và Nam Cực: tại Greenland, băng đang tan chảy với tốc độ trung bình 303 tỉ tấn/năm trong thập kỷ qua; tại Nam Cực, băng cũng đang tan với tốc độ trung bình 118 tỉ tấn/năm.
"Một trong những điều chúng tôi nhận thấy là băng đang tan chảy nhanh hơn dự đoán trước đây", Josh Willis - nhà hải dương học tại Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA ở Pasadena (California) nói.
"Trong 20 năm tới chúng ta có thể sẽ thấy băng tan nhanh hơn so với trung bình nước biển dâng, vì vậy chúng ta cần phải chuẩn bị".
TS Eric Rignot - nhà nghiên cứu sông băng tại ĐH California, cũng cho rằng trong bối cảnh Trái đất ấm lên, không có lý do để hy vọng rằng băng sẽ tan chảy với tốc độ như trong quá khứ. Thay vào đó, băng tan ở mức nhanh hơn, và họ "không thể nói gì về các kịch bản trong tương lai".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận